Làm series phim Việt để thành danh nhưng không dễ

Thế giới có rất nhiều series phim đình đám và tạo thành thương hiệu riêng như: Avengers, Nhiệm vụ bất khả thi, Fast and Furious, Tranformers…

Lật mặt là một trong những phim thương hiệu của Lý Hải

Lật mặt là một trong những phim thương hiệu của Lý Hải

Thế nhưng ở Việt Nam, lại đếm trên đầu ngón tay những bộ phim làm nên được thương hiệu cho chủ nhân của nó.

Series phim “ăn nên làm ra”

Sau thành công ngoài mong đợi của 3 phần phim Lật mặt, Lý Hải tiếp tục chuẩn bị ra mắt bộ phim Lật mặt 4 với kinh phí lên tới 17 tỷ đồng. Nếu Lật mặt 1 và 2 xoay quanh tình yêu nghề của những người làm nghệ thuật chân chính, Lật mặt 3 khai thác đề tài gia đình thì Lật mặt 4 được giới thiệu sẽ có kịch bản thuộc thể loại ma hài. Dàn diễn viên của phần 4 cũng được đổi mới với những gương mặt diễn viên mới như: Mạc Văn Khoa, Jay Quân, Katleen Phan Võ… Theo Lý Hải, đây là cách để anh thay đổi “khẩu vị” cho khán giả của series bộ phim này.

Cùng với Lật mặt, Gái già lắm chiêu của bộ đôi đạo diễn - nhà sản xuất Bảo Nhân và Nam Cito cũng chuẩn bị được ra mắt phần 3. Phần 3 được thực hiện dưới dạng phim truyền hình chiếu mạng và thể loại cũng được thay đổi. Nếu hai phần phim trước, Gái già lắm chiêu thuộc thể loại chick-flick, hài hước, lãng mạn thì trong phần mới, bộ phim được chuyển hẳn sang dạng hành động - hình sự để ly kỳ và hồi hộp hơn.

Dễ thấy, Lật mặt hay Gái già lắm chiêu là những series phim đang dần tạo được thương hiệu của mình. Nhắc tới Lật mặt, khán giả có thể nghĩ tới những bộ phim được nhà sản xuất - đạo diễn Lý Hải thực hiện với những mảng miếng hài hước cùng những pha hành động mãn nhãn. Có lẽ đó là lý do liên tiếp 3 phần phim đều mang về doanh thu đáng ngưỡng mộ. Lật mặt 1 có con số 70 tỷ đồng ngất ngưởng, phần 2 dù không công bố tổng doanh thu nhưng đã mang về 15 tỷ đồng chỉ sau 3 ngày công chiếu. Còn phần 3 với doanh thu 85,5 tỷ đồng đã lọt vào top 10 phim Việt có doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, Gái già lắm chiêu cũng ghi dấu ấn bởi sự đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh, bối cảnh, nội dung mang tính giải trí cao. 2 phần phim lần lượt mang về doanh thu 38 tỷ đồng và 62 tỷ đồng.

Lý Hải tâm sự, ở lĩnh vực ca nhạc, anh từng tạo được thương hiệu Trọn đời bên em cho những album ca nhạc của mình nên trong lĩnh vực điện ảnh, anh muốn làm nên thương hiệu Lật mặt. Bởi, việc tạo được thương hiệu riêng giúp khán giả ra rạp sẽ không phải đắn đo phim có chất lượng hay không. Còn đạo diễn Bảo Nhân nhận định, việc xây dựng được một series phim để tạo được thương hiệu sẽ có nhiều lợi thế với nhà sản xuất. Thương hiệu phim sẽ giúp nhà sản xuất tận dụng được nguồn lực, nội dung và thậm chí là có sẵn lượng khán giả trung thành. Đây cũng là điều đương nhiên và nằm trong quy luật vận hành chung của thế giới, khi thị trường phim ảnh Việt Nam đang bắt đầu đi vào con đường chuyên nghiệp, nhiều bộ phim được sản xuất và ăn khách.

Ai cũng muốn nhưng đâu “dễ xơi”

Thực tế, lợi thế của series phim tạo được thương hiệu là điều mà ai cũng nhìn ra nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Kể từ khi điện ảnh Việt Nam phát triển, có nhiều bộ phim ra đời nhưng mới dừng lại ở phần 2 và chưa thấy các nhà sản xuất có ý định phát triển tiếp như: Nụ hôn thần chết - Giải cứu thần chết (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Để mai tính - Để Hội tính (đạo diễn Charlie Nguyễn)…

Muốn làm những series phim thành được thương hiệu thì ít nhất phim phải đủ thành công và nền điện ảnh phải đủ lớn. Làm phần phim đầu đã khó, phần sau còn khó hơn. Hình tượng nhân vật xây dựng phải đủ hấp dẫn mới có thể làm lâu dài. Ở ta, kịch bản phần 1 đã yếu thì làm sao phát triển được phần 2, 3, 4.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Ngay với kinh đô điện ảnh Hollywood vốn nổi tiếng với những thương hiệu phim đình đám, nhưng các nhà chuyên môn cũng đưa những đánh giá trái chiều khi các nhà sản xuất cố “vắt sữa” những thương hiệu nổi tiếng thay vì tạo ra những tác phẩm nguyên bản. Lý do bởi thực tế đã có không ít bộ phim thất bại khiến thương hiệu “lên voi xuống chó” như: The Amazing Spider-Man 2 (2014), Terminator: Genisys (2015)… Trong Liên hoan phim quốc tế San Fransisco 2013, đạo diễn Steven Spielberg từng bức xúc cho rằng, việc tiếp tục làm lại các thương hiệu nổi tiếng dần giết chết tính sáng tạo của Hollywood.

Điều này cũng dễ hiểu vì để kéo dài một bộ phim, duy trì thương hiệu phim vốn không đơn giản. Đạo diễn Bảo Nhân tâm sự, ở Việt Nam, các diễn viên chưa hiểu được tầm quan trọng của những bộ phim tạo được thương hiệu. Mời họ đóng một phần thì dễ, nhưng để họ tiếp tục tham gia các phần tiếp theo thì khó. Chưa kể, muốn duy trì được nhiều phần phim, nhà sản xuất phải có chiến lược xây dựng nội dung từ đầu. Ở đó, từ các phần đã có chủ ý cài cắm nội dung để phát triển được đến các phần tiếp theo. Bản thân anh khi thực hiện Gái già lắm chiêu phần 1 đã có kế hoạch xây dựng thành chuỗi dự án phim là sẽ có phần 2, phần 3 và kết thúc ở phần 4. Dĩ nhiên, không phải nội dung nào cũng có thể kéo dài được nhiều phần. “Phải chọn đúng chủ đề và xây dựng nội dung, nhân vật để có “đường ra” cho nhiều phần sau đó. Xây dựng được thương hiệu lại càng khó hơn vì phải còn phụ thuộc vào dự án có ăn khách không. Nếu ăn khách thì nhà sản xuất mới tự tin làm tiếp phần tiếp theo”, nam đạo diễn chia sẻ.

Nói về điều này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thừa nhận, anh từng có ý định phát triển bộ phim Siêu nhân X thành một dòng phim siêu anh hùng của Việt Nam. Thế nhưng, phim không thành công như mong đợi nên ý định ấy cũng bị chôn vùi. Trong khi đó, thương hiệu “Thần chết” thì chỉ thực hiện được đến phần 2, anh đã “đuối” rồi. Dũng “khùng” chia sẻ , nhà sản xuất nào cũng từng có ý định làm một series điện ảnh có thương hiệu nhưng để phát triển, đi đường dài rất khó.

Trong khi đó, đảm nhận vai trò nhà sản xuất kiêm đạo diễn, Lý Hải cho rằng, muốn tạo thương hiệu cho 1 series phim thì phải tạo được lòng tin cho khán giả, để khán giả xem phim xong không bị thất vọng về chất lượng sản phẩm. Thêm đó, cũng cần phải có kịch bản tốt, ê-kíp tốt, có nhiệt huyết và những sáng kiến táo tạo. Bản thân người làm phim cũng phải đặt mục tiêu làm sao để lột tả được hết nội dung và thông điệp mà phim muốn truyền tải một cách chỉnh chu và dễ đi vào lòng người nhất. Tuy nhiên, nam đạo diễn tự nhận anh may mắn hơn những nhà làm phim khác vì có thể tự làm nhà sản xuất chứ không bị phụ thuộc vào người khác. Anh có thể tự viết kịch bản, tự bỏ tiền sản xuất và được tham gia vào mọi công đoạn sản xuất phim, để có thể mang tới một sản phẩm chất lượng nhất.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/lam-series-phim-viet-de-thanh-danh-nhung-khong-de-d414675.html