Lâm Sơn mùa trái ngọt

Nhắc tới Ninh Thuận là nhắc tới vùng đất xương rồng, cát trắng. Tuy nhiên, giữa bao la khô cằn và nắng khát ấy lại hiện lên một ốc đảo bốn mùa cây xanh và trái ngọt, đó là vùng đất Lâm Sơn dưới chân đèo Ngoạn Mục.

Quốc lộ 27 nối đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ với các tỉnh Tây Nguyên được khai mở cách đây hơn một thế kỷ, gắn liền với công cuộc xây dựng Đà Lạt và khai thác Tây Nguyên của người Pháp. Từ bờ biển Ninh Thuận, con đường băng qua vùng thảo nguyên khô cằn, nơi những dấu tích của nền văn minh Chăm Pa vẫn còn lấp lánh trên tháp Chàm ngàn năm tuổi và công trình đại thủy nông Nha Trinh do vua PoKlong Garai chủ trì xây dựng cách đây 9 thế kỷ. Trước khi vượt lên những sườn núi cao chất ngất để tới địa phận tỉnh Lâm Đồng, Quốc lộ 27 chạy qua một thung lũng hẹp thuộc địa bàn xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn.

 Ông Nguyễn Ngọc Minh trong vườn trái cây của gia đình.

Ông Nguyễn Ngọc Minh trong vườn trái cây của gia đình.

Tới Lâm Sơn, khách sẽ có cảm giác như đang đi giữa miệt vườn Lái Thiêu của tỉnh Bình Dương hoặc một vùng cây trái nào đó tận Đồng bằng sông Cửu Long, bởi nơi đây có đủ các loại cây trái tiêu biểu của miền Nam, như: Dừa, măng cụt, sầu riêng, mít, chôm chôm, mãng cầu...

Ông Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1960, ở thôn Lâm Bình, xã Lâm Sơn, kể: “Ba mẹ tôi là một trong những người đầu tiên đến khai phá vùng đất này vào năm 1950. Khi ấy, vùng này còn là rừng núi hoang vu, hai bên đường chỉ có vài ngôi nhà làm quán trọ, bán cơm cho khách qua đường. Những gia đình như ba mẹ tôi thì sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, đốt than, hái lan rừng bán cho khách vãng lai. Trước đây, người dân miền Bắc, miền Trung vào Đà Lạt-Lâm Đồng đều phải đi qua con đường này. Trước khi vượt đèo Ngoạn Mục, cánh tài xế và khách thường dừng chân ở Lâm Sơn nghỉ ngơi, ăn uống. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, người dân địa phương bắt đầu trồng một số loại cây ăn trái, như: Dừa, sầu riêng, mít, chôm chôm, măng cụt… để bán cho khách”.

Khác với nhiều nơi tại Ninh Thuận quanh năm nắng hạn, thung lũng Lâm Sơn lại quanh năm ẩm ướt bởi vùng đất này nằm dưới chân những ngọn núi cao hơn 1.000m so với mực nước biển, mây từ biển bay vào đất liền khi gặp núi cao thường rơi xuống thành mưa. Đây cũng là khu vực còn giữ được nhiều rừng, có nhiều dòng suối nhỏ quanh năm cấp nước cho các khu vườn. Năm 1960, khi xây dựng nhà máy thủy điện Đa Nhim, một lượng lớn nước từ dòng sông Đa Nhim trên cao nguyên Lâm Đồng đã bị đổi dòng, chảy xuống thung lũng Lâm Sơn, khiến cho vùng đất này càng thêm màu mỡ. Điều kiện thiên nhiên lý tưởng ấy giúp cho cây trái ở Lâm Sơn đạt năng suất cao và chất lượng thơm ngon. “Giống chôm chôm tróc này trồng ở nơi khác thì nhiều nước và cùi dính vào hạt, nhưng ở đây cùi dày, khô, tróc, ăn vô biết liền. Có lần tôi vào TP Hồ Chí Minh, thấy người ta để hai đống sầu riêng, một đống ghi là sầu riêng Sông Pha (tức Sơn Lâm), một đống ghi là sầu riêng xứ khác cũng rất nổi tiếng. Quan sát một hồi thấy sầu riêng Sông Pha bán hết, người bán chuyển sầu riêng từ đống bên cạnh sang chỗ ghi sầu riêng Sông Pha để bán. Tôi ngạc nhiên lắm. Sau này, khi có dịp thử nhiều trái cây ở các vùng miền khác nhau, tôi nhận ra trái cây quê mình ngon thiệt”- ông Nguyễn Ngọc Minh tự hào cho biết.

Từ chỗ chỉ như là một thứ thu nhập thêm với diện tích hạn chế, diện tích trồng cây ăn quả ở Lâm Sơn không ngừng mở rộng và trở thành nghề chính của các hộ gia đình. Hiện toàn xã đã có hơn 340ha đất vườn trồng các loại cây ăn trái, thu nhập mỗi héc-ta lên tới hàng trăm triệu đồng/năm. Gần đây, Lâm Sơn còn là điểm du lịch sinh thái được nhiều du khách yêu thích bởi ngoài hoa thơm và trái ngọt, ốc đảo này còn rất nhiều điều hấp dẫn khác, như: Cung đèo Ngoạn Mục nối 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận; dấu tích của tuyến xe lửa đường sắt răng cưa với những cây cầu, đường hầm chơ vơ giữa mưa nắng và thời gian; sắc màu huyền bí của văn hóa Ra-glai; những ngọn thác hùng vĩ và đại ngàn xanh thẳm… mời gọi, giục giã du khách tìm về khám phá, trải nghiệm.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lam-son-mua-trai-ngot-550886