Làm sống dậy văn hóa dân gian

Đã từ lâu, giới nghiên cứu văn hóa dân gian vẫn xem Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo (Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) là một bậc thầy về nghiên cứu văn hóa dân gian. Nghe bà nói chuyện về văn hóa dân gian, người nghe như đang được khám phá, tìm hiểu một kho tàng đầy ắp những giá trị văn hóa bất tận của dân tộc mà không dễ mai một theo thời gian trước những con người vốn 'nặng lòng' với nó như bà. Trong ngôi nhà thanh tĩnh, bình yên ở một góc phố nhỏ Hà Nội, bà trải lòng về những đau đáu, đam mê, trăn trở không dứt với văn hóa dân gian Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo. Ảnh: Lê Hà

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo. Ảnh: Lê Hà

- Giữa nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, dường như bà luôn là người hướng về quá khứ. Bà có thể chia sẻ cơ duyên nào đã gắn kết bà với văn hóa dân gian?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Người Hà Nội gốc vốn luôn giữ cốt cách văn hóa, lưu giữ những giá trị truyền thống của cha ông một cách rất cẩn trọng và vững bền. Những điều đó ngấm vào tôi ngay từ khi tôi còn trẻ, nên dù sống trong xã hội hiện đại, nhưng tôi là người luôn hướng về quá khứ và trân trọng những giá trị truyền thống.

Tôi đến với văn hóa dân gian như một cơ duyên. Nghề của tôi là nghiên cứu văn học Hán Nôm, qua quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy văn hóa bác học lại rất gần gũi với văn hóa dân gian. Từ những nguồn nguyên liệu vô tận của văn học Hán Nôm đã “chỉ dẫn” cho tôi rẽ hướng sang nghiên cứu văn hóa dân gian như một “định mệnh” vậy.

Cho đến nay, tôi đã xuất bản khá nhiều cuốn sách, các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian và cuốn sách nào cũng được tái bản lần 2, lần 3, có “sức nặng” đối với độc giả cả nước. Tiêu biểu là các cuốn: “Các nữ thần Việt Nam”; “Làng nghề, phố nghề dân gian Hà Nội”; “Văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội”; “Lệ làng Thăng Long - Hà Nội”; “Dấu xưa, chuyện cũ Thăng Long - Hà Nội”....

- Theo bà, văn hóa dân gian có giá trị như thế nào trong đời sống đương đại?

- Văn hóa dân gian là một khái niệm rộng, bao gồm những giá trị vật chất và tinh thần do nhân dân sáng tạo ra trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử. Nó phản ánh những kinh nghiệm đúc kết từ thực tế của người dân, cho nên, có thể gọi văn hóa dân gian là văn hóa gốc, văn hóa Mẹ. Đó là kho tàng ca dao, hò vè, truyện kể, huyền tích, huyền thoại, tín ngưỡng, diễn xướng dân gian, nghề thủ công truyền thống...

“Vì sao tôi luôn hoài vọng, tôn thờ văn hóa dân gian và các giá trị truyền thống, vì văn hóa truyền thống của các cụ ta xưa được thực hành một cách uy nghiêm, trật tự, bài bản lắm” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo nhấn mạnh.

Ngày xưa, chưa có luật pháp, hiến pháp như bây giờ, nên mọi người đều ứng xử với nhau bằng các hương ước. Con người đối xử với nhau đều có trên, có dưới, có trật tự, kỷ cương; đường làng, ngõ xóm đều được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, phong quang; trẻ con hư thì bố mẹ phải chịu phạt. Trong làng, có công việc chung thì thanh niên đều phải chung vai gánh vác, chứ không phải tụ tập nhau để cờ bạc, lô đề, người nào phạm tội, bị bắt còn phải chịu phạt, bị khai trừ ra khỏi làng... Đó là các quy định trong hương ước xưa nó nghiêm ngặt như thế.

Còn bây giờ, tôi thấy văn hóa Việt Nam đang dần bị lai căng quá nhiều khiến nó có lúc trở nên ô tạp, lộn xộn, nhốn nháo. Nhà nào đóng cửa biết nhà đấy, chẳng còn đâu là “tình làng nghĩa xóm”, là “tối lửa tắt đèn có nhau”. Rồi thì thanh niên vào chùa cứ tự do ăn mặc hở hang, không còn chú ý đến phép tắc, văn hóa ứng xử nơi công cộng. Tệ hơn nữa là những chuyện xảy ra trái với luân thường đạo lý, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt như: Con đánh chửi cha mẹ, cháu giết ông bà để lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện ma túy.... Những câu chuyện đó vốn hiếm khi xảy ra trong xã hội xưa, còn thời nay, nghe ra không phải là chuyện hiếm. Với người nghiên cứu văn hóa dân gian như tôi, thấy những chuyện xảy ra như vậy quả thực rất đau lòng.

Ngày nay, các lễ hội văn hóa dân gian xuất hiện ngày càng ít đi khiến cơ hội tiếp xúc với giá trị cội nguồn của giới trẻ ngày càng bị thu hẹp lại. Ảnh: Đình Hoàn

- Có phải vì thế mà đối với những “chuyên gia” về lĩnh vực văn hóa dân gian như bà, cần xem việc thúc đẩy, giữ lại vốn văn hóa dân gian trong xã hội hiện đại như một “sứ mệnh”?

- Đúng là như vậy. Văn hóa dân gian hiện nay đang bị đầy lùi về quá khứ, bị lu mờ trước các trò chơi hiện đại, trước lối sống gấp gáp, thực dụng và những tư duy đổi mới, phá cách của một bộ phận giới trẻ. Một số ít người trẻ hiện nay ít coi trọng các giá trị truyền thống, coi đó là cổ hủ, lạc hậu. Nhưng thực tế đã chứng minh, văn hóa dân gian là nền tảng văn hóa tinh túy, đã được chọn lọc, điều tiết và tu chỉnh qua nhiều thế hệ. Vì thế, nó rất cần được các thế hệ người Việt Nam hôm nay bồi đắp, tạo điều kiện, cơ hội để nó sống dậy, thăng hoa trong cuộc sống đương đại.

- Vậy, làm thế nào để chúng ta gìn giữ được văn hóa dân gian trong đời sống hiện đại, thưa bà?

Như chúng ta đã biết, xã hội phát triển từ hình thái từ thấp lên cao, kéo theo đó sẽ là sự thay đổi của văn hóa, bởi xét cho cùng, văn hóa là tấm gương phản chiếu xã hội. Trong quá trình phát triển xã hội, văn hóa dân gian, truyền thống sẽ tự “mài giũa” để giữ lại những giá trị cốt lõi và loại bỏ những nhân tố cũ, lạc hậu không còn phù hợp, thay vào đó là những nhân tố mới, tiến bộ và ưu việt hơn. Nhiệm vụ của các cấp, các ngành chức năng và của chính chúng ta - những chủ thể làm nên nền văn hóa của dân tộc, là phải làm sao để văn hóa “hòa nhập mà không hòa tan” trong đời sống đương đại.

- Xin chân thành cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Lê Thu Hà (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lam-song-day-van-hoa-dan-gian/