Làm thế nào để bảo vệ con trẻ khi nguy hiểm đến từ người quen

Thay vì dõi theo con cả ngày trong tâm trạng thấp thỏm lo âu, các bậc phụ huynh hãy dạy trẻ cách bảo vệ chính mình khỏi những nguy hiểm đang rình rập.

Một đứa trẻ chủ động, luôn biết cách tự bảo vệ mình, tránh xa các nguy cơ xâm hại sẽ được an toàn hơn những em bé thụ động, thiếu kiến thức và kĩ năng sống. Giáo dục giới tính và trang bị các kỹ năng sống là việc làm cần thiết để trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé gái. Để các em có thể bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại và bạo hành.

Mới đây, NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Vụ Bình đẳng giới- Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội và Tổ chức Plan International Việt Nam, tổ chức buổi tọa đàm “Thủ lĩnh của sự thay đổi” để giới thiệu bộ sách cùng tên của nhóm tác giả: Alex Munive, Lucero Quiroga và Abby Buwalda.

Bộ sách Thủ lĩnh của sự thay đổi do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của Bà Trần Bích Loan- Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, bà Lê Quỳnh Lan- Quản lý kĩ thuật, Chương trình “Giới, Bảo vệ Trẻ em và Hòa nhập- Tổ chức Plan International Việt Nam; ông Ngô Ngọc Phương- Luật sư, nhà nghiên cứu giáo dục, tác giả sách Chuyện cha chuyện con- Chúng ta là đồng bọn (NXB Phụ nữ Việt Nam), Chuyện con, chuyện cha (NXB Trẻ), Dạy con, dạy cha (NXB Văn học).; ông Trần Thành Nam-Tiến sĩ tâm lý, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội.

Làm sao để trẻ an toàn khi kẻ xấu có thể là người thân?

Bộ sách Thủ lĩnh của sự thay đổi gồm 6 cuốn, trong đó có 4 cuốn dành cho các bạn gái, đó là: Tớ tự tin làm chủ cơ thể, Tớ là cô gái quyết đoán, Tớ tự tin để không bị bạo lực, Tớ tự tin thoát hiểm an toàn và 2 cuốn dành cho các bạn trai: Tớ là chàng trai có trách nhiệm, Tớ là chàng trai trưởng thành- Nói không với bạo lực. Nhóm tác giả hướng tới việc giáo dục kỹ năng sống cần thiết để các bạn nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì chủ động bảo vệ bản thân.

Nhiều bậc phụ huynh dặn dò con cái không được tiếp xúc với người lạ. Điều đó có thể làm cho các em nhút nhát, thiếu tự tin. Các bạn có biết ước tính khoảng 21% nạn nhân trong các vụ xâm hại trẻ em, bị xâm hại bởi người mà bé quen biết nên không có sự đề phòng khi tiếp xúc với đối tượng.

Các diễn giả trò chuyện trong buổi tọa đàm.

Đó có thể là hàng xóm, người quen của bố mẹ, thầy cô giáo, thậm chí là người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, tỉ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên ở Việt Nam khá cao, do các em không được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn.

Để thế hệ tương lai của đất nước được lớn lên an toàn, các em phải được thụ hưởng một nền giáo dục toàn diện từ gia đình và nhà trường. Trong buổi tọa đàm, các khách mời đều cho rằng: Các bậc phụ huynh đừng lo lắng và giữ suy nghĩ mình đang “vẽ đường cho hươu chạy”. Thà để con cái đi đúng hướng, còn hơn nhìn chúng mắc sai lầm.

Luật sư Ngô Ngọc Phương chia sẻ: Nhiều bậc phụ huynh thường cho con đi học võ và nghĩ rằng, biết võ chúng sẽ bảo vệ được chính mình. Nhưng để tự vệ thành thạo, con trẻ cần một thời gian, có thể là vài tháng, thậm chí cả năm trời. Trong khi đó, ngay ngày mai, con của các bạn có thể bị xâm hại.

Còn theo TS tâm lý Thành Nam, đây là bộ sách nên có trong tủ sách của mỗi gia đình. Ngoài trang bị kiến thức cho trẻ nhỏ, bộ sách này còn giúp thầy cô và cha mẹ hiểu hơn về tâm sinh lý tuổi dậy thì. Ngoài ra, để trang bị kiến thức về giới và sức khỏe sinh sản một các đầy đủ cho các em, giáo dục giới tính phải trở thành hoạt động hàng tuần trong nhà trường.

Bà Lê Quỳnh Lan cho biết bộ sách này còn đem đến cho các bậc phụ huynh và các em những hiểu biết nhất định về “giới tính thứ 3”, ngoài giới nam và giới nữ, con trai và con gái như chúng ta vẫn biết. Từ đó, cha mẹ và thầy cô có thể hiểu hơn về “khuynh hướng giới tính” của trẻ và chấm nhận những điều khác biệt.

Bạo lực và câu chuyện từ gia đình

Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia có thảo luận về vấn đề: Bạo lực với trẻ em, đôi khi xuất phát từ trong gia đình. Nhiều người mẹ vẫn cho rằng: Có một người cha vũ phu vẫn hơn sống trong gia đình khiếm khuyết. Thế nên, họ chấp nhận sống cùng người chồng nghiện rượu, cờ bạc triền miên, thường xuyên đánh đập vợ con, để giữ gìn một gia đình “đúng nghĩa”.

Sống trong những gia đình thiếu an toàn như vậy sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm- sinh lý của trẻ. Bởi ở độ tuổi vị thành niên, các em chịu tác động rất lớn từ môi trường. Ngoài bạo hành thân thể, trẻ em còn bị bạo hành về tinh thần. Áp lực điểm số hay sự so sánh của cha mẹ sẽ khiến con cái bị căng thẳng, kích động, thậm chí là có các hành động tiêu cực, gây nguy hiểm cho bản thân.

Cuộc trò chuyện diễn ra trong không gian mở, thu hút nhiều bạn trẻ tham dự.

Trong cuộc trò chuyện này, các diễn giả cũng đưa ra các quan điểm về bình đẳng giới đối với trẻ em gái. Ở một quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo như Việt Nam, các cô bé vẫn bị ràng buộc bởi các quan niệm và định kiến về giới, nên không được đối xử công bằng như với bé trai. Quan niệm “con trai nối dõi” hay “cháu đích tôn” vẫn tồn tại ở nhiều gia đình cũng khiến các bé gái chịu thiệt thòi.

Hy vọng bộ sách Thủ lĩnh của sự thay đổi sẽ là cẩm nang hữu ích cho tuổi teen và các bậc phụ huynh. Từ những kiến thức trong trang sách nhỏ, các em sẽ biết yêu quý cơ thể mình và tự tin để bảo vệ nó.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/lam-the-nao-de-bao-ve-con-tre-khi-nguy-hiem-den-tu-nguoi-quen-post1026014.html