Làm thế nào để cai được rượu, bia?

Người nghiện rượu, bia được phân ra thành nhiều cấp độ. Mỗi cấp độ có cách điều trị chấm dứt cơn nghiện khác nhau.

Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào thì người nghiện rượu, bia cũng cần chuẩn bị cho mình ý trí để đương đầu với những phản ứng khó chịu của cơ thể.

TS.BS Nguyễn Hương Giang - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người cai nghiện rượu, bia thời kỳ đầu thường có nhiều biểu hiện của việc run rẩy, buồn nôn, vã mồ hôi, đãng trí...

Ảnh minh họa

Thậm chí là gây ra ảo giác. Trong suy nghĩ, họ như nhìn thấy máu, rắn rết bò đầy mình, bị ma quỷ rượt đuổi. Khi đó họ uống rượu sẽ cảm thấy tỉnh táo hơn nhưng nếu như thế thì sẽ không thể chấm dứt được cơn nghiện rượu, bia.

Cai nghiện rượu là một quá trình rất vất vả và tốn kém, kéo dài chừng 1 tháng. Gia đình bệnh nhân sẽ phải chi nhiều tiền cho việc điều trị. Ngoài ra, họ còn phải tốn kém các chi phí gián tiếp như trông nom bệnh nhân, đi lại, ăn, ở... Sau cai nghiện rượu, bệnh nhân cần được điều trị củng cố trong thời gian dài để chống tái nghiện.

"Đối với những bệnh nhân nghiện rượu, bia ở giai đoạn đầu thì việc cai nghiện sẽ dễ dàng hơn khi chỉ cần ngưng sử dụng rượu bia, kết hợp với luyện tập thể thao, sống trong môi trường không có đồ uống có cồn từ 1 - 2 tháng là có thể chấm dứt được cơn nghiện" - BS Giang cho biết.

Tuy nhiên, đối với người nghiện rượu ở giai đoạn 2, 3 thì việc điều trị chấm dứt cơn nghiện trở lên khó hơn. Khi ấy, ngoài việc sống môi trường lành mạnh thì còn phải sử dụng các loại thuốc an thần để hỗ trợ.

“Cai rượu cũng giống như cai ma túy, cai thuốc lá. Bởi vì, cắt cơn sảng rượu đối với chúng tôi là điều không khó lắm, nhưng cái khó là sau một thời gian điều trị nội trú ở BV, bệnh nhân khi trở về nhà lại bị tác động của người thân, hàng xóm.

Có nhiều người bệnh kể, khi họ đi dự tiệc hay đám giỗ do vui quá, lâu ngày được gặp người thân, bạn bè nên uống một hai chén. Sau đó họ lại tìm mọi cách để uống trở lại. Mà tửu lượng lần sau tăng rất nhiều, sau đó họ lại được đưa vào đây cai lại. Nhưng rồi tái nghiện trở lại.

Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn, cai - rồi tái nghiện đối với người nghiện rượu là chuyện rất bình thường. Do vậy, khả năng cai rượu thành công đối với người nghiện rượu trên 10 năm là rất ít” - BS Giang nói.

Theo BS Giang, người nghiện rượu, bia phải có những hành động cụ thể mới có thể chấm dứt được tình trạng nghiện và tái nghiện hiệu quả: "Ban đầu người bệnh cần giảm lượng rượu nạp vào cơ thể trong mỗi bữa ăn, kèm theo đó là sử dụng rượu, bia có nồng độ cồn nhẹ dần đi hoặc dùng đồ uống lên men để thay thế.

Bên cạnh đó, tạo ra cuộc sống lành mạnh bằng việc luyện tập thể dục thể thao, hạn chế tham gia các bữa tiệc...".

Bác sĩ Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu điều trị hỗ trợ cai nghiện - Bệnh viện Châm cứu trung ương cho rằng, để người nghiện rượu có thể bỏ rượu được lâu dài cần sự giúp đỡ chuyên môn về tâm lý. Có thể điều trị tâm lý, có điều dưỡng hoặc là ngoại trú. Việc điều trị thành công hay không thường phụ thuộc vào sức mạnh ý chí của người bệnh nhiều hơn là vào cách thức và thời gian điều trị.

“Người bệnh cần đặt ra cho mình một mục tiêu cụ thể dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và quyết tâm thực hiện mục tiêu đó. Dù có sử dụng loại thuốc hỗ trợ nào đi chăng nữa mà người bệnh không có ý trí thì cũng không thể cai nghiện rượu, bia thành công được” – ông Thủy nói.

Ông Thủy nhận thấy, những người nghiện rượu bia thường nằm trong trường hợp có kinh tế khó khăn hoặc gặp những điều bất hạnh trong cuộc sống.

"Họ nhập viện trong tình trạng nghiện rượu bia nặng nhưng để chấm dứt được việc tái nghiện thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của việc bệnh nhân tìm đến "ma men". Điều quan trọng để họ không tái nghiện là cần tạo được việc làm cụ thể cho người bệnh sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Khi đó, họ sẽ không bị ảnh hưởng tâm lý, tìm đến rượu, bia nữa" - BS Thủy cho hay.

Mai Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/phong-chong-ruou-bia-hieu-qua-viet-nam-nen-lam-gi-3393959/