Làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng lúa gạo toàn cầu?

Lúa góp phần làm Trái Đất nóng lên, nhưng đây lại là loại cây quan trọng nhất hành tinh và hiện đang trong tình trạng khủng hoảng toàn cầu.

Lúa góp phần làm Trái Đất nóng lên,. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Để giải quyết bài toán này, tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp đã đưa ra nhiều giải pháp.

Cuộc Cách mạng Xanh là một trong những kỳ tích vĩ đại nhất thể hiện sự năng động của con người. Bằng cách phát triển các giống lúa mỳ và đặc biệt là lúa gạo có năng suất cao, các nhà nông học Ấn Độ, Mexico và Philippines đã giúp Trung Quốc và sau đó là Ấn Độ thoát khỏi những nạn đói khủng khiếp trong thế kỷ trước.

Từ năm 1965 đến năm 1995, sản lượng lúa gạo ở châu Á đã tăng gấp đôi và tỷ lệ nghèo đói giảm gần một nửa, ngay cả khi dân số tăng một cách chóng mặt.

Cuộc Cách mạng Xanh này cũng đã đưa châu Á trở thành thị trường lúa gạo lớn nhất thế giới. Loại ngũ cốc giàu tinh bột này là nguồn cung cấp lương thực chính cho hơn một nửa dân số thế giới. Người châu Á sản xuất hơn 90% sản lượng gạo toàn cầu và nhận 25% lượng calo cho cơ thể từ gạo.

Nhu cầu gạo dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao do sự gia tăng dân số ở châu Á và châu Phi - nhóm tiêu thụ lúa gạo hàng đầu thế giới. Theo ước tính, đến năm 2050 thế giới sẽ cần tăng sản lượng gạo thêm gần 30%. Tuy nhiên, điều này không phải là dễ và cũng không phải là điều mong muốn, xét về một số khía cạnh nào đó.

Sản xuất lúa gạo hiện đang trong tình trạng cầm chừng. Trong một thập kỷ qua, sản lượng gạo chỉ tăng dưới 1% mỗi năm, ít hơn nhiều so với trước đó. Sự suy giảm rõ rệt nhất là ở Đông Nam Á, nơi Indonesia và Philippines - với tổng dân số khoảng 400 triệu người - đã trở thành các quốc gia nhập khẩu lúa gạo lớn.

Tình trạng này có thể được giải thích theo nhiều cách: Đô thị hóa và công nghiệp hóa đã làm khan hiếm lao động và đất nông nghiệp; Việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, phân bón và tưới tiêu đã làm đất và nước ngầm bị nhiễm độc và cạn kiệt... nhưng lý do quan trọng nhất có thể là sự nóng lên toàn cầu.

*Lúa - nạn nhân và tác nhân của biến đổi khí hậu

Lúa là loại cây thân mềm đặc biệt nhạy cảm với các điều kiện khắc nghiệt, nhưng lại đang được trồng ở những vùng mà các điều kiện khí hậu khắc nghiệt này đang ngày càng trở nên phổ biến.

Năm ngoái, tình trạng hạn hán và mưa úng bất thường do gió mùa gây ra ở Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã dẫn đến sản lượng thu hoạch giảm và quốc gia này đã buộc phải ra lệnh cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Lũ lụt tàn phá ở Pakistan, nước xuất khẩu lớn thứ tư thế giới, làm giảm 15% sản lượng lúa. Nước biển dâng gây ra hiện tượng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vốn là “vựa lúa” của Việt Nam.

Tuy nhiên, cây lúa không chỉ là nạn nhân của biến đổi khí hậu mà còn là tác nhân góp phần trong quá trình đó. Quá trình trồng lúa thúc đẩy vi khuẩn thải khí methane. Gạo là một nguồn sinh ra khí nhà kính lớn hơn bất kỳ loại thực phẩm nào, chỉ sau thịt bò.

Dấu vết carbon (đánh giá tổng lượng phát thải khí nhà kính) của ngành sản xuất gạo tương tự như của ngành hàng không. Nếu tính đến việc chuyển đổi rừng thành ruộng lúa, giống như số phận của phần lớn rừng nhiệt đới ở Madagascar, thì dấu vết carbon thậm chí còn lớn hơn.

Đây là một vòng luẩn quẩn tiềm ẩn và tạo nên tập hợp các vấn đề phức tạp hơn nhiều so với tình trạng mất an ninh lương thực đã thúc đẩy cuộc Cách mạng Xanh của thế kỷ trước.

Ăn quá nhiều gạo có hại cho con người, cũng như cho khí hậu. Gạo trắng giàu chất béo hơn bánh mỳ hoặc ngô, nhưng lại không thực sự bổ dưỡng. Ở Nam Á, chế độ ăn nhiều gạo có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao và suy dinh dưỡng kéo dài.

*Tăng năng suất, nhưng theo cách có chọn lọc

Để khắc phục các nhược điểm nói trên, các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách tăng năng suất lúa, nhưng phải theo cách có chọn lọc hơn so với những năm 1960.

Ở những khu vực thích hợp nhất để trồng lúa, chẳng hạn như khu vực Đông Nam Á với khí hậu nóng ẩm, việc áp dụng nhanh hơn các công nghệ mới, cũng như tìm kiếm lai tạo các giống lúa chịu được úng và giàu dinh dưỡng hơn, có thể giúp tăng sản lượng lúa gạo.

Kết hợp với các phương pháp cải tiến, như phương pháp gieo thẳng, có thể rút ngắn chu kỳ cây trồng và giảm lượng nước cần thiết, điều này sẽ giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Sở dĩ nông dân chậm áp dụng những phương pháp cải tiến như vậy, một phần cũng là do các khoản trợ cấp quá hào phóng của chính phủ đã bảo vệ họ khỏi cuộc khủng hoảng lúa gạo.

Nhà nước nên tiếp cận tốt hơn bằng cách tăng cường sự hỗ trợ đối với các sáng kiến cải tiến kỹ thuật hay, nhằm tăng năng suất lúa gạo,và giảm ảnh hưởng đến môi trường. Các chính phủ cần khuyến khích bảo hiểm mùa màng vì giải pháp này có thể giúp trấn an người nông dân khi họ chuyển từ cách làm cũ, sang cách làm mới.

*Trợ cấp trồng cây lương thực không phải là lúa

Bên cạnh đó, chính phủ cũng nên khuyến khích các nhà sản xuất và người tiêu dùng từ bỏ dần thói quen ăn cơm, giảm việc tiêu thụ gạo. Ấn Độ và Indonesia nên khuyến khích trồng kê, loại lương thực giàu dinh dưỡng hơn và sử dụng ít nước hơn nhiều. Việc bỏ trợ cấp ưu đãi cho trồng lúa sẽ giúp các nỗ lực thay đổi giống cây trồng được thực hiện hiệu quả hơn.

Ví dụ, Ấn Độ thường mua gạo từ nông dân, với giá cao hơn thị trường, sau đó phân phối lại dưới dạng viện trợ lương thực. Họ nên hay thế việc trợ cấp gạo miễn phí bằng hỗ trợ thu nhập cho nông dân và chuyển tiền mặt cho những người nghèo nhất để những người này có thể có điều kiện tự thực hiện chuyển đổi giống cây trồng.

Điều này sẽ giúp nông dân có vốn và khuyến khích họ lựa chọn loại cây trồng phù hợp nhất với điều kiện địa phương của mình. Phần lớn vùng nông nghiệp phía Tây Bắc của Ấn Độ sẽ có thể chuyển từ trồng lúa sang lúa mỳ nhanh chóng. Người nghèo Ấn Độ sẽ được tự do lựa chọn một chế độ ăn uống cân bằng hơn. Điều này sẽ giúp điều chỉnh thị trường có tính thiên lệch hiện nay, vì lợi ích của môi trường và sức khỏe.

Sẽ không hề dễ khi thay đổi một thói quen hình thành từ ngàn đời nay của người châu Á và cả phần còn lại của thế giới, thậm chí còn khó hơn nhiều so với việc tạo ra những giống lúa mới. Ở đâu, nông dân cũng là nhóm lợi ích có tầm ảnh hưởng lớn.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách nên làm quen dần với việc kết hợp các giải pháp công nghệ và kinh tế phức hợp để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng gay gắt./.

Thu Hà (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lam-the-nao-de-giai-quyet-cuoc-khung-hoang-lua-gao-toan-cau/288988.html