Làm thế nào để giữ điềm tĩnh trong công việc

Học cách kiểm soát cảm xúc và điều chỉnh hành vi khéo léo giúp bạn xử lý áp lực công việc dễ dàng hơn.

 Thái độ và tác phong khéo léo giúp công việc của bạn suôn sẻ hơn. Ảnh minh họa: Antoni Shkraba/Pexels.

Thái độ và tác phong khéo léo giúp công việc của bạn suôn sẻ hơn. Ảnh minh họa: Antoni Shkraba/Pexels.

Có thể nói, cách mỗi người thể hiện cảm xúc ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp của họ. Nếu bộc lộ chúng khéo léo, bạn có thể thu về không ít lợi ích từ khách hàng cho đến đồng nghiệp và sếp.

Ngược lại, công việc dễ dàng ở trên bờ vực thất bại khi bạn luôn để tâm trạng tiêu cực lây lan. Như vậy, làm thế nào để chúng ta duy trì được tác phong chuyên nghiệp và một thái độ điềm tĩnh nơi công sở?

Dưới đây, Harvard Business Review đưa ra những chỉ dẫn hữu ích giúp bạn, nhất là những người đảm nhận vai trò lãnh đạo hay quản lý, giải quyết vấn đề này.

Mỗi tình huống làm việc cần bạn có những cách phản ứng khác nhau. Ảnh minh họa: Alexander Suhorucov/Pexels.

Chọn lọc tình huống

Không phải lúc nào bạn cũng có thể trưng ra bộ mặt bình tĩnh hay lạnh lùng khi đi làm. Thêm vào đó, kiểu tương tác này cũng không nên được áp dụng quá thường xuyên.

Che giấu cảm xúc thái quá có khả năng khiến bạn trông kém tin cậy, thiếu cạnh tranh và thậm chí khó gần.

Thông thường, trong vai trò lãnh đạo, nhóm nhân viên, đồng nghiệp hay khách hàng của bạn cần thiết xem được phản ứng của bạn. Điều này làm họ cảm thấy an toàn hơn về mặt tâm lý và dễ chịu hơn trong thông báo các quyết định cá nhân.

Như vậy, làm thế nào để chúng ta nhận biết được thời điểm hợp lý cho thái độ lãnh đạm? Bạn hãy thử tự vấn bản thân những câu sau đây:

Cách tôi thể hiện cảm xúc sẽ giúp ích hay cản trở mục tiêu của mình?

Nếu bạn đang cố gắng xây dựng kết nối và các mối quan hệ, để lộ khuôn mặt không cảm xúc dễ bị xem là thiếu chân thành hoặc vô tâm. Tuy nhiên, trong một cuộc đàm phán, điều này có thể củng cố lợi thế của bạn.

Vai trò của tôi là gì trong cuộc giao tiếp?

Chẳng hạn, nếu đang điều hành một cuộc họp, bạn sẽ muốn thể hiện sự tự tin và quyết đoán. Trong khi đó, bạn có thể muốn bày tỏ tinh thần cởi mở và sẵn sàng tiếp thu khi là người tham gia họp.

Thể hiện cảm xúc như thế nào để phù hợp với mỗi bối cảnh?

Bạn hãy cân nhắc xem tình huống có yêu cầu cách tiếp cận thận trọng hay ngược lại không. Thêm vào đó, bạn nên xem xét liệu việc trò chuyện và tỏ thái độ chân thực theo phong cách cá nhân có thực sự phù hợp hay không.

Tiêu chuẩn của những người hay tổ chức mà tôi đang giao tiếp là gì?

Các nền văn hóa và nhóm người khác nhau thường sở hữu những kỳ vọng khác nhau về cách bộc lộ cảm xúc. Theo đó, bạn hãy quan sát và tìm hiểu họ kỹ càng để có thể điều chỉnh hành vi tương ứng.

Bạn có thể nhờ những người đáng tin cậy đánh giá lại thái độ và hành vi của mình. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Xác định thói quen phản ứng

Trong trò chơi bài poker, a tell (tạm dịch: dấu hiệu) là sự thay đổi nhỏ trong hành vi của người chơi giúp bạn biết được họ đang giữ những quân bài tốt hay xấu.

Theo đó, nhận thức được kiểu hành vi này hữu ích trong kiểm soát phản ứng và duy trì thái độ bình tĩnh trong các tình huống thích hợp.

Khi bạn tương tác với mọi người xuyên suốt cả ngày, hãy cố gắng quan sát bản thân trong những bối cảnh khác nhau.

Tiếp đó, bạn nên ghi lại thói quen phản ứng khi tâm trạng bình tĩnh so với khi hồi hộp, lo lắng, tức giận hoặc căng thẳng. Chẳng hạn, bạn hay gãi đầu, rung chân hoặc né tránh giao tiếp bằng mắt mỗi khi cảm xúc hỗn loạn.

Nếu có thể, bạn nên quay video chính mình trong các tình huống khác nhau và xem lại đoạn phim để tìm lời giải thích. Bạn cũng có thể nhờ một người cố vấn hoặc đồng nghiệp đáng tin cậy phản ánh lại thái độ và hành vi họ đã thấy nhưng bạn không hề hay biết.

Ngôn ngữ cơ thể tốt giúp bạn trông chuyên nghiệp hơn khi đi làm. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Để ý ngôn ngữ cơ thể

Khi muốn tỏ ra bình tĩnh, bạn sẽ muốn tránh thể hiện bản thân như một bức tượng lạnh lùng hay vô tâm.

Bạn sẽ thành công hơn trong công việc nếu bạn vẫn duy trì được nét ấm áp trong các biểu cảm của mình.

Vì vậy, trước khi phản ứng lại, bạn hãy hít thở sâu và chậm vài lần. Sau đó, tưởng tượng bản thân đang giải phóng mọi căng thẳng làm dịu cảm xúc hiệu quả hơn.

Tthả lỏng cơ hàm hay di chuyển lưỡi là một số hành động bạn có thể cân nhắc làm để điều hòa tâm trạng. Thêm vào đó, bạn cũng đừng quên sửa lại ánh mắt của mình.

Khi cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng, bạn có thể vô tình nheo mắt hoặc nhìn chằm chằm. Vì vậy, bạn hãy thử hướng mắt vào một điểm ở xa hơn.

Bên cạnh đó, giọng điệu cũng đóng vai trò không kém trong duy trì tác phong chuyên nghiệp và điềm tĩnh. Bạn hãy nói chậm và giữ tông giọng thấp. Khi bạn giận dữ hay sợ hãi, tốc độ nói của bạn thường nhanh hơn bình thường. Bên cạnh đó, bạn hãy lựa những câu nói trung lập để không kích thích cảm xúc của bản thân.

Bạn hoàn toàn có thể tự điều chỉnh cảm xúc của mình theo ý muốn. Ảnh minh họa: MART PRODUCTION/Pexels.

Tự điều hòa cảm xúc

Khả năng tự điều chỉnh càng tốt, bạn càng dễ dàng thể hiện cảm xúc theo cách mà mình mong muốn.

Theo đó, bạn có thể thực hành phản hồi (respond) nhưng không phản ứng (react) với các phương pháp như sau:

Grounding techniques (Tạm dịch: Kỹ thuật tập trung về hiện tại): Bạn hãy đếm ngược từ 100, xác định 5 đồ vật trong phòng theo những màu sắc nhất định hay tập siết chặt và thả lỏng cơ bắp của mình
Hình dung: Bạn thử tưởng tượng một khung cảnh yên bình, dễ chịu như bãi biển, khu rừng có bản thân ở trong đó
Tiếp xúc lạnh: Bạn có thể cầm một cốc nước đá, ngậm viên đá hay dội nước lạnh lên mặt.

Cuối cùng, bạn nên nhớ rằng giữ thái độ điềm tĩnh không có nghĩa rằng bạn nên kìm nén cảm xúc của mình hay trở thành một người máy cứng nhắc. Thay vào đó, chúng chủ yếu phụ thuộc vào nét mặt và ngôn ngữ cơ thể của bạn trong giao tiếp hiệu quả. Quan trọng hơn cả, bạn hãy đặt niềm tin vào khả năng giữ bình tĩnh và tự chủ của mình bất kể thử thách này xảy đến.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-the-nao-de-giu-diem-tinh-trong-cong-viec-post1410620.html