Làm thế nào để không đạp nhầm chân ga, chân phanh ô tô?

Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông do tài xế đạp nhầm chân phanh thành chân ga, dẫn đến xe mất kiểm soát, đâm vào hàng loạt phương tiện khác. Để phòng tránh lỗi này, lái xe không chỉ cần nắm vững kỹ năng mà còn phải duy trì độ tập trung, làm chủ tay lái nhất là khi gặp tình huống bất ngờ.

Lỗi đạp nhầm chân ga không phải hiếm gặp, nhất là với lái xe mới, đang làm quen xe và xuất hiện nhiều hơn khi điều khiển xe ô tô số tự động. Theo Trung tâm dạy lái xe ô tô Trường An (Thành phố Hồ Chí Minh) việc đạp nhầm chân ga thay vì phanh có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn xuất phát từ tâm lý không vững vàng của tài xế khi gặp tình huống bất ngờ cần phanh gấp. Lúc này tài xế thường bị cuống dẫn tới các phản xạ không theo ý muốn. Thậm chí, một số trường hợp khi phát hiện nhấn nhầm chân ga lại càng đạp mạnh thêm.

Nguyên nhân thứ 2 là thói quen lái xe không chuẩn có thể là tư thế ngồi sai, lấy chân phải giữ ga, chân trái đạp phanh.

Một nguyên nhân khác xuất phát từ thói quen vẫn cài số D và giữ chân phanh khi dừng xe tạm thời. Lúc này, nếu tài xế xê dịch vị trí hoặc rời chân phanh sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt nếu có tình huống bất ngờ cần xử lý đúng thời điểm này, tài xế sẽ rất dễ bị động và nhầm lẫn.

Hiện trường vụ tai nạn do lái xe đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh xảy ra ở Hà Nội. Ảnh: PHÙNG ĐÔ.

Để khắc phục lỗi này, có những nguyên tắc lái xe cần nắm vững; đồng thời, rèn luyện, thực hành và duy trì thường xuyên.

Trước hết là nguyên tắc chân không rời sàn. Ngay khi vào xe, tài xế cần cân chỉnh ghế ngồi sao cho thoải mái nhất, dễ dàng điều khiển chân phanh, ga, phanh tay, cần số. Cần giữ vững nguyên tắc gót chân không rời sàn xe, chỉ sử dụng chân phải để điều khiển ga và phanh. Lúc này, gót chân để ở vị trí thẳng hàng với bàn đạp phanh và chỉ sử dụng phần ức bàn chân qua lại giữa ga và phanh. Tuyệt đối không được dùng chân trái để đạp ga

Nguyên tắc 2 là rời chân ga - rà chân phanh. Khi chân không đạp ga thì chuyển ngay sang chân phanh. Hành động này nên được tập thành thói quen ngay cả khi không có tình huống nguy hiểm vì nó giúp tài xế luôn trong tình trạng sẵn sàng phanh, thay vì nhấn ga.

Một số ý kiến đưa ra lời khuyên, để hạn chế xe mất kiểm soát vì nhầm chân ga có thể chuyển về số N và kéo phanh tay khi dừng xe tạm thời, như trường hợp dừng đèn đỏ. Khi dừng xe lâu, ở vị trí an toàn thì tài xế nên cài số P và kéo phanh tay. Ngoài ra, giữ thói quen vần vô lăng đánh lái vào lề đường khi đỗ xe trên những địa hình dốc cũng rất quan trọng để tránh việc xe lao ra đường hoặc trôi quá xa trong trường hợp bị tuột dốc.

Tuy nhiên, có trường hợp lái xe lâu năm vẫn bị mắc lỗi nhầm chân ga thay vì chân phanh. Theo ông Nguyễn Văn Vinh, giáo viên dạy lái xe với 15 năm kinh nghiệm, những trường hợp này không phải do kỹ năng lái xe mà có thể do mất tập trung, tâm trạng không tốt dẫn đến xử lý sai, nhất là khi gặp tình huống bất ngờ. Ví dụ như mải nói chuyện, cãi vã khi đang lái xe, vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, đều có thể dẫn đến nhầm lẫn.

Khi ngồi sau tay lái luôn phải duy trì sự tập trung cao độ, không sao nhãng, chủ quan kể cả với lái xe có nhiều năm kinh nghiệm và thuần thục các kỹ năng. Bên cạnh đó, hiện nay, một số mẫu xe ô tô đời mới đã có tính năng tiết chế để xe không tăng tốc đột ngột, hạn chế mất kiểm soát tay lái và trang bị hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc để giúp tài xế sử dụng chân ga, chân phanh hiệu quả hơn.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/lam-the-nao-de-khong-dap-nham-chan-ga-chan-phanh-o-to-724853