Làm thế nào để phản biện cấp trên

Nhân viên nên bày tỏ sự bất đồng với cấp trên bằng thái độ thẳng thắn và sẵn sàng cùng giải quyết mâu thuẫn, thay vì bỏ qua vấn đề.

Nhân viên nên bày tỏ sự bất đồng với cấp trên bằng thái độ thẳng thắn và sẵn sàng cùng giải quyết mâu thuẫn, thay vì bỏ qua vấn đề.

 Pam Hamilton cho biết nhân viên cần nhiều can đảm và kỹ năng để phản biện cấp trên một cách tôn trọng, hiệu quả.

Pam Hamilton cho biết nhân viên cần nhiều can đảm và kỹ năng để phản biện cấp trên một cách tôn trọng, hiệu quả.

Khi gặp khó khăn trong công việc, không hài lòng với vị trí hay mức lương hiện tại, nhiều nhân viên mong muốn được nói chuyện với cấp trên.

Song, phần lớn đều cảm thấy lo lắng, ngần ngại khi đề xuất ý kiến cá nhân hay lên tiếng phản biện sếp. Họ sợ tiếng nói của mình sẽ không được nhìn nhận hoặc dẫn tới mâu thuẫn với cấp trên.

Pam Hamilton, tác giả cuốn Supercharged Teams: 30 Tools of Great Teamwork, cho rằng phản biện cấp trên là một biện pháp tốt để chia sẻ quan điểm, cải thiện lợi ích của cá nhân và tập thể.

"Cần nhiều can đảm và kỹ năng để đưa ra ý kiến trái ngược với cấp trên mà không gây xích mích. Có nhiều bí kíp để các nhà quản lý giao tiếp với cấp dưới, song khó tìm thấy những khóa huấn luyện cho hướng ngược lại. Nhưng nếu làm được, nhân viên sẽ thoải mái, cống hiến nhiều hơn cho tập thể", cô nói.

Đừng trì hoãn cuộc trò chuyện

Khi nảy sinh bất đồng với cấp trên, nhiều người thường cố lảng tránh vấn đề nhằm "dĩ hòa vi quý". Tuy nhiên, nếu sự việc tiếp tục lặp lại, họ sẽ cảm thấy bức bách và khó có thể tập trung 100% vào công việc.

Càng sớm giải quyết bất đồng, bạn càng sớm tháo gỡ khúc mắc và dành thời gian, tâm sức làm việc. Nếu trì hoãn việc đối thoại với cấp trên, sự việc sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó xử lý sau này.

Điều này không đồng nghĩa với việc phản bác ý kiến của cấp trên hay khẳng định ý tưởng của mình một cách nóng vội, hấp tấp.

Để có một cuộc trao đổi hiệu quả, nhân viên cần hiểu rõ bất đồng của mình với cấp trên, mong muốn cá nhân để bày tỏ một cách chính xác, thẳng thắn vấn đề.

Không đổ lỗi

Việc tiếp cận vấn đề khách quan, cân bằng giữa lợi ích cá nhân và công ty là "chìa khóa" để nêu ý kiến với cấp trên.

Nhân viên nên hiểu họ cần tiếp tục làm việc cùng các nhà quản lý để giải quyết vấn đề, thay vì trút bỏ mọi áp lực, bất bình lên cấp trên và buộc họ phải xử lý một mình.

Thay vì làm lớn chuyện và chuẩn bị tinh thần nghỉ việc, bạn nên chia sẻ và đưa ra đề nghị cùng cấp trên giải quyết khúc mắc nhằm thay đổi môi trường làm việc theo hướng tích cực.

Bạn có thể không hài lòng với không khí làm việc, mức lương mình đang nhận, hay khối lượng công việc khổng lồ mình được giao. Hãy thẳng thắn đề xuất với các nhà quản lý của bạn, lắng nghe phản hồi của họ và cùng tìm cách.

Cởi mở, thẳng thắn và chủ động chia sẻ là những yếu tố giúp cuộc trò chuyện giữa sếp và nhân viên diễn ra suôn sẻ. Ảnh: Lumina/Stocksy.

Thẳng thắn và cởi mở

Trước mỗi cuộc đối thoại quan trọng, bạn nên giữ tinh thần thoải mái, cởi mở và có thái độ sẵn sàng chia sẻ, đón nhận góp ý.

Khi đưa ra quan điểm trái ngược với cấp trên, bạn nên tránh than thở hay tỏ ra bức xúc bởi điều đó không đem lại hiệu quả tích cực.

Bạn có thể tham khảo ý kiến từ một người đáng tin, chuẩn bị nội dung sẽ chia sẻ, luyện tập trước để tăng tự tin, tránh nói chuyện lòng vòng gây hiểu lầm và làm mất thời gian của đôi bên.

Bên cạnh đó, việc đề xuất một số giải pháp trong khi phản biện cũng đem đến hiệu quả tích cực bởi nó thể hiện tinh thần cầu tiến, sẵn sàng đóng góp cho tập thể.

Chia sẻ, tương tác thường xuyên hơn

Nhiều chuyên gia cho rằng việc thường xuyên chia sẻ với cấp trên, đồng nghiệp về những chuyện liên quan tới công việc có hiệu quả tốt hơn một cuộc trò chuyện bột phát đầy căng thẳng.

Theo đó, nhân viên có thể thoải mái chia sẻ về khó khăn trong công việc, đóng góp ý kiến để cải thiện chất lượng làm việc và hiểu được áp lực của sếp.

Ngược lại, cấp trên cũng có thể nắm bắt tâm lý, nguyện vọng của cấp dưới để thay đổi cách thức quản lý cho phù hợp.

Bạn có thể đề xuất nhóm, phòng có buổi cập nhật tình hình công việc hay chia sẻ khó khăn thường xuyên để sếp và nhân viên hiểu nhau hơn, giải quyết mâu thuẫn ngay từ khi mới nảy sinh.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-the-nao-de-phan-bien-cap-tren-post1320385.html