Làm thế nào để phát triển Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân

Khối kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Do đó, việc phát triển Đảng trong khối này đang là vấn đề thực tiễn quan trọng.

Ông Nguyễn Kiên Cường, Phó giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí và lắp máy Việt Nam (COLAVI), còn nhớ như in “ngày đặc biệt” vào mùa thu năm 2006. Đó là buổi lễ kết nạp đảng viên mới với cờ hoa trang trọng, lại vừa ấm cúng, nơi sếp của ông Cường, Chủ tịch HĐQT COLAVI, là “trung tâm” của mọi sự chú ý.

Buổi lễ có mặt rất đông đồng nghiệp với ảnh mắt vừa tò mò, vừa lạ lẫm, bởi ở một doanh nghiệp tư nhân như COLAVI, buỗi lễ tương tự chưa từng diễn ra. Chủ tịch HĐQT COLAVI Đinh Hoàng Liên là trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trên địa bàn toàn huyện Đông Triều (Quảng Ninh) được kết nạp Đảng.

Không chỉ tại huyện Đông Triều, trên cả nước, việc một chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp Đảng viên mới vẫn còn là chuyện chưa phổ biến. “Thờ ơ”, “không mặn mà”, “thiếu thiết tha” là những từ mà nhiều người miêu tả về việc phát triển Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân hiện nay.

Đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 560.000 doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh, riêng khu vực tư nhân có gần 542.000 doanh nghiệp. Trong tương lai, khối kinh tế tư nhân hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, việc phát triển đảng viên mới, xây dựng tổ chức Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân là thực tiễn đặt ra với nhiều thách thức trong thời gian tới.

Zing.vn đã khảo sát, tìm hiểu thực tế tại nhiều doanh nghiệp tư nhân, tổ chức Đảng ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để thấy được những khó khăn, thách thức khi phát triển tổ chức Đảng và đảng viên mới.

Trong buổi công bố Sách Trắng Việt Nam 2019 vào cuối tháng 7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gọi giai đoạn 2016-2018 là "thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp trong lịch sử”.

Ông nhấn mạnh chưa bao giờ số lượng doanh nghiệp thành lập mới lại nhiều như thời gian từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số lượng và quy mô doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt mức kỷ lục. Trung bình mỗi năm có gần 123.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Năm 2018, Tổng cục Thống kê cho biết số doanh nghiệp đã tăng 49,3% về số lượng và 156% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó. Đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 560.000 doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh, riêng khu vực tư nhân có gần 542.000 doanh nghiệp. Điều này có nghĩa số doanh nghiệp tư nhân đang chiếm 96,8% tổng lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

Một thống kê khác cho thấy khoảng 85% lao động đang làm việc cho khu vực kinh tế tư nhân. Nghĩa là cứ 100 người lao động trên cả nước thì có 85 người đang làm việc cho khối này. Số này đang trực tiếp lao động trong nhiều ngành nghề mang tính trụ cột của nền kinh tế như sản xuất ôtô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...

Theo một số chuyên gia, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 đưa con số lên 1,5 triệu. Đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp. Do đó, việc phát triển đảng viên mới, xây dựng tổ chức Đảng trong khối kinh tế tư nhân là thực tiễn đặt ra ngày càng quan trọng. Đây cũng là thách thức không nhỏ khi số lượng tổ chức Đảng và đảng viên trong khối tư nhân đang còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Theo thống kê của Ban Bí thư, đến nay, đã có 12.088 tổ chức Đảng, 182.995 Đảng viên trong khối doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, với 85% lực lượng lao động đang làm việc cho khối kinh tế tư nhân (khoảng 47 triệu người), tỷ lệ người lao động là đảng viên chưa đầy 0,4%.

Một ví dụ điển hình tại Hà Nội, tỷ lệ người lao động trong khối kinh tế tư nhân là đảng viên đang rất nhỏ. Hiện, Hà Nội có trên 267.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 97,2%, đóng góp hơn 40% GDP, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động trên địa bàn.

Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội có 2.764 hội viên, nhưng giai đoạn 2017-2018, mới chỉ giới thiệu được 15 cán bộ và công nhân ưu tú đi học lớp cảm tình Đảng. Sau đó, chỉ 6 đảng viên mới được kết nạp và duy nhất 1 đảng viên là chủ doanh nghiệp.

Trong 5 năm, Hiệp hội này mới chỉ giới thiệu được 25 cán bộ và công nhân ưu tú học lớp cảm tình Đảng và kết nạp được 7 đảng viên. Ông Mạc Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, từng buồn bã thừa nhận việc phát triển đảng viên mới chưa tương xứng với mong đợi.

Là một sĩ quan quân đội về hưu, ông Mai Đức Quyết, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Hòa Hợp (Cẩm Phả, Quảng Ninh), cho rằng phát triển Đảng ở doanh nghiệp tư nhân mang nhiều nét đặc thù bởi đối tượng kết nạp là những lao động thuần túy, không có động cơ phấn đấu về chính trị. Ông nhấn mạnh lao động rất ngại bị ràng buộc vào tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của người Đảng viên là cái khó trong phát triển Đảng.

“Ngại” cũng là điều mà ông Mạc Quốc Anh chia sẻ về thực trạng phát triển Đảng viên trong khối tư nhân ở Hà Nội. Cái "ngại" chính của lao động là mất thời gian.

Ông Nguyễn Hữu Huy, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), cũng chia sẻ việc vận động, thuyết phục một số chủ doanh nghiệp vào Đảng còn khó khăn vì họ sợ gò bó.

Ông cho biết trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước nhưng đa phần là doanh nghiệp nhỏ, số lượng công nhân ít nên vận động họ thành lập tổ chức Đảng không dễ dàng gì. Đặc biệt khi thành lập, chi bộ Đảng tại doanh nghiệp đó lại không được hỗ trợ bất cứ khoản kinh phí nào để hoạt động.

Ông Phan Văn Tỉnh, Phó ban Tổ chức Quận ủy Hồng Bàng (Hải Phòng), nêu những câu chuyện từ thực tế trên địa bàn. Dù Quận ủy rất quan tâm đến phát triển Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn chỉ lo làm kinh tế, thậm chí nhiều người từ chối vì “bận làm kinh tế”.

Đến động viên “mòn cả cổng” mà chủ doanh nghiệp vẫn không vào Đảng là thực tế mà bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thái Gia (Cẩm Phả, Quảng Ninh), kể khi tâm sự về những khó khăn trong việc vận động chủ doanh nghiệp vào Đảng cũng như xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân.

“Có những khi đến động viên mòn cả cổng công ty nhưng chủ doanh nghiệp vẫn không muốn vào Đảng, doanh nghiệp cũng không chịu thành lập được tổ chức Đảng”, bà Hương kể.

Lo ngại vào Đảng "không được lợi gì", lại mất nhiều thời gian họp hành, báo cáo, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh là điều mà bà Hương thường nhận được từ những doanh nghiệp tư nhân mình đến vận động.

Trong khi đó, Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Trần Đình Cảnh nêu khó khăn về thủ tục, giấy tờ khi thuyết phục các chủ doanh nghiệp lớn.

"Kết nap chủ doanh nghiệp rất vất vả, thậm chí vất vả gấp 10 lần so với một quần chúng ưu tú bình thường. Khi đó chúng tôi phải xuống tận doanh nghiệp vận động, thậm chí phải khai hộ lý lịch, hoàn thiện hồ sơ vì họ ngại và công việc rất bận", ông nói.

Ông Cảnh nhắc đến thực trạng quy trình kết nạp phải thẩm tra xác minh rất kỹ qua nhiều bước. Doanh nghiệp phải cung cấp nhiều tài liệu như báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo thuế, thu nhập cho người lao động, phương án hoạt động sản xuất kinh doanh…

“Đó là lý do nhiều người rất sợ, rất ngại”, ông nói.

Nói về việc phát triển Đảng trong khối kinh tế tư nhân, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng nhấn mạnh đến 2 yếu tố là tư duy và cách làm.

Về tư duy, ông Thưởng nhắc đến và đánh giá cao chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Ông nhận định đây là sự đổi mới trong tư duy của Đảng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế tư nhân. Đặc biệt khi kinh tế tư nhân là một thành phần kinh tế đã được Đảng nhìn nhận và rất coi trọng tại những kỳ đại hội gần đây.

“Nếu chủ doanh nghiệp là người tốt, đủ tiêu chuẩn thì đưa họ vào Đảng là việc tốt chứ. Bởi họ là người có vốn trong tay, có tầm nhìn và năng lực quản lý, lại thêm tinh thần yêu nước, chắc chắn sẽ có đóng góp tốt hơn so với một người bình thường không có gì trong tay”, ông Thưởng nêu quan điểm.

Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng Đảng đã coi trọng và khuyến khích kinh tế tư nhân từ rất lâu nên việc đưa chủ những doanh nghiệp này vào Đảng là hoàn toàn đúng đắn, cần được đẩy mạnh.

Về hành động, ông Thưởng nhắc đến Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 30/1/2013 của Ban Tổ chức Trung ương về “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng.

Ông cho rằng hướng dẫn chính là việc Đảng cụ thể hóa những quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn… để kết nạp đảng viên và xây dựng tổ chức Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân. Bằng chứng là sau khi ban hành Hướng dẫn, đến nay, việc phát triển đảng viên trong khối tư nhân đã đạt được những thành công nhất định.

Để tăng cường phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế này, ngày 18/3/2019, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã ký chỉ thị về việc tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.

Chỉ thị đã nêu 10 nội dung trọng tâm yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung về phát triển Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân.

Từ thực tiễn, ông Nguyễn Kiên Cường cho rằng việc thành công hay không chủ yếu là do con người. Ông nhấn mạnh quan điểm, các bước thực hiện đã được Đảng hoàn thiện, vấn đề là việc vận dụng tại cơ sở và sự quyết tâm của người đứng đầu.

Ông Cường nêu ví dụ tại COLAVI, xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên được doanh nghiệp coi trọng, do đó đạt được những thành công nổi bật. Từ đó, công việc sản xuất kinh doanh của đơn vị cũng thuận lợi theo. Doanh thu năm 2018 của công ty đạt 736 tỷ đồng, thu nhập trung bình của người lao động tại đây cũng đạt trên 11 triệu đồng/người/tháng.

Ông biệt, ông Cường nhấn mạnh đến tâm lý người lao động trong doanh nghiệp tư nhân muốn phấn đấu vào Đảng vì niềm tự hào của gia đình, quê hương và trách nhiệm với xã hội.

Mỗi lần nhắc đến kỷ niệm chuyến đi “về nguồn” thăm Chiến khu Tân Trào (Tuyên Quang), ông Đào Văn Ái, Bí thư chi bộ Công ty phát triển KCN Nomura - Hải Phòng, lại nhớ đến một thành viên đặc biệt, đó là vị tổng giám đốc người Nhật Bản đi cùng đoàn. Chuyến đi được tổ chức cho 19 thành viên trong chi bộ để tìm hiểu về lịch sử của Đảng trong những năm kháng chiến.

Khi đó, vị tổng giám đốc người Nhật đã xung phong đi cùng. Sau chuyến đi, vị này đánh giá các hoạt động của chi bộ Đảng thiết thực, hữu ích và rất phù hợp, giúp ông hiểu thêm được con người, đất nước và lịch sử Việt Nam. Ông cũng cho biết sẽ mang hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam về Nhật để quảng bá, để 2 đất nước giao lưu.

Công ty phát triển khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng có 70% vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản. Tuy nhiên, đơn vị này lại là một “ngôi sao” trong việc phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân nói chung, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng. Đến nay, toàn chi bộ đã có 19 đảng viên, trở thành một trong những chi bộ Đảng trong doanh nghiệp tư nhân thành công nhất tại Hải Phòng.

Chuyến đi về nguồn đã chứng tỏ việc xây dựng Đảng tại đây nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo doanh nghiệp người nước ngoài. Đó cũng là một trong những mô hình, cách làm hay giúp cho việc phát triển Đảng trong khối tư nhân ngày càng đạt nhiều kết quả.

“Phải tranh thủ được sự quan tâm của lãnh đạo là người nước ngoài, để họ thấy tổ chức Đảng trong doanh nghiệp có ý nghĩa, giúp cho hoạt động kinh doanh tốt hơn, phục vụ cho lợi nhuận kinh doanh nhiều hơn khi các Đảng viên luôn nỗ lực, cống hiến”, Phó tổng giám đốc Trịnh Tuấn Hải chia sẻ kinh nghiệm.

Huyện Đông Triều (Quảng Ninh) cũng có những kết quả khá ấn tượng trong công tác kết nạp, xây dựng Đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Trong vòng khoảng 7 năm đã phát triển thêm được 200 đảng viên trên địa bàn, hầu hết chủ doanh nghiệp tư nhân đã vào Đảng.

Là một lãnh đạo gắn bó với công tác xây dựng Đảng, ông Hoàng Văn Thắng, Phó bí thư thường trực Thị ủy Đông Triều có góc nhìn rất lạc quan.

Theo ông, kể từ Đại hội XII của Đảng, việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng và xây dựng Đảng trong doanh nghiệp đã cởi mở hơn. Từ chủ trương đó, Thị ủy Đông Triều tích cực thay đổi, vận động được nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng.

“Mới đây nhất, địa phương đã có 4-5 chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp. Bản thân họ rất khao khát vào Đảng, thấy việc Đảng quan tâm đến xây dựng hệ thống chính trị trong doanh nghiệp tư nhân họ rất mừng, thấy Đảng gần gũi nên rất muốn gắn bó”, ông Thắng chia sẻ.

So sánh với giai đoạn khi chưa thực hiện kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân, Phó bí thư Thị ủy Đông Triều cho biết trước đây không quản lý được những đảng viên ở doanh nghiệp không có tổ chức Đảng, vì họ thường sinh hoạt ở nơi cư trú nhưng lại rất bất cập khi thời gian chủ yếu dành cho đi làm ở đơn vị, không có thời gian sinh hoạt. Nguy hiểm hơn là khi đó không phát triển Đảng được nếu trong doanh nghiệp không có tổ chức Đảng.

Nhưng nay, khi hầu hết chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên và đều có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp thì việc quản lý rất nghiêm túc, tổ chức Đảng phát triển rất mạnh. Theo Phó bí thư Đông Triều, khi chủ doanh nghiệp vào Đảng thì họ tham gia vào các hoạt động rất tốt và đặc biệt, rất vì chính quyền.

Ví dụ khi Đông Triều phát động chương trình “Bể bơi cho em” để chống đuối nước từ 4 năm trước, các doanh nghiệp đã cùng đồng hành xây 21 bể bơi với trị giá 700 triệu đồng/cái trên địa bàn 21 phường, xã để phổ cập cho học sinh tiểu học, THCS biết bơi.

Hay nhiều hoạt động có ý nghĩa khác như xây dựng đường, làm cỏ nhân tạo hay các nhà vệ sinh trong trường học, tổ chức các hoạt động như trung thu cho các em nhỏ, từ thiện trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn… đều có sự chung tay giúp sức của các doanh nghiệp.

Theo ông Thắng, mảng xây dựng Đảng trong doanh nghiệp của Đông Triều đang được thực hiện rất tốt. Nhờ có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, các đảng viên luôn gương mẫu và có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn hẳn, giúp doanh nghiệp phát triển, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội chung của Đông Triều.

“Mấy năm qua Đông Triều liên tục tăng trưởng hơn 14% trở lên. Năm 2018, bình quân thu nhập đầu người ở Đông Triều là hơn 4.100 USD, chỉ đứng sau 4 thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, ông Thắng phấn khởi chia sẻ.

Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Trần Đình Cảnh cũng chia sẻ những cách làm hiệu quả đang được thành phố tiến hành. Theo đó, để giảm thủ tục, phiền hà khi làm hồ sơ kết nạp đảng viên, cơ quan chức năng đã cử cán bộ xuống hỗ trợ, giải quyết. Mỗi lễ kết nạp đều có lãnh đạo xuống dự và động viên. Thậm chí, Thành ủy Hà Nội còn hỗ trợ kinh phí sinh hoạt Đảng cho những tổ chức cơ sở của tư nhân. Ngoài ra, việc tuyên truyền, vận động và thuyết phục vẫn đang được đẩy mạnh, để chủ doanh nghiệp thấy được các lợi ích khi vào Đảng.

“Họ thấy được giá trị, doanh nghiệp làm ăn chuẩn chỉ hơn, đó là thành công lớn”, ông Cảnh chia sẻ.

Doanh nghiệp làm ăn "chuẩn chỉ hơn" cũng là điều mà ông Nguyễn Kiên Cường thấm thía và tâm đắc sau quá trình dài phát triển Đảng. Ông nhấn mạnh nếu chủ doanh nghiệp là đảng viên và là bí thư chi bộ thì sẽ hướng doanh nghiệp hoạt động “chuẩn chỉ”, đúng pháp luật. Bởi một khi đã là đảng viên thì ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của họ cũng cao hơn rất nhiều.

“Khi chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên và doanh nghiệp có tổ chức Đảng cũng sẽ tạo được vị thế, uy tín tốt với các đối tác trên thị trường, từ đó, doanh nghiệp sẽ làm ăn tốt và ngày càng có uy tín”, ông Cường đúc rút.

Hoài Thu - Hiếu Công
Đồ họa: Phượng Nguyễn Ảnh: Hoàng Hà - Việt Linh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/lam-the-nao-de-phat-trien-dang-trong-khoi-doanh-nghiep-tu-nhan-post1001823.html