Làm thế nào để phòng ngừa nguy cơ cháy nổ tại các đền, chùa trong dịp Tết?

Vụ cháy tại chùa Phật Quang, xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam mới đây là hồi chuông cảnh báo nguy cơ cháy nổ tại các đền, chùa, cơ sở tâm linh..., nhất là khi dịp Tết cận kề.

Hiện trường vụ cháy ở chùa Phật Quang, Hà Nam. (Nguồn: Facebook)

Đến các địa điểm đình, đền, chùa trong các dịp lễ, Tết là thói quen trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, việc thắp hương, nến với số lượng lớn, không thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thiếu ý thức chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ... tại các địa điểm này có thể tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

Một số vụ cháy gây thiệt hại đáng kể

Mới đây, vào hồi 16 giờ 40 phút ngày 20/1, một vụ cháy xảy ra tại khu vực giảng đường chùa Phật Quang, xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Diện tích khu giảng đường khoảng hơn 200m2 được xây dựng bằng tường gạch ximăng có ốp nhựa, cao khoảng 4,5m, trên lợp mái tôn xốp, xung quanh tường có mành che bằng vật liệu dễ cháy. Trong giảng đường có nhiều thiết bị như âm ly, loa đài, điều hòa, bàn ghế, máy tính, sách và 5 pho tượng.

Vụ hỏa hoạn khiến hạng mục nhà Tứ ân và các hiện vật bên trong bị cháy, chỉ còn lại phần khung, gây thiệt hại ước tính khoảng 500-600 triệu đồng.

Nguyên nhân xảy ra vụ cháy bước đầu được xác định là do chập điện.

Trước đó, hồi tháng 7/2019, một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại chùa Tà Bết ở xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, ngọn lửa mới được khống chế.

Khoảng 150 tượng Phật lớn nhỏ bị cháy cùng nhiều tài sản trong chùa, ước thiệt hại khoảng 600 triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do thắp nến.

Vạn Đường chùa Tà Bết sau vụ hỏa hoạn hồi năm 2019. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Hẳn nhiều người cũng chưa quên việc nhà Tam bảo của chùa Linh Quang (thôn Đông Thượng, xã Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội) có diện tích hơn 200m2, được dựng bằng 120m3 gỗ lim giá trị hơn chục tỷ đồng biến thành than sau vụ cháy trong đêm vào tháng 6/2020.

Hay vụ cháy chùa Cự Đà (xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) vào tháng 1/2020 cũng là một trường hợp đáng tiếc bởi đây là ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thời Lê, có tuổi đời tới 300 năm, được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1996.

Vụ cháy khiến phần mái của tòa Thượng điện bị sập, các cấu kiện gỗ, vì kèo và hệ thống đồ thờ trong tòa Tam bảo bị than hóa hoàn toàn, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Hiện trường vụ cháy chùa Hòa Phúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội vào tháng 6/2022. (Ảnh: TTXVN phát)

Hồi tháng 6/2022, lửa bất ngờ bùng lên tại khu vực công trình nhà Tứ Ân tại chùa Hòa Phúc (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cũng đã thiêu rụi 7 gian nhà gỗ theo lối truyền thống Bắc Bộ.

Thực hiện nghiêm quy định về an toàn cháy nổ tại khu vực tâm linh

Để chủ động phòng ngừa những tình huống cháy nổ có thể xảy ra, nhất là vào thời điểm trước, trong và sau các dịp lễ, Tết, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định an toàn về cháy nổ tại khu vực tâm linh như đền, chùa và các cửa hàng kinh doanh vàng mã.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, người dân cũng cần nâng cao ý thức phòng ngừa, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ.

Đốt vàng mã đúng nơi quy định. (Nguồn: TTXVN)

Cơ quan chức năng khuyến cáo Ban Quản lý, người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo... tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức phòng cháy chữa cháy cho những người phục vụ tại đền, chùa cũng như khách tham quan, du lịch.

Ban Quản lý, người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo ban hành các quy định, nội quy về phòng cháy chữa cháy; dự phòng điều kiện thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Ban Quản lý, người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện.

Các đền, chùa phải có kho bảo quản để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với hương, nến, vàng mã; dụng cụ đỡ hương, đèn phải được bố trí chắc chắn, cố định; phải có nơi hủy hương, đèn, vàng mã... Ban Quản lý phải cử người trông coi khi khách đến thắp hương, nến để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn.

Ban Quản lý các cơ sở tâm linh không để vật tư, hàng hóa; không cho người dân buôn bán trên lối đi, lan can, hành lang, cửa ra vào, lối thoát nạn; chủ động trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, đồng thời thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy chữa cháy hiện có, đảm bảo các thiết bị hoạt động tốt khi có cháy xảy ra.

Bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh. Cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chính điện, kho, bãi xe…

Ban Quản lý, người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tổ chức tập huấn cho các lực lượng chữa cháy tại chỗ về thao tác sử dụng bình chữa cháy, các điều kiện thoát nạn; hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương, nến thờ cúng và hóa vàng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lam-the-nao-de-phong-ngua-nguy-co-chay-no-tai-cac-den-chua-trong-dip-tet-post921461.vnp