Làm thế nào để tăng cường khả năng ghi nhớ?

Chúng ta có thể làm rất ít hay không gì cả để tăng cường khả năng nhớ lại thông tin mỗi giây. Tuy nhiên, khả năng nhớ lại có chút phụ thuộc vào cách chúng ta ghi nhận thông tin.

Một trong những công cụ tiết kiệm thời gian và năng lượng tốt nhất chính là trí nhớ của chúng ta. Không có trí nhớ, tất cả những gì ta học được đều trở thành vô dụng. Chúng ta sẽ phản ứng lại với mỗi tình huống như chưa từng trải qua. Chúng ta sử dụng trí nhớ để học đi, học nói, tiếp thu thông tin, giải quyết các bài toán, lái xe, đọc và làm vô vàn thứ khác. Năng lực sử dụng và sức chứa của trí nhớ con người là một điều kỳ diệu. Bạn có thể lưu trữ thông tin trong bộ não nặng chưa đến 1kg nhiều hơn so với những máy tính cao cấp nhất ngày nay.

Nhưng thật không may, lưu trữ thông tin là một chuyện, còn gợi nhớ được chúng lại là một chuyện khác. Đây là khi máy tính vượt qua chúng ta. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều có thể tăng cường khả năng lưu trữ và truy tìm thông tin nếu hiểu cách thức trí nhớ hoạt động và áp dụng vài khái niệm đơn giản về tăng cường khả năng ghi nhớ.

Trí nhớ của bạn không phải là đồ vật; nó là một bài kiểm tra các kỹ năng. Nó không thể được nhìn thấy, cảm nhận, xem xét hay cân đo đong đếm. Kỹ năng ghi nhớ thường được chia làm ba giai đoạn:

Nhớ. Để thông tin được lưu trữ.

Ghi lại. Lưu trữ thông tin vào bộ não cho tới khi cần đến.

Nhớ lại. Lấy lại thông tin khi cần thiết. Giai đoạn cuối cùng này là nguyên nhân của những vấn đề lớn nhất của chúng ta. Bao nhiêu lần bạn nói với mình: “Sao vừa mới định nói mà quên ngay rồi?”.

Chúng ta có thể làm rất ít hay không gì cả để tăng cường khả năng nhớ lại thông tin mỗi giây. Tuy nhiên, khả năng nhớ lại có chút phụ thuộc vào cách chúng ta ghi nhận thông tin, và ta có thể tăng cường trí nhớ bằng cách cải thiện phương pháp ghi nhớ đó. Nói ngắn gọn, dưới đây là vài hướng dẫn trợ giúp bạn trong việc tận dụng tốt nhất trí nhớ của mình:

Cố gắng ghi nhớ trong lúc thư giãn thoải mái. Nếu cố nhớ khi đang mệt mỏi, thì bạn chỉ có khả năng thấy chán nản, bực bội mà thôi.

Chia nhỏ danh sách thành các đơn vị nhỏ hơn, dễ quản lý hơn, thành các hạng mục nhỏ hơn trước khi cố gắng ghi nhớ chúng. Nếu bạn phải học tên thủ đô của hai mươi quốc gia, hãy chia nhỏ chúng thành năm nhóm bốn quốc gia, hay sáu nhóm ba quốc gia, và mười nhóm hai quốc gia.

Lặp đi lặp lại thông tin vài lần. Viết ra cũng giúp dễ nhớ.

Chia thời gian học của bạn thành nhiều quãng thời gian. Bắt đầu mỗi khoảng thời gian bằng cách rà soát lại những gì trước đó đã nhớ để khắc ghi sâu vào đầu.

Liên hệ thông tin bạn đang cần nhớ với các ý tưởng, con người, biểu tượng quen thuộc và những thứ khác đã khắc sâu sẵn trong trí nhớ của bạn. Ví dụ, bạn có thể nhớ mang máng bản đồ nước Ý trông như thế nào, vì nó có hình chiếc ủng. Bạn có thể làm tương tự với đất nước Nam Tư không?

Sắp xếp ý tưởng cần nhớ thành hệ thống công thức hay từ viết tắt để giúp bạn nhớ lại. Ví dụ, các giảng viên bộ môn quảng cáo thường sử dụng từ viết tắt AIDA cho “gây Sự chú ý (Attention), tạo ra Hứng thú (Interest), khơi gợi Mong muốn (Desire) và hướng tới Hành động (Action)”. Một ví dụ khác là phương pháp nghiên cứu năm bước được gọi là SQ3R, viết tắt của Khảo sát (Survey), Câu hỏi (Question), Đọc (Read), Trích dẫn (Recite), Rà soát (Review).

Sử dụng những khoảng thời gian rảnh để ghi nhớ. Mang theo những tấm thẻ ghi chú trong túi để tìm lại nhanh và dễ dàng hơn.

Tôi sử dụng bảy hướng dẫn này để vượt qua hai thách thức ghi nhớ lớn nhất của mình. Để lấy được học vị tiến sĩ, tôi đã phải qua kỳ thi biên dịch hai ngoại ngữ (tiếng Pháp và Đức) sang tiếng Anh. Trước đó tôi chưa từng biết tới tiếng Đức, còn tiếng Pháp thì biết rất ít, chỉ biết đánh vần tên mình và đọc biển báo ở New Orleans là cùng.

Tuy vậy, tôi đã vượt qua cả hai bài thi đó sáu tuần sau khi bắt đầu học từ con số không. Tôi bắt đầu bằng cách mua thẻ từ vựng phù hợp (một ngàn thẻ) và một bộ sách đọc theo cấp độ. Mỗi ngày tôi đọc sách một tiếng và học ba mươi từ mới bằng thẻ từ vựng. Trước khi học từ mới tôi thường ôn lại những từ trước đó đã học để củng cố lại trí nhớ. Vào cuối tuần thứ năm, tôi đã học tổng một ngàn từ, khả năng đọc hiểu và chuyển ngữ của tôi cũng khá hơn nhiều. Tuần cuối cùng tôi dành riêng cho việc trau chuốt và ôn tập. Tôi vượt qua cả hai kỳ thi thành công rực rỡ.

Nếu sử dụng vài công cụ hiện đại trợ giúp trí nhớ, được biết đến như là các quy tắc ghi nhớ (mnemonic), có thể bạn sẽ làm bản thân và những người khác kinh ngạc với những kỳ tích ghi nhớ. Với sự tập luyện phù hợp, hầu như bất kỳ ai cũng có thể học được cách nhìn qua một bộ bài bị xáo trộn và nhớ chúng theo đúng thứ tự, gặp năm mươi người và ngay lập tức nhớ được tên họ, hay nhớ hơn một trăm số điện thoại. Nếu bạn muốn biết nhiều thông tin hơn về cải thiện trí nhớ, có một vài cuốn sách rất hay về chủ đề này, trong đó cuốn Trí nhớ của bạn (Your Memory), tác giả Tiến sĩ Kenneth Higbee.

Og Mandino/First News - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-the-nao-de-tang-cuong-kha-nang-ghi-nho-post1408840.html