Làm thế nào để tăng năng suất lao động?

Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động (NSLĐ) là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tăng NSLĐ chính là yếu tố quyết định tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế. NSLĐ cao đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, chống tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Đây cũng là thông điệp mà TS Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ và trao đổi xung quanh Diễn đàn về NSLĐ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng mới đây.

NSLĐ ngành dệt may Việt Nam đang được cải thiện (Ảnh: HNV) (Ảnh minh họa: HNV)

NSLĐ ngành dệt may Việt Nam đang được cải thiện (Ảnh: HNV) (Ảnh minh họa: HNV)

NSLĐ và việc làm là các yếu tố tác động đến tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP dựa trên tăng việc làm thường không cao và thiếu bền vững, trong khi tăng trưởng GDP theo hướng tăng NSLĐ tuy là một thách thức nhưng có tiềm năng để tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với năng suất cao hơn, tăng việc làm cũng sẽ tạo ra “lợi ích theo cấp số nhân”. Để nâng cao NSLĐ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong thời gian tới, nước ta cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, theo đó, Chính phủ và các Bộ, ngành cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Hai là, nhóm giải pháp chung cho nền kinh tế tập trung vào duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích nghi biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ nhằm chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ có giá trị cao; chuyển dịch trong nội bộ ngành công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao động sang dựa vào công nghệ, hàng hóa có giá trị gia tăng cao; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại đã ký kết, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư cho khoa học công nghệ; phát triển đầy đủ thị trường khoa học và công nghệ và tăng cường hiệu quả của các chợ công nghệ, chuyển giao công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.

Ba là, nhóm giải pháp nâng cao NSLĐ cho khu vực doanh nghiệp hướng vào khuyến khích các doanh nghiệp sắp xếp lại để có quy mô lao động tối ưu nhằm đạt được năng suất lao động cao nhất; ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, tín dụng... đối với các doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để tăng năng suất; khuyến khích, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân. Tăng cường công tác thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; Thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước./.

Lê Anh (lược ghi)

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/cung-ban-luan/lam-the-nao-de-tang-nang-suat-lao-dong-497747.html