Làm thế nào để trở thành chiến sỹ tình báo?

Xin giới thiệu bài viết về GRU (Tổng cục tình báo quân sự Bộ Tổng tham mưu Liên Xô- Nga) nhân trăm năm thành lập 5/11/1928- 5/11/2018.

Bài của nhà sử học quân sự chuyên nghiên cứu các cơ quan tình báo, Đại tá Igor Grigorievich Atamenko đăng trên tuần báo“Bình luận quân sự độc lập”(Nga) tháng 3/2017.

Chủ tịch KGB Liên Xô V.E. Semichstnyi (người đầu bên trái) tiếp các sỹ quan tình báo Xô Viết R.Abel (thứ hai từ trái sang) và K.Molodyi (thứ hai từ phải sang).

Bất kỳ nước nào quan tâm đến an ninh của mình đều phải tiến hành các hoạt động tình báo, kể cả phương thức hoạt động tình báo bất hợp pháp. Do nhiều nguyên nhân lịch sử và chính trị nên trong lĩnh vực tình báo bất hợp pháp, Liên Xô được đánh giá là mạnh hơn so với các nước khác.

Theo “Bách khoa gián điệp toàn thư” xuất bản tại Mỹ thì thuật ngữ tình báo bất hợp pháp được giải nghĩa như sau: “Sỹ quan tình báo bất hợp pháp- đấy là sỹ quan Xô Viết đang hoạt động nghiệp vụ (tình báo) ở nước ngoài dưới bình phong (tên giả, lý lịch giả) là công dân của nước sở tại (địa bàn) hoặc là người nước ngoài (nước thứ ba có quan hệ thân thiện với nước sở tại chứ không phải Liên Xô-ND).

Nhiệm vụ chủ yếu của sỹ quan tình báo bất hợp pháp- tuyển mộ những điệp viên (người nước sở tại-ND) có khả năng tiếp cận các thông tin mật hoặc tiếp cận những mục tiêu mà tình báo Xô Viết quan tâm”.

Thiếu tướng Iuri Drozdov, Cựu Cục trưởng Cục “S” KGB Liên Xô (Cục chuyên đào tạo và sử dụng các sỹ quan tình báo bất hợp pháp) có bổ sung thêm: “Vô cùng khó để trở thành sỹ quan tình báo bất hợp pháp.

Nghề nghiệp này đòi hỏi người đó phải có một trình độ tư duy hết sức cao, một trí nhớ siêu việt, bản năng tình báo, năng khiếu học và sử dụng các ngoại ngữ như người bản địa, tinh thần- ý chí thép và khả năng kìm nén cảm xúc – chỉ những phẩm chất đó mới cho phép duy trì được tiềm lực trí tuệ khi gặp những chấn động tâm lý và chịu đựng được tình trạng căng thẳng tình thần thường xuyên và kéo dài nhưng vẫn không làm tổn hại đến sức khỏe”.

Thủ trưởng Cơ quan tình báo đối ngoại KGB Liên Xô Trung tướng Vadim Kirpichenko và các đồng nghiệp đã từng gọi đùa những sỹ quan Tình báo hợp pháp của KGB (Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô) và GRU (Tổng cục tình báo quân sự Bộ Tổng tham mưu-ND) hoạt động dưới các bình phong ngoại giao là “những chiến binh chiến đấu ở nước ngoài trong các chiến hào Chiến tranh Lạnh”.

Cứ theo lô gích này của vị Trung tướng thì hoàn toàn có đủ cơ sở để so sánh những cán bộ tình báo bất hợp pháp của chúng ta (Liên Xô-Nga) với “những chiến sỹ du kích hoạt động trong hậu phương sâu của đối phương”.

Tất cả các cơ quan tình báo trên thế giới đều sử dụng hai kiểu bình phong che giấu các hoạt động tình báo của mình: chính thức (công khai) và không chính thức.

Các bình phong chính thức- đó là các đại sứ quán, cơ quan đại diện thương mại, văn hóa, giáo dục và các cơ quan khác (của nước nào đó) tại nước ngoài,- tức các tòa nhà có treo quốc kỳ bay phần phật của nước đó và lá quốc kỳ đó tác động lên các cơ quan phản gián nước địa bàn như một miếng vải đỏ trong các cuộc đấu bò tót Tây Ban Nha vậy.

Những bình phong chính thức (công khai) đảm bảo chắc chắn tính mạng cho các cán bộ tình báo trong trường hợp đổ vỡ (bị phản gián nước sở tại phát hiện), bị lộ hoặc những vụ việc không dễ chịu khác vì những người hoạt động dưới những “bình phong” này được bảo vệ bằng quyền miễn trừ ngoại giao-cùng lắm là trục xuất- đây là những ân huệ mà các tình báo viên bất hợp pháp- “các hiệp sỹ áo choàng và dao găm” (cách nói trong cơ quan tình báo Liên Xô-Nga chỉ các sỹ quan tình báo bất hợp pháp- ND) không bao giờ được hưởng.

Nếu bị lộ và bị bắt, những người này có thể phải ngồi sau song sắt suốt đời, hoặc tệ hơn nữa- lên ghế điện.

Các cơ quan CIA của Mỹ, SIS (Secret Intelligence Service) của Anh- MI6), BND (Cơ quan Tình báo Liên bang) của Đức. MOSSAD của Israel chưa từng bao giờ phải đối mặt với vấn đề đảm bảo cho các sỹ quan tình báo của mình một bình phong không chính thức.

Bởi vì tại các nước tư bản bao giờ cũng có rất nhiều hình thức sở hữu tài sản và vì vậy các cán bộ tình báo những nước này hoàn toàn có thể vào vai ông chủ các công ty hoặc hãng tư nhân (tại nước địa bàn) mà không hề gặp khó khăn gì. Trong các cơ quan tình báo các nước vừa liệt kê ở trên, hình thức ngụy trang này được gọi là “bình phong sâu”.

Nghề nghiệp-làm nước ngoài

Tình báo Liên Xô, do có rất ít khả năng “che giấu” các sỹ quan tình báo của mình trong các tổ chức và các cơ quan phi chính phủ (vì Liên Xô có rất ít những tổ chức và cơ quan như vậy)- tức là trong những tổ chức- cơ quan mà các cơ quan tình báo Phương Tây gọi là “bình phòng sâu” như đã nói ở trên nên buộc phải “sản xuất hàng loạt” và sử dụng các sỹ quan tình báo bất hợp pháp,- tức là “biến” những đại diện của các dân tộc khác nhau sinh sống tại Liên Xô thành người nước ngoài.

Người Nga và người Do Thái, người Ucraine và người Adygei, người Estonia và người Armenia, người Azerbaijan và Lithuani, người gốc Đức sống ven sông Volga và người Moldova-tổng cộng đã hơn 30 dân tộc cử những người con trai và con gái của mình đến Cục “S” của KGB Liên Xô- Trung tâm đào tạo sỹ quan tình báo bất hợp pháp để “trở thành người nước ngoài”.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/lam-the-nao-de-tro-thanh-chien-sy-tinh-bao-3368601/