Lạm thu đầu năm: Nhập nhằng các khoản thu tự nguyện

Vấn đề lạm thu luôn được mọi người nhắc đến khi năm học mới bắt đầu. Bộ GD&ĐT quy định, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước cấp trên khi để xảy ra lạm thu. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng thông tin về các khoản thu phải thông báo công khai, minh bạch.

Phụ huynh kiên quyết nói không với lạm thuDư luận xã hội vẫn đang bàn tán về việc trường THCS Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), đứng ra tổ chức thu của hơn 400 học sinh (HS) lớp 6, mỗi em 40.000 đồng ghế ngồi trong 4 năm học. Ngay khi nắm được thông tin, Trưởng phòng GD&ĐT Bình Chánh Nguyễn Trí Dũng đã yêu cầu nhà trường dừng ngay việc thu tiền, làm giải trình, kiểm điểm. Đến ngày 7/9/2020, trường THCS Bình Chánh đã trả lại tiền cho 100% phụ huynh đã đóng. Chia sẻ về các khoản thu đầu năm học mới, không ít phụ huynh băn khoăn.

Chị Nguyễn Thu Hương có hai con đang học trường tiểu học và trường THCS ở quận Thanh Xuân cho biết: Hôm trước tôi đi họp phụ huynh cho con học lớp 2, giáo viên chủ nhiệm thông báo nhà trường và phụ huynh HS thỏa thuận về các khoản năm học 2020 – 2021, bao gồm: Bảo hiểm thân thể 100.000 đồng/HS/năm, quỹ Đội 18.000 đồng/năm, ăn bán trú 30.000 đồng/bữa, phục vụ 150.000 đồng/tháng, cơ sở vật chất 150.000 đồng/học sinh/năm, học 2 buổi 100.000 đồng/tháng, Tiếng Anh Bình Minh 150.000 đồng/tháng...

 Các khoản thu đầu năm luôn là gánh nặng đối với các bậc phụ huynh . Ảnh: Công Hùng

Các khoản thu đầu năm luôn là gánh nặng đối với các bậc phụ huynh . Ảnh: Công Hùng

“Các khoản tiền được chiếu trên màn hình, chúng tôi theo dõi không kịp khoản nào phải thu, khoản nào tự nguyện mà cứ tổng cộng vào rồi nộp. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nhiều gia đình. Nay lại đóng tiền đầu năm cho hai con hết hơn 10 triệu đồng khiến cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn”- chị Hương chia sẻ.Không ít phụ huynh cho biết, không thoải mái khi ban đại diện cha mẹ HS thông báo khoản tiền không thật sự cần thiết. Nhưng vì đa số các phụ huynh khác đồng ý nên đành tặc lưỡi nộp tiền. Trong trường hợp này, TS Vũ Thu Hương – Chuyên gia giáo dục đưa ra lời khuyên: Nếu thấy các khoản tiền không hợp lý, thậm chí sai phạm, phụ huynh cần trao đổi ngay trong cuộc họp để nhà trường nhìn nhận và chỉnh sửa. Về phía nhà trường không nên biến những buổi họp phụ huynh vốn mang ý nghĩa trao đổi về việc giáo dục HS thành nơi thu tiền, các thầy cô là kế toán. Tất cả những khoản thu cần được công khai trên trang web của nhà trường để các phụ huynh tham khảo, có ý kiến từ trước.

Với kinh nghiệm 5 năm làm trong Ban đại diện cha mẹ HS, chị Hoàng Thu Hòa ở đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) chia sẻ: Ban phụ huynh thu các khoản thu tự nguyện theo quy định. Đầu năm học xây dựng kế hoạch cho các hoạt động đồng thời lên dự toán chi cụ thể, cuối kỳ quyết toán những khoản đã chi, rồi in phát cho từng phụ huynh. Như thế sẽ giúp các phụ huynh thoải mái hơn khi đóng góp.Hiệu trưởng chịu trách nhiệm khi xảy ra lạm thu Để tránh tình trạng lạm thu, ngày 25/8/2020, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2020 – 2021 gửi tới UBND các quận, huyện, thị xã và những cơ sở giáo dục trực thuộc. Trong đó nhấn mạnh, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu chi sai quy định. Trưởng phòng GD&ĐT Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết: Trên cơ sở hướng dẫn của TP và Sở GD&ĐT Hà Nội, chúng tôi tham mưu UBND quận ra văn bản chỉ đạo thực hiện. Phòng GD&ĐT Tây Hồ đã tổ chức một buổi hướng dẫn cho các hiệu trưởng về những khoản thu, quy trình thu và yêu cầu cam kết thực hiện đúng các quy định. Về phía Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu, hiệu trưởng các trường THPT phải ký cam kết thu đúng, thu đủ các khoản theo quy định và chịu trách nhiệm hoàn toàn với những khoản thu. Hiệu trưởng trường THPT Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) Hoàng Văn Phú cho biết: Chúng tôi triển khai thống nhất đến giáo viên và những thành viên khác trong nhà trường không tự ý thu tiền của HS dưới bất cứ dạng nào. Chỉ những khoản hiệu trưởng có thông báo mới được thu. Nhà trường có biên bản thỏa thuận ghi rõ các khoản thu, hình thức thu, mức thu gửi tới cha mẹ HS trong buổi họp phụ huynh để có ý kiến đồng ý hay không. Các khoản thu đầu năm của trường Đông Mỹ gồm có: Học phí; thu hộ tiền bảo hiểm thân thể; thu theo thỏa thuận tiền sổ liên lạc điện tử, đồng phục. Giáo viên không trực tiếp thu các khoản mà HS nộp cho bộ phận tài vụ và nhận phiếu thu. Riêng quỹ phụ huynh là tự nguyện nhưng nhà trường khống chế không thu quá 200.000 đồng/năm học. HS thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn thu tiền quỹ.Bàn luận về vấn đề lạm thu đầu năm học, nêu quan điểm: Hiệu trưởng chỉ đạo họp phụ huynh đầu năm học. Trưởng ban phụ huynh được hướng dẫn thu quỹ dùng để khen thưởng, hỗ trợ cho hoạt động giáo dục của HS lớp đó. Nhà trường có trách nhiệm quản lý quỹ này, Ban phụ huynh không phải giữ tiền vì dễ làm thất thoát. Hiệu trưởng có trách nhiệm thông báo công khai chủ trương của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT với giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ HS. Giáo viên chủ nhiệm nào làm sai thì bị kỷ luật; hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm.

"Để không xảy ra lạm thu ảnh hưởng tới HS, nhiều chuyên gia khuyên phụ huynh phải nắm được thông báo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về những khoản tiền nhà trường và Ban đại diện cha mẹ HS không được thu. Phụ huynh dứt khoát từ chối nộp những khoản tiền không đúng quy định. Trường hợp giáo viên chủ nhiệm làm sai, phụ huynh thông báo cho hiệu trưởng hoặc gọi đến đường dây nóng của phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT để tổ chức thanh tra, xử lý kịp thời"- TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ.

"Mặc dù Bộ GD&ĐT luôn có công văn chấn chỉnh lạm thu nhưng không quy định rõ ràng mà thường chung chung đại loại như: Các khoản thu phù hợp theo từng địa phương. Tôi cho rằng, đây chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến lạm thu. Vì thế, để câu chuyện lạm thu không xảy ra, Bộ phải chỉ rõ cái gì được thu, cái gì không được thu thì người ta mới làm đúng. Riêng vấn đề thu chi, cần có quy định theo từng năm một, thay vì chạy theo 5 – 10 năm rất dễ lạc hậu và không phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Mỗi địa phương có điều kiện khác nhau, Bộ nên đưa ra trần mức thu cho từng năm dựa trên khảo sát, giống như quy định điểm sàn đại học thì phụ huynh cảm thấy dễ chịu và các trường thu chi một cách hợp lý." - Chuyên gia giáo dục - TS Vũ Thu Hương

"Bộ GD&ĐT cần có nghiên cứu những khoản gì Nhà nước đã đầu tư cho trường học, các khoản nào chưa trang bị thì ngân sách Nhà nước tiếp tục. Trường hợp, các khoản nào Nhà nước không đầu tư được hết thì đưa thành danh mục để xã hội hóa một phần. Từ danh mục xã hội hóa được công bố và những quy định thực hiện, nếu trường nào làm sai thì hiệu trưởng chịu trách nhiệm. Trường hợp, những gì ngoài Nhà nước đầu tư nhưng nhà trường thấy thật sự cần thiết thì phải lập đề án, báo cáo cấp trên có thẩm quyền duyệt mới được thực hiện.

Bộ GD&ĐT không nên có quy định chung chung là “xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục”. Như thế không rõ ràng, chỉ biết bị xử lý nếu để xảy ra sai phạm nhưng không biết mức độ nào. Vì thế, cần có chế tài cụ thể, nghiêm khắc như cách chức hiệu trưởng, hạ mấy bậc lương nếu để xảy ra sai phạm mới ngăn chặn được lạm thu." - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Oanh Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lam-thu-dau-nam-nhap-nhang-cac-khoan-thu-tu-nguyen-396490.html