Lạm thu giữa năm học

Thầy vợ đi họp phụ huynh cho cậu con trai học lớp 4, trường tiểu học ở Hà Nội về có vẻ không vui, anh Hoàng liền hỏi: Cô giáo lại phê bình con trong buổi họp phụ huynh hay sao?

- Không anh ạ! Trường vận động phụ huynh đóng góp để sửa sang cơ sở vật chất. Trước mắt, mỗi phụ huynh nộp 200 nghìn đồng để thay mới đường điện. Số tiền thì không lớn nhưng trường vận động xã hội hóa tùy tiện! Vợ anh Hoàng thở dài.

- Có quy định cấm các khoản lạm thu rồi mà? Anh Hoàng thắc mắc.

- Ðúng là cả bộ và sở giáo dục và đào tạo đều có các quy định rất chặt chẽ. Việc xã hội hóa, huy động cào bằng đóng góp, ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất là không đúng quy định. Nhưng trường thì vẫn làm với lý do để hoàn thiện cơ sở vật chất, sang năm làm hồ sơ công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia.

- Các phụ huynh không ý kiến gì sao?

- Phụ huynh cũng có ý kiến nhưng trường nói đã lên kế hoạch và bóng gió việc không ủng hộ thì ảnh hưởng việc học của các con cho nên nhiều người đành tặc lưỡi cho xong.Trước đây, các khoản đóng góp tập trung vào đầu năm học. Năm nay, đầu năm học không thu, tưởng trường thực hiện nghiệm quy định, hóa ra là chia tách để hết học kỳ 1 thu. Vậy thì vẫn lạm thu chứ đâu có cải thiện gì so với mọi năm - Vợ anh Hoàng đáp.

Có thể nói, sau khi ngành giáo dục và đào tạo đưa ra các quy định về xã hội hóa trong các nhà trường, tình trạng lạm thu không còn nóng vào dịp đầu năm học nhưng thực tế vẫn không giảm. Nhiều trường vẫn triển khai các khoản thu trái quy định vào các thời điểm khác nhau mà không tập trung vào thời điểm sau khai giảng như trước đây. Vì vậy, các cấp quản lý giáo dục cần thanh tra, kiểm tra, xử lý thường xuyên các trường để không xảy ra tình trạng lạm thu, thực hiện nghiêm các quy định, không gây bức xúc trong phụ huynh, học sinh.

MẠNH XUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/43008602-lam-thu-giua-nam-hoc.html