Lạm thu, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu ngành Giáo dục địa phương

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) khẳng định, dù đã có những quy định nhưng vẫn xảy ra tình trạng lạm thu trong các nhà trường. Khi xảy ra sai phạm, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu ngành Giáo dục và hiệu trưởng các trường.

Ông Trần Tú Khánh

Ông Trần Tú Khánh

Ông Trần Tú Khánh cho biết: Năm nào vào đầu năm học thì câu chuyện lạm thu lại diễn ra, với những mức độ và hình thức khác nhau.

Năm học 2019-2020, Bộ GD&ĐT đã có 2 công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, các địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo điều hành giá và các khoản thu trong các cơ sở giáo dục; đồng thời chỉ đạo kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh kịp thời việc thu chi trái quy định trong trường học; có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm.

Do vậy, trách nhiệm công tác thanh kiểm tra và phát hiện tình hình phải do địa phương chịu trách nhiệm.

Bộ GD&ĐT đã có những văn bản chỉ đạo nhằm ngăn chặn việc lạm thu, nhưng vì sao tình trạng này vẫn tiếp diễn, thưa ông?

Hiện nay, vẫn còn một số nơi, một số cơ sở giáo dục còn làm trái, làm chưa đúng các quy định về thu - chi đầu năm học.

Nguyên nhân do việc ban hành quy định về khung mức thu, chi ngoài ngân sách của các địa phương còn chậm hoặc chưa ban hành theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc chi cho hoạt động của cơ sở giáo dục của nhiều địa phương chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017. Người đứng đầu các cơ quan quản lý trực tiếp chưa hiểu và quán triệt chỉ đạo thực hiện đúng các quy định của văn bản pháp quy về học phí và các khoản thu ngoài ngân sách…Thậm chí, một số người đứng đầu cơ sở giáo dục, cá nhân liên quan đang cố tình vi phạm và làm trái các văn bản quy định của ngành, địa phương, thực hiện nhiều hoạt động biến tướng trên danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản thu ngoài quy định của nhà nước”; áp đặt, cào bằng mức đóng góp, gây ra những phản ứng trong dư luận.

Về phía phụ huynh và hội cha mẹ học sinh, do chưa biết và hiểu rõ các quy định trong điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nên đã vô tình để xảy ra hiện tượng lạm thu. Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý theo phân cấp của ngành chưa được quan tâm, chưa sát sao trong việc xử lý các vụ việc xảy ra.

Trường học để xảy ra lạm thu, trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

Để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học tại một số cơ sở giáo dục, trước hết phải là do người đứng đầu ngành Giáo dục địa phương đó, hiệu trưởng các nhà trường chưa chỉ đạo và theo dõi giám sát các quy định về thu chi đầu năm học. Địa phương nào để xảy ra tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong nhân dân, tùy theo mức độ sai phạm người đứng đầu ngành Giáo dục, người đứng đầu địa phương đó phải chịu hình thức kỷ luật tương ứng để làm gương.

Thực tế đã có một số cơ sở giáo dục bị xử lý kỷ luật về việc thực hiện thu một số khoản thu không có trong quy định như tại trường Tiểu học Nam Dinh - Bố Trạch (Quảng Bình); trường Tiểu học Sơn Đồng - huyện Hoài Đức (Hà Nội); trường THCS Minh Tân - huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng)...

Cảm ơn ông.

Nguyễn Hà (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/lam-thu-trach-nhiem-thuoc-ve-nguoi-dung-dau-nganh-giao-duc-dia-phuong-1473491.tpo