Lạm thu và sự im lặng

Có con đang học tiểu học, trong mỗi năm học, tôi đều cố gắng dự đầy đủ 3 buổi họp phụ huynh vào đầu năm, hết học kỳ 1 và cuối năm.

Buổi họp phụ huynh đầu năm học này, sau khi cô giáo chủ nhiệm thông tin tình hình chung của trường, lớp là đến phần thông báo các khoản đóng góp.

Các khoản thu như quỹ lớp, tiền chi cho các cháu dịp Trung thu, tiền gửi xe đạp, ăn bán trú, cơ sở vật chất bán trú… chỉ được Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh thông báo miệng, không ghi lên bảng hoặc phát giấy ghi các khoản thu cho từng phụ huynh.

Do đọc nhanh nên người nghe rất khó nắm bắt. Có phụ huynh đề nghị cần ghi các khoản thu lên bảng hoặc in ra giấy để phát cho phụ huynh dễ theo dõi nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng.

Khi lấy ý kiến phụ huynh về tiền ủng hộ mua sắm thiết bị trường học, một phụ huynh phát biểu bày tỏ băn khoăn về việc có thật sự cần thiết ủng hộ không thì cô giáo và một số người trong ban đại diện cha mẹ học sinh cho rằng phụ huynh này “thiếu tinh thần xây dựng”.

Nhiều người nhận thấy một số khoản thu thiếu minh bạch, chưa hợp lý song không dám phát biểu vì sợ cô giáo sẽ trù úm, gây khó khăn cho việc học tập của con mình. Họ cho rằng “im lặng là vàng”.

Một số người chỉ dám xì xào riêng với nhau, không phát biểu công khai. Việc tổ chức thu các khoản tiền diễn ra chóng vánh sau đó và khá lộn xộn. Kết thúc buổi họp, biên bản cuộc họp không được đọc và thông qua trước toàn thể phụ huynh.

Những cuộc họp phụ huynh thiếu nghiêm túc, nặng tính chất thu tiền như trên chắc hẳn không ít. Hỏi chuyện cha mẹ học sinh dịp đầu năm học sẽ thấy những cách thức tinh vi để các nhà trường lạm thu.

Nhiều trường, lớp xây dựng ban đại diện cha mẹ học sinh là những người thuộc gia đình giàu có, “ăn được nói được”, lợi dụng họ như một cánh tay đắc lực để thực hiện lạm thu. Bù lại, con cái của những thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ được nhà trường, cô giáo chủ nhiệm quan tâm, ưu ái hơn.

Việc triển khai họp phụ huynh và thu góp càng thiếu minh bạch, thiếu nghiêm túc thì càng dễ để lạm thu. Thời gian qua, các cơ quan chức năng và báo chí đã phanh phui nhiều trường hợp cán bộ, giáo viên lạm thu song tình trạng này vẫn chưa được đẩy lùi.

Các thủ đoạn lạm thu ngày càng tinh vi, kín đáo hơn. Những khoản tiền lạm thu ấy sẽ là món mồi béo bở để các nhóm lợi ích trong trường học chia chác, trục lợi.

Vấn đề lạm thu trong giáo dục làm nhiều người bức xúc nhưng ít người dám đấu tranh. Ai cũng sợ con cái mình bị vạ lây nên đành im lặng, “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Hơn ai hết, các phụ huynh là người trực tiếp chứng kiến và dễ dàng phát hiện các khoản thu mập mờ, sai trái.

Chính họ phải là người dám lên tiếng, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực. Nhưng ai sẽ bảo vệ họ và con họ nếu bị trù dập, gây khó dễ?

Tổ chức bảo vệ họ là ban đại diện cha mẹ học sinh. Tổ chức này cần quy tụ những người thực sự đại diện cho quyền lợi hợp pháp của các phụ huynh, hoạt động thực chất, hiệu quả và dám đấu tranh với những điều sai trái.

Muốn vậy, việc bầu chọn ban đại diện cho cha mẹ học sinh cần dân chủ, công tâm, tránh qua loa, hình thức. Các phụ huynh và ban đại diện cha mẹ học sinh cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn, chung tay xây dựng các cuộc họp phụ huynh bảo đảm nghiêm túc, chất lượng.

Các khoản thu cần được công khai, minh bạch như ghi lên bảng, thông báo bằng giấy, gửi tin nhắn...

Biên bản cuộc họp phụ huynh cần cụ thể, phản ánh đầy đủ, trung thực ý kiến của mọi người. Kết thúc cuộc họp, biên bản này phải được đọc trước toàn thể phụ huynh để thông qua. Các phụ huynh có thể quay clip, ghi âm cuộc họp để làm bằng chứng sau này.

TÍCH LỊCH HỎA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/lam-thu-va-su-im-lang-117237