Lạm thu và trách nhiệm người đứng đầu

Học sinh các trường mầm non, phổ thông trên cả nước rậm rịch tựu trường, chuẩn bị khai giảng năm học mới.

Người đứng đầu các cơ sở GD phải chịu trách nhiệm trong vấn đề thu chi đầu năm học.

Người đứng đầu các cơ sở GD phải chịu trách nhiệm trong vấn đề thu chi đầu năm học.

Đằng sau niềm vui hân hoan trở lại trường của các em là không biết bao nỗi lo toan, lặng thầm, vất vả của cha mẹ. Năm nay, trải qua dịch bệnh Covid-19 với nhiều thiệt hại về kinh tế, gánh nặng chi phí cho con em học tập của mỗi gia đình càng nặng hơn.

Chia sẻ với khó khăn của phụ huynh, học sinh, Bộ GD&ĐT đã đề nghị HĐND cấp tỉnh thống nhất quy định mức học phí cụ thể, phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn quản lý và tình hình dịch Covid-19. Nhiều tỉnh, thành, trường học bên cạnh việc thực hiện đúng các quy định về các khoản thu, giá cả dịch vụ cũng đã có những quyết sách đầy nhân văn như giãn thu, giảm học phí cho học sinh, hỗ trợ bảo hiểm y tế, sách giáo khoa...

Tuy vậy, những bức xúc trong dư luận liên quan đến thu và giá cả các dịch vụ vẫn âm ỉ diễn ra đâu đó. Có cơ sở tạm thu tiền triệu cùng lúc với nhận hồ sơ tuyển sinh, trong lúc chưa có quyết định cụ thể về các khoản thu của địa phương, gây nặng gánh cho phụ huynh. Có trường bán thêm các loại sách, dụng cụ học tập chung với sách giáo khoa mà không công bố rõ phân loại bắt buộc và không bắt buộc, khiến chi phí đội lên, làm phụ huynh choáng. Lại có nơi phụ huynh e ngại với cái gọi là tài trợ tự nguyện cho nhà trường để rồi… không ai dám không tự nguyện. Câu chuyện thu chi đầu năm tới đây sẽ tiếp tục nóng hơn khi các trường bắt đầu công bố các khoản thu trong cuộc họp phụ huynh.

Học sinh tỉnh Bình Dương trở lại trường chuẩn bị vào năm học mới.

Mặc dù ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục luôn được ưu tiên nhưng để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển, nhà trường rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng, đặc biệt là từ phụ huynh. Thực tế cho thấy, đa số phụ huynh đều có sự đồng thuận với nhà trường trong mọi việc liên quan đến giáo dục con em. Phụ huynh chỉ phản ứng khi các khoản thu chi không phù hợp hay thông tin thiếu minh bạch. Vì thế, bên cạnh thu chi đúng quy định, việc tăng tính minh bạch trong thông tin là giải pháp cần thiết. Đây cũng là “chìa khóa” mở tấm lòng của phụ huynh học sinh để phụ huynh tin tưởng, sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường cải thiện điều kiện học tập của con em, phát huy vai trò xã hội hóa giáo dục.

Song song với việc minh bạch thông tin, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Cho đến nay, hàng loạt văn bản hướng dẫn các khoản được phép thu và không được phép thu, các khoản thu theo thỏa thuận từ phụ huynh học sinh, cũng như quy định chế tài khi lạm thu đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Sở GD&ĐT các tỉnh, thành cũng phát đi văn bản về phòng chống lạm thu trong trường học, lập đường dây nóng… Thế nhưng lạm thu tiếp tục xảy ra cho thấy vẫn có những người đứng đầu thiếu gương mẫu, cố tình lách luật và công tác xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ở nhiều địa phương vẫn xử lý hiệu trưởng vi phạm lạm thu theo kiểu… luân chuyển từ trường này sang trường khác, vị trí vẫn giữ nguyên!

Công văn mới đây của Bộ GD&ĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020 - 2021 và bảo đảm các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thẳng thắn đề nghị xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và cả trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu. Đó là giải pháp hết sức cần thiết, cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Bởi chống lạm thu, quan trọng nhất vẫn từ người đứng đầu các cơ sở giáo dục.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/lam-thu-va-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-f1qmVvDMg.html