Làm “thương hiệu” cho y tế cơ sở

NDĐT- Thành công 16 ca và ba cháu nhỏ đã ra đời tại Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ - đó là kết quả từ Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816) của Bộ Y tế, góp phần giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Đi trước “đón 1816”

Tình trạng quá tải là vấn đề để từ đó, UBND và Sở Y tế TP Cần Thơ đề ra nhiều phương án giảm tải bệnh viện từ năm 2006.

Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ là bệnh viện đầu tiên triển khai phòng khám “vệ tinh” tại các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn thành phố như: bệnh viện quận Ô Môn, quận Ninh Kiều và huyện Thốt Nốt... Đến năm 2007, ngành Y tế TP Cần Thơ triển khai tăng cường bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên về các trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh, giúp các trạm y tế xã xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia... Qua đó, số người bệnh ở y tế cơ sở tăng, có nơi đến 45% so với trước đó.

Cuối năm 2008, Đề án 1816, được triển khai mang lại nhiều kết quả. Các Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, Ung bướu TP Cần Thơ, Nhi đồng TP Cần Thơ… đã ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị, như: thụ tinh trong ống nghiệm, một số kỹ thuật trong lĩnh vực xạ trị, phẫu thuật nội soi khớp, cắt tử cung toàn phần qua nội soi, cắt u đại tràng, phẫu thuật cột sống, nội soi khớp gối, thay khớp háng, phẫu thuật u phổi, u trung thất...do các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế của các Bệnh viện : Chợ Rẫy, Từ Dũ, Răng-Hàm -Mặt, Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật.

Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ triển khai từ tháng 4 năm 2010 dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh, theo Đề án 1816, đã giúp Khoa Hiếm muộn của bệnh viện ngày một phát triển. Vợ chồng chị Nguyễn Thị K .O, 39 tuổi (ở Ninh Kiều, TP Cần Thơ), vui mừng và xúc động nhận được kết quả xét nghiệm máu sau ba tuần thụ tinh ống nghiệm (TTON): Chị đã có thai.

Nghẹn ngào trong niềm vui, chị O. tâm sự: “Vợ chồng tôi cưới nhau được năm năm, hai năm đầu do điều kiện công tác nên chúng tôi “kế hoạch”, đến khi muốn có con thì lại rất “khó khăn”. Chúng tôi đã chữa ở nhiều nơi, kết hợp cả thuốc tây và thuốc đông y nhưng vẫn không có kết quả. Nhiều người mách lên Bệnh viện Từ Dũ làm TTON, chúng tôi rất băn khoăn lên đấy chữa, điều trị sẽ phải chi rất nhiều chi phí ăn ở, mất nhiều thời gian đi lại. Được biết, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ có khoa điều trị hiếm muộn, và có bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ về hỗ trợ giúp đỡ, nên chúng tôi đã quyết định khám, chữa bệnh ở TP Cần Thơ. Sau hai tháng, khám, điều trị, niềm vui, hạnh phúc đến với gia đình tôi...”

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, cho biết: Theo Đề án, chúng tôi đã cử các bác sĩ, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh lên Bệnh viện Từ Dũ từ sáu tháng đến hai năm, học tập, nghiên cứu, thực hành các kỹ thuật điều trị. Các đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm từ tuyến trên xuống hỗ trợ chúng tôi thực hiện các phương pháp sử dụng và điều hành các thiết bị kỹ thuật tiên tiến. Chúng tôi đã tự tin, vững vàng trong điều trị hiếm muộn. Bệnh viện Phụ sản trung ương cũng đang có kế hoạch cử một đoàn bác sĩ của Trung tâm Chẩn đoán trước sinh vào hỗ trợ, hướng dẫn “ cầm tay chỉ viêc” về các vấn đề dị tật thai nhi…”.

Từ Đề án 1816, các bệnh viện ở TP Cần Thơ được tiếp nhận và triển khai nhiều phương pháp kỹ thuật cao, trong đó Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ là một trong những bệnh viện nhận được nhiều sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên với phương châm “cầm tay, chỉ việc” ngay tại bệnh viện. Các cán bộ y tế tại bệnh viện không mất nhiều thời gian, công sức, chi phí đi lại để học tập... và thực hiện nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu điều trị các dị tật ở bệnh nhi, như: không hậu môn có dò trực tràng âm đạo, bàng quang, lỗ tiểu thấp, teo tá tràng bẩm sinh...

Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, cho biết: "Các bác sĩ tuyến trên rất tận tâm với công việc, không nề hà trước những khó khăn, thiếu thốn của tuyến y tế cơ sở. Ngoài chuyên môn, chúng tôi còn học được tinh thần và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Đây là việc hết sức có ý nghĩa. Khi chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới được thực hiện tốt, tuyến trên có điều kiện thuận lợi để tập trung phát triển những kỹ thuật mới, chuyên sâu, giải quyết các bệnh lý nặng, phức tạp”.

Hỗ trợ tuyến dưới

Được nâng cấp từ phòng khám đa khoa của huyện, Bệnh viện đa khoa Thốt Nốt, TP Cần Thơ trang thiết bị còn thiếu, nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Trong khó khăn ấy, Đề án 1816 đã được triển khai có hiệu quả... Sau ba năm thực hiện dưới sự trợ giúp của Bệnh viện Đa khoa, Nhi đồng, Tai-Mũi- Họng, Bệnh viện Mắt, Y học cổ truyền …của TP Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt đã bước đầu có “thương hiệu” thu hút người bệnh như kỹ thuật gây tê màng cứng (giảm đau trong chuyển dạ), phẫu thuật nội soi cắt u, … chất lượng khám, chữa bệnh đã có những tiến bộ.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang, phường Long Thạnh, quận Thốt Nốt (Cần Thơ), cho biết, ở quận này có nhiều bệnh viện tư nhân với chất lượng cao, nhưng gia đình tôi vẫn quyết định vào Bệnh viện Thốt Nốt, vì đến đây khám thai và tìm hiểu tôi được biết các bác sĩ ở đây cũng đã sử dụng được nhiều kỹ thuật cao, phương pháp điều trị tiên tiến: gây tê qua màng cứng (đẻ không đau). Các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tôi rất tận tình và chu đáo. Tôi đã sinh được một cháu trai khỏe mạnh không đau và mất sức.

Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật cao từ tuyến trên và tiến hành việc chuyển giao, hỗ trợ cho trạm y tế tuyến dưới. Bệnh viện đã có các cuộc họp, trao đổi với Trung tâm Y tế dự phòng, Trạm y tế phường trên địa bàn quận đến để khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các phường. Đồng thời, bệnh viện cử bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm đến các trạm y tế ký kết hợp đồng triển khai chuyên môn, kỹ thuật.

Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, khẳng định: “Luân phiên cán bộ y tế theo Đề án 1816 là một chủ trương lớn quan trọng của Bộ Y tế. Phần lớn cán bộ y tế TP Cần Thơ thực hiện Đề án 1816 là những người có kinh nghiệm, chuyên môn sâu, có năng lực, thực đức, thực tài. Việc thực hiện Đề án 1816, trở thành nền nếp thường xuyên, từng bước đáp ứng yêu cầu tăng cường cán bộ tuyến trên về tuyến y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân”.

* Theo Bộ Y tế, kết quả của Đề án 1816 từ năm 2008 đến hết tháng 9-2011: Số lượt cán bộ được cử đi luân phiên hơn 10.000, trong đó bệnh viện trung ương: 3.945 lượt cán bộ; 72 bệnh viện gồm 35 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, hai bệnh viện thực hành thuộc cơ sở đào tạo, 35 bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế TP Hải Phòng, Sở Y tế TP Đà Nẵng, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa. 269 Bệnh viện ở các tỉnh đã cử 2.915 lượt cán bộ luân phiên hỗ trợ 360 bệnh viện huyện, tổ chức 607 lớp tập huấn cho 12.066 lượt học viên, chuyển giao 1.702 kỹ thuật, khám, chữa bệnh cho 212. 106 lượt người bệnh, trực tiếp phẫu thuật 5.765 ca

* TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế): Đề án 1816 giai đoạn 2008 - 2011, tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn có hạn chế: Công tác quán triệt, phổ biến tuyên truyền chưa đầy đủ; Các bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên một số nơi chưa chủ động trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kỹ thuật; trang thiết bị cần thiết để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật thiếu, hoặc chưa đồng bộ dẫn đến việc hạn chế chuyển giao kỹ thuật. Thời gian, định mức chỉ tiêu cử cán bộ luân phiên chưa thực sự phù hợp, dẫn đến hạn chế kết quả hỗ trợ của cán bộ luân phiên, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn đơn vị. Có hiện tượng đối phó trong việc cử cán bộ đi luân phiên để bảo đảm chỉ tiêu nhưng không bảo đảm chất lượng chuyển giao kỹ thuật.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/suc-khoe/lam-th-ng-hi-u-cho-y-t-c-s-1.321420