Làm việc với vị thế, tâm thế đơn vị Anh hùng

Năm 2020, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam (BTTEVN) được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đây là đơn vị Anh hùng lao động đầu tiên và hiện là duy nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Quỹ ý thức được vinh dự và trách nhiệm của mình sau khi đón nhận danh hiệu Anh hùng.

Tâm thế của một đơn vị Anh hùng ngành lao động – thương binh và xã hội

Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phân phối phúc lợi và bảo đảm an sinh xã hội. Những hoạt động này thường không nổi bật như những đơn vị hoạt động trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng hay sản xuất, kinh doanh. Do đó, để đạt được những thành tích được xã hội công nhận không phải là điều dễ dàng, nhất là khi nền kinh tế của đất nước được vận hành theo cơ chế thị trường. Không phải ngẫu nhiên mà Quỹ BTTEVN được trao tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới tại Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng". Dường như điều này truyền đi thông điệp: Đảng, Nhà nước, Nhân dân luôn luôn quan tâm đến những tập thể, cá nhân làm những việc có ích cho cộng đồng, dù họ hoạt động thầm lặng ở những nơi hẻo lánh.

Tôi là người quan tâm đến hoạt động của Quỹ BTTEVN từ mấy chục năm nay. Đơn giản là Quỹ chủ yếu trợ giúp trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mà tôi lại công tác ở Tạp chí Gia đình và Trẻ em. Sau gần 30 năm hoạt động, Quỹ đã làm được vô vàn những việc có ích và gây xúc động lòng người. Vì vậy, Quỹ có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và đã được ghi nhận bằng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Bia ghi nhớ Dự án Trẻ em lang thang trên Đèo Ngang

Bia ghi nhớ Dự án Trẻ em lang thang trên Đèo Ngang

Sau khi đón nhận danh hiệu Anh hùng, vị thế của Quỹ được nâng cao. Tâm thế của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên cũng có những thay đổi nhất định; họ cảm thấy vui vẻ, tự hào và nhận thức được trách nhiệm to lớn của mình. Như vậy là họ phải cố gắng nhiều hơn, làm tốt hơn trước khi được Đảng, Nhà nước và Nhân dân công nhận là đơn vị Anh hùng. Họ làm thế để xứng đáng với danh hiệu cao quý.

Về vùng sâu, vùng xa của 5 tỉnh miền Bắc miền Trung

Thỉnh thoảng tôi có cơ hội tham gia hoạt động với Quỹ BTTEVN. Mỗi lần được tham gia, tôi đều có những cảm xúc và ý nghĩ mới mẻ về hoạt động của Quỹ. Vào một ngày đầu tháng 4/2021, tôi được tham gia hoạt động cùng Quỹ với tư cách là một người chứng kiến để ghi nhận và viết. Cùng với tôi, còn có đoàn làm phim của Hãng Phim Tài liệu và Khoa học trung ương. Ngoài ra, Tổng Giám đốc của Công ty TNHH thiết bị giáo dục và đồ chơi Phương Anh cũng tham gia với tư cách là nhà tài trợ. Quỹ là chủ nhà nên "xuất tướng" cả Giám đốc Hoàng Văn Tiến, Phó Giám đốc Đinh Tiến Hải, Phó Văn phòng Lưu Bác Thắng...

Trao 250 triệu đồng cho Trường THCS Định Hòa, Yên Định, Thanh Hóa

Hoạt động này dự kiến kéo dài khoảng 5 đến 6 ngày; địa bàn là các huyện miền núi của 5 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Đoàn có ba mục đích cụ thể: 1. Quỹ BTTEVN tặng quà cho cơ sở và khảo sát để xây cầu, xây nhà nội trú cho những nơi khó khăn, kiểm tra việc thực hiện Dự án sữa học đường; 2. Ghi hình ảnh để xây dựng một bộ phim tài liệu – khoa học; 3. Viết một cuốn sách để tổng kết hoạt động của hệ thống Quỹ bảo trợ trẻ em trong những năm qua.

6 giờ sáng ngày 5/4/2021 đoàn xuất phát từ Hà Nội. Để có mặt trên xe vào lúc 6 giờ, ít nhất phải dậy từ 5 giờ sáng. Đây cũng là một thử thách nho nhỏ với những người có thói quen ngủ dậy vào lúc 7 giờ. Nhưng không có trục trặc nào xẩy ra, tất cả đều có mặt đúng giờ và vui vẻ lên đường. Để làm việc có hiệu quả, đoàn đi hai xe và khi cần thiết tách thành hai nhóm làm việc độc lập.

Ngay trong buổi sáng đầu tiên, đoàn đã tách làm hai nhóm; một nhóm vào thẳng Nghệ An, nhóm kia lên huyện Yên Định - một huyện bán sơn địa nằm dọc theo sông Mã để trao món tiền 250 đồng cho Trường phổ thông cơ sở xã Định Hòa. Công việc được thực hiện chóng vánh, nhóm này lại lên đường để đến huyện Kỳ Sơn – một huyện miền núi giáp Lào của tỉnh Nghệ An. Như vậy ngay trong ngày đầu tiên, đoàn đi gần 500 km và làm việc ở hai huyện của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Trao kẹo cho học sinh bán trú xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn, Nghệ An)

Ngày thứ hai, đoàn lên cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An), làm việc với đồn biên phòng cửa khẩu và Trường Mầm non của xã Nậm Cắn. Sau đó, đoàn tới Trường Tiểu học – Trung học cơ sở dân tộc bán trú của xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn để khảo sát việc xây nhà nội trú. Sau đó, về thăm khu nội trú của con em đồng bào Đan Lai ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Xong việc, đoàn tiếp tục đi về phía Nam.

Ngày thứ ba xuất phát từ thị trấn Phố Châu, đoàn tiến thẳng tới huyện Dakrong của tỉnh Quảng Trị. Ở đây, đoàn ra địa bàn khảo sát một khu vực để có thể xây cầu, hoặc làm ngầm qua một con sông nhỏ (tài trợ của Grab). Sau đó, đoàn đến thăm một em được nhận học bổng của Quỹ từ 4 năm nay. Xong việc ở Dakrong, đoàn lên huyện Hướng Hóa.

Ngày thứ tư, đoàn làm việc với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hướng Hóa rồi đến thăm Trường Mầm non xã Tân Liên – nơi được Công ty Phương Anh tài trợ đồ chơi. Tôi ngạc nhiên một cách thú vị khi thấy một trường mầm non ở miền núi rộng rãi, khang trang và đẹp như vậy. Sau đó, đoàn đến Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Túc để kiểm tra việc thực hiện Dự án sữa học đường. Từ đây, đoàn về Cam Lộ làm việc với Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị; xong việc, đoàn ra huyện Tuyên Hóa của Quảng Bình rồi về Hà Tĩnh.

Ngày thứ năm, sáng thăm bia kỷ niệm Dự án Trẻ em lang thang trên Đèo Ngang, làm việc tại xã Kỳ Nam (Kỳ Anh, Hà Tĩnh); trưa làm việc với Sở LĐTBXH và Quỹ BTTE Hà Tĩnh; Chiều ra Vinh làm việc với Quỹ BTTE Nghệ An; xong việc, về đến Hà Nội đúng 0 giờ ngày 10/4/2021. Kết thúc một chuyến công tác không quá dài về thời gian nhưng đi nhiều nơi, làm nhiều việc và đạt hiệu quả cao.

Phong cách làm việc của một đơn vị Anh hùng: Đúng việc, đúng người, nhanh gọn, hợp lý...

Tôi không phải là người tỷ mẩn nhưng chuyến đi này khiến tôi ngạc nhiên vì tốc độ di chuyển và cường độ làm việc nên tôi ghi nhớ chi li. Từ lúc đi cho đến lúc về, tổng thời gian là 114 giờ đồng hồ; trong đó, ăn - nghỉ - ngủ khoảng 32 giờ, thời gian trên đường khoảng 35 giờ (quãng đường khoảng 2.100 km, chiều đi 1250, chiều về 850, tốc độ nhanh nhất 100km/h, chậm nhất 40km/h, tốc độ bình quân khoảng 60km/h), còn lại 47 giờ là làm việc. Như vậy, một ngày đoàn làm việc trên 9 tiếng đồng hồ. Ai cũng thấm mệt, nhất là hai tài xế, nhưng tất cả đều vui vẻ, phấn khởi.

Thời gian và cường độ làm việc đã gây ấn tượng rồi nhưng điều đáng nói nhất là hiệu quả công việc. Đoàn dừng lại làm việc ở 18 địa điểm. Nhà tài trợ, người viết sách, đoàn làm phim có cách tiếp cận riêng và làm công việc đặc thù của mình. Riêng lãnh đạo và cán bộ của Quỹ làm các đầu việc như sau: Trao đổi với Sở, Ủy ban huyện, Ban giám hiệu nhà trường; tặng quà, trao tiền cho các đơn vị; khảo sát địa điểm xây cầu, xây nhà nội trú; thăm và đánh giá hoạt động của các cơ sở đã xây dựng trước đây; gặp gỡ các em được nhận học bổng của Quỹ; kiểm tra, uốn nắn việc thực hiện Dự án "Sữa học đường", nghe và trả lời những đề xuất của Quỹ địa phương...

Bữa trưa của học sinh dân tộc bán trú xã Bảo Thắng

Do nắm vững chức năng, nhiệm vụ và tính đặc thù của Quỹ nên Ban Giám đốc xử lý các công việc nhanh, gọn, đúng. Ví dụ, trong 7 đề xuất hỗ trợ của Quỹ BTTE Hà Tĩnh, Giám đốc Hoàng Văn Tiến nhất trí thực hiện 6 điều (liên quan đến trẻ khuyết tật, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, trẻ tự kỷ; lắp đặt máy lọc nước, cụm vui chơi, bể bơi, sân bóng...), còn việc hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho các trường mầm non bị bác vì "đây là phần việc của ngành giáo dục".

Ai cũng biết tiền bạc, trang thiết bị, vật dụng... mà Quỹ trao tặng cho các cơ sở là do các nhà tài trợ đóng góp. Quỹ là người kết nối giữa những người muốn giúp đỡ và những người cần được giúp đỡ. Các nhà hảo tâm ở khắp mọi nơi luôn luôn mong muốn giúp đỡ những nơi khó khăn, thiếu thốn vật dụng, nhà ở, đồ chơi, đồ học tập... Song, họ ít có cơ hội trực tiếp làm điều đó, do vậy họ cần đến Quỹ BTTEVN. Nguyện vọng của họ là giúp đỡ đúng đối tượng và mọi thứ minh bạch. Quỹ BTTEVN đáp ứng được những yêu cầu này. Hơn thế nữa, Quỹ giải quyết mọi việc nhanh, gọn, hợp lý và có sức thuyết phục. Một chi tiết nhỏ nhưng chứng tỏ Quỹ hiểu đối tượng mà mình giúp đỡ là trẻ em, vì vậy, ngoài tiền bạc, đồ chơi, trang thiết bị..., trên xe của Quỹ luôn luôn có kẹo. Trẻ nhỏ thấy khách đến thăm và tặng kẹo thì vui mừng khôn xiết.

Niềm vui "Sữa học đường" của học sinh Trường TH Thanh Lạng (Tuyên Hóa, Quảng Bình)

Chỉ trong 5 ngày ngắn ngủi, tôi hiểu vì sao Quỹ BTTEVN được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Quỹ đã làm tốt sứ mệnh huy động nguồn lực trong xã hội để góp phần có ý nghĩa vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đi với Quỹ BTTEVN trọn vẹn trong một chuyến công tác 5 ngày qua miền núi của 5 tỉnh Bắc miền Trung, tôi càng hiểu rõ thêm thông điệp của Quỹ: "Tận tâm – Minh bạch – Kịp thời – Cùng tham gia". Thật ra, xây dựng thông điệp không đơn giản nhưng không quá khó; cái khó là phải thực hiện được thông điệp trên thực tế. Để làm tốt điều này, lãnh đạo và cán bộ của Quỹ phải năng động, nhiệt tình, yêu thương con trẻ và có sức khỏe dẻo dai. Quả tình, để có được những điều này, phải không ngừng rèn luyện, cả về tinh thần lẫn thể chất.

HỒ BẤT KHUẤT

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/lam-viec-voi-vi-the-tam-the-don-vi-anh-hung-20210419193624081.htm