Làm vườn trên ban công: 'Nhất giống, nhì đất, tam cần, tứ nắng'

Nhiều người cho rằng muốn làm vườn thì cần phải có đất rộng hoặc sân thượng cao. Trên thực tế, bạn vẫn có thể làm vườn ngay trên ban công chung cư nếu đủ đam mê và biết cách.

Sống trong một thành phố hiện đại như TP.HCM, rất nhiều người ước mơ có một khoảng vườn nhỏ để ngắm nhìn, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, thành phố đất chật người đông, rất nhiều người phải gác lại ước mơ làm vườn của mình vì không có khả năng. Trên thực tế, nếu biết cách, bạn vẫn có thể thỏa mãn đam mê cây cối của mình dù sống ở không gian nào.

Zing ghi lại chia sẻ của chị Kim Thoa, cô chủ của một "khu rừng nhỏ" trên ban công với đủ mọi loại cây khác nhau để tìm hiểu cách chị "xây" một khu vườn trên ban công chung cư có diện tích không lớn.

"Vườn ở chung cư khác khá nhiều với vườn dưới đất hay vườn ở sân thượng"

Cảm hứng trồng cây có trong tôi từ rất lâu, vì tôi sinh ra ở nông thôn, lớn lên cạnh thiên nhiên, có bố mẹ là nông dân. Sống tại TP.HCM nhiều năm, tôi luôn cố gắng đem cây cối vào không gian sống hay luôn tìm đến những nơi nhiều cây cối mỗi khi có dịp. Tuy nhiên, mãi đến khi sở hữu một căn nhà riêng, tôi mới thực sự có điều kiện để tạo nên một khu vườn riêng như ý của mình.

Theo tôi thấy, vườn ở chung cư khác khá nhiều so với vườn dưới đất hay vườn ở sân thượng. Khác biệt lớn nhất là diện tích và ánh nắng.

Đa phần diện tích ban công ở chung cư tại Việt Nam khá nhỏ, hạn chế về số lượng cây trồng cũng như khả năng trồng các cây cao hoặc tán rộng. Để khắc phục hạn chế trên, tôi thiết kế trước trong đầu hoặc vẽ ra giấy về khu vườn mình muốn. Bên cạnh thay kệ gỗ bằng giàn leo, tùy loại cây tôi sẽ trồng 2 cây một chậu hoặc đặt chậu bé lên các chậu lớn để vừa đẹp vừa đỡ choán chỗ.

Ngoài ra, nếu cây ở vườn mặt đất đa phần có thể nhận 100% ánh nắng thì vườn ban công nhận được ít ánh nắng hơn, tùy vào hướng nhà. Các hướng nhà Đông và Tây sẽ cho nắng nhiều hơn và thích hợp cho việc trồng cây hơn. Thường cây chơi hoa hay cho trái sẽ cần nắng nhiều nên tôi để ở các góc đón nắng. Cây chơi lá, gia vị sẽ ưa râm thì tôi để ở dưới hay góc khuất nắng.

Khu vườn trên ban công của chị Thoa không khác khu vườn ngoài tự nhiên là bao với nhiều loại cây khác nhau, từ cây gia vị, cây hoa, cây cảnh và cả cây ăn trái. Ảnh: NVCC.

Khu vườn trên ban công của chị Thoa không khác khu vườn ngoài tự nhiên là bao với nhiều loại cây khác nhau, từ cây gia vị, cây hoa, cây cảnh và cả cây ăn trái. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, hệ thống tưới và thoát nước của mỗi căn hộ chung cư cũng là 2 điểm gây khó khăn khác cho việc làm vườn trên ban công.

Đa phần hệ thống thoát nước ở ban công chung cư được thiết kế nhỏ, dễ bị tắc nếu để lá cây, đất bám vào khi làm vườn. Ban đầu, tôi thường xuyên gặp tình huống này. Sau khi rút kinh nghiệm, tôi năng nhặt lá, cành cây khô để không bị rơi xuống chặn cống. Ngoài ra, tôi cũng mua thêm các đĩa lót cho chậu cây để đất không chảy ra ngoài khi tưới làm tắc cống. Khi sắp đặt các chậu cây, tôi cũng chừa các vị trí trống để có thể dọn vệ sinh cống thường xuyên hay có thể dễ dàng xử lý khi bị tắc.

Yếu tố thứ 2 là thường ban công chung cư ít có sẵn vòi nước để tưới cây mà phải lấy nước từ khu vực khác. Tôi đã phải sắm một đường ống dây tưới dài nối từ vòi nước ở khu vực giặt đồ sang vườn. Khi tưới cây, mọi người cũng nên chú ý tưới làm sao để nước không chảy ra ngoài, ảnh hưởng đến các căn hộ tầng dưới hoặc những người ở dưới sân chung cư.

"Nhất giống, nhì đất, tam cần, tứ nắng"

Theo tôi, quy tắc "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" được đưa ra từ thời "ông bà ta", việc làm nông hiện nay cũng đã thay đổi nhiều nên quy tắc này không còn phù hợp nữa. Với vườn chung cư thì nguyên tắc này lại càng phải cải tiến lại. Riêng tôi, nếu được sắp xếp lại, tôi sẽ chọn: Nhất giống, nhì đất, tam cần, tứ nắng.

Với tôi, trước tiên phải có giống tốt thì mọi công sức chăm bón của mình mới hiệu quả. Cây mua về nếu đã èo uột, được kích phân để bán xong rồi mất sức thì chăm kiểu gì cũng không lại. Tôi thấy đa phần cây trồng ở chung cư sinh trưởng kém, dễ chết là do mọi người mua phải giống không đủ khỏe.

Theo chị Thoa, trồng cây trên ban công chung cư cần giống khỏe, đất tốt, sự cần cù và hướng nắng thuận. Ảnh: NVCC.

Sau đó, đất (đã trộn phân) chính là yếu tố nền tảng để cây sinh trưởng. Đất trồng cây ở thành phố nói chung, trên ban công nói riêng thường là đất trộn, ít dinh dưỡng nên khi trồng cây sau một thời gian cần lưu ý thay đất, bổ sung phân bón thường xuyên để tránh cây chậm lớn.

Chuyên cần là yếu tố tiếp theo. Cần cù ở đây không phải là kiểu “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” như ngày xưa mà là phải chăm bón cây thường xuyên, quan sát chúng mỗi ngày để điều chỉnh lượng nước, ánh nắng, sâu bệnh… Và tôi tin là khi bạn thực sự yêu cây, tình yêu và năng lượng đó cũng truyền sang khiến cây cối tươi tốt hơn.

Yếu tố nắng tuy khá quan trọng nhưng tôi xếp cuối cùng vì tôi thấy có những khu vườn ban công thậm chí không có nắng vẫn có thể sinh trưởng tốt vì đã có đủ 3 yếu tố trên. Vậy nên, đừng lo lắng quá nếu chung cư nhà bạn không đủ hoặc quá nhiều nắng. Nếu đã chọn được giống cây phù hợp, đất tốt và chăm bón đầy đủ, yếu tố ánh nắng có thể xử lý được. Riêng ban công nhà tôi may mắn nằm hướng Đông Bắc, đón nắng sáng trong khoảng thời gian 7-10h, khá phù hợp cho cây cối phát triển.

"Khu vườn và việc làm vườn dạy tôi nhiều thứ"

Tôi không chỉ yêu mà thực sự biết ơn khu vườn - khu rừng nhỏ trên ban công của mình. Không chỉ giúp tôi luôn thấy được thư giãn, chữa lành, nó còn khiến tôi có thể quên đi hết mọi mệt mỏi, bực dọc, căng thẳng, lo âu.

Đặc biệt suốt 6 tháng TP.HCM giãn cách xã hội, tôi gần như không ra khỏi nhà, khu vườn chính là thứ đã cứu rỗi tôi. Tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái với việc ở nhà, chăm sóc vườn, nấu ăn và làm việc mà không hề cảm thấy bức bối, nhàm chán. Tôi thậm chí còn nói chuyện với cây như đang nói chuyện với thú cưng.

Khu vườn và việc làm vườn cũng dạy tôi nhiều thứ.

Nhờ làm vườn, tôi thấy mình kiên nhẫn hơn, bình tĩnh hơn khi có những cây chăm sóc suốt 6 tháng trời vẫn không cho hoa, định bỏ đi thì ra hoa và nở suốt 6 tháng còn lại. Tôi cũng học cách quan sát, quan tâm một cách chân thành vì cây không biết nói, lại thay đổi chậm. Chúng ta cần phải thật sự để tâm và yêu cây cối đủ nhiều để nhận ra những chuyển biến của nó và có phương pháp chăm sóc, xử lý kịp thời.

Cây cũng dạy tôi về sự cộng hưởng. Tôi nhận ra nếu cây đứng riêng lẻ sẽ không khỏe như khi chúng được ở gần nhau tạo thành một hệ sinh thái. Hay chuyện "hồi sinh" cây lựu từ khô quắt đến khi chuẩn bị thu hoạch mùa quả đầu tiên cũng dạy tôi về sức sống. Một cái cây khô chỉ cần được chăm sóc đúng cách không những khỏe mà còn khỏe hơn rất nhiều lần, như một số cây mùa đông rụng lá là để dành sức cho mùa xuân về sẽ cho hoa và trái.

Cây lựu trên ban công nhà chị Thoa cao trên 2m, sau khi "hồi sinh" hiện tại đã ra hoa và cho trái. Ảnh: NVCC.

Đa số mọi người khi nghĩ về vườn, người ta sẽ nghĩ cần phải có đất thật rộng, phải là sân thượng hay dưới đất. Nhưng theo tôi, một khu vườn có thể hình thành bằng cách nào đó mà không cần phải chờ đợi đủ điều kiện quá lý tưởng.

Không biết trong tương lai, tôi sẽ sống như thế nào, ở đâu, nhưng vườn chắc chắn là một yếu tố không thể thiếu trong ngôi nhà của tôi. Tôi luôn thích việc làm nhà và làm vườn, nên nếu có chuyển đi nơi khác, việc bắt đầu một khu vườn mới không phải một thử thách mà là một niềm vui với tôi, vì vườn luôn ở trong tim tôi rồi.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-vuon-tren-ban-cong-nhat-giong-nhi-dat-tam-can-tu-nang-post1316163.html