'Đi chợ giúp dân' ở các khu phong tỏa tại TP.HCM

Để hỗ trợ người dân trong khu vực đột ngột bị phong tỏa do có ca mắc Covd-19, nhiều địa phương ở TP.HCM đã triển khai mô hình 'đi chợ giúp dân'.

Những hoạt động ý nghĩa này đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp ổn định tâm lý và đời sống cho người dân ở các khu phong tỏa.

Đã hơn 13 ngày nay, bà Nguyễn Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ phường 3, quận Gò Vấp luôn bận rộn. Mỗi ngày, bà lại tất bật đi chợ để mua thực phẩm, nhu yếu phẩm giúp cho bà con trong 7 con hẻm bị phong tỏa trên địa bàn phường 13, quận Gò Vấp.

Bà Trần Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội LHPN phường 3, quận Gò Vấp đi chợ giúp cư dân khu phong tỏa.

Bà Trần Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội LHPN phường 3, quận Gò Vấp đi chợ giúp cư dân khu phong tỏa.

Đây là công tác mà bà Loan cùng với các hội viên hội phụ nữ phường đã triển khai ngay từ ngày đầu tiên hẻm 415 Nguyễn Văn Công bị cách ly. Mỗi ngày bà con trong các khu phong tỏa sẽ ghi lại những món cần mua rồi chụp lại và gửi cho bà Loan. Sau đó, bà Loan và các chị em hội phụ nữ ở ngoài sẽ phân công nhau đi mua, khi thì ổ bánh mì, khi thì bó rau, bao gạo, cân thịt, thậm chí cả đổi gas, đổi nước...

Cùng với đó, bà Loan cùng các cán bộ đoàn thể tại địa phương còn tiếp nhận, phân phát hàng hóa từ các mạnh thường quân đến các chốt phong tỏa để gửi vào cho bà con. 13 ngày làm công tác này, dẫu vất vả, bận rộn nhưng bà Loan luôn thấy hạnh phúc vì có thể góp sức cùng địa phương giúp bà con trong các khu phong tỏa ổn định đời sống sinh hoạt và an tâm thực hiện cách ly theo chỉ đạo của thành phố.

“Các chị trong khu vực cách ly viết ra những gì cần rồi chụp và gửi qua group zalo. Tiền thì họ bỏ vào bao. Khi chúng tôi nhận được thì chúng tôi đeo găng tay vào, xịt khuẩn tiền rồi đi mua cho bà con. Mình cũng mong là ổn định được an ninh trật tự ở các khu phong tỏa và bà con yên tâm thực hiện cách ly” - bà Loan nói.

Chị em phụ nữ trong và ngoài khu phong tỏa giúp nhau đi chợ.

Nhận được những phần quà tiếp tế thiết thực và đặc biệt là được hỗ trợ đi chợ giúp, cư dân ở trong các khu phong tỏa vô cùng yên tâm. Hơn lúc nào hết, họ cảm nhận được tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Bà Lý Hứa Trân Châu - một người dân ở trong con hẻm bị phong tỏa 415 Nguyễn Văn Công bày tỏ: “Tự nhiên bị phong tỏa thì cũng hơi hoang mang nhưng qua ngày hôm sau là đã nhận được sự giúp đỡ của phường và các chị em trong Hội liên hiệp phụ nữ nên dân ở đây cũng bớt lo. Mì, gạo, thịt, rau củ quả, sữa... đầy đủ. Nói chung là tất cả khu phố đều rất cảm động. Sau 12 ngày sống trong khu phong tỏa mình cảm nhận được rõ tình cảm của các cấp lãnh đạo dành cho dân như thế nào”.

Tương tự tại phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức - nơi đang có khá nhiều khu vực bị phong tỏa, mô hình “đi chợ giúp dân” cũng đang được triển khai khá hiệu quả. Là địa bàn có nhiều khu trọ công nhân, có thời điểm cách ly tại địa phương lên tới 900 người nên việc phục vụ bà con khá vất vả, tuy nhiên bà Trần Thị Thu Hoài - Chủ tịch UBND phường Tăng Nhơn Phú A cho biết các cán bộ của phường đều đồng lòng san sẻ và tham gia tích cực vào công tác “đi chợ giúp dân”.

“Phường thực hiện hằng ngày và gần như 24/24 luôn. Tại vì có những trường hợp người dân trong khu phong tỏa bị sốt, đau bụng, cần mua thuốc thì anh em cán bộ tiếp nhận và xử lý luôn” - bà Trần Thị Thu Hoài nói.

Các đoàn viên của phường Bình Thọ, TP Thủ Đức đi mua bánh mì giúp người dân khu phong tỏa.

Còn tại phường Bình Thọ, TP.Thủ Đức thì những ngày qua, các tiểu thương ở chợ đã rất quen thuộc với màu áo xanh của các bạn đoàn viên đi chợ giúp dân. Họ đón tiếp những tình nguyện viên này rất niềm nở bởi biết được ý nghĩa công việc mà các bạn trẻ đang làm.

Chị Bùi Thị Oanh Tiếng - Bí thư Đoàn Thanh niên phường Bình Thọ, TP.Thủ Đức cho biết: “Khi chúng tôi đi chợ thì một số tiểu thương trong chợ cũng biết là các bạn đoàn viên này đi chợ giùm nên các cô chú cũng nhiệt tình hỗ trợ, ví dụ như lựa những đồ ngon cho tụi mình, rồi bán đúng giá để khi tụi mình gửi lại các hóa đơn cho người dân khu phong tỏa thì họ cũng yên tâm gửi lại tiền đi chợ. Mình chỉ nhận hình thức chuyển khoản, còn nhà nào không chuyển khoản được thì sẽ để nợ lại đến khi hết phong tỏa thì người dân gửi lại”.

Phong tỏa, cách ly các khu dân cư khi phát hiện ca nhiễm là điều bắt buộc phải triển khai để khoanh vùng, dập dịch và hạn chế lây lan ra cộng đồng. Trong tình hình đó, việc đảm bảo đời sống cho bà con trong các khu phong tỏa như công tác "đi chợ giúp dân" cũng là điều rất cần thiết, bởi chỉ khi đời sống được đảm bảo thì cư dân mới yên tâm và phối hợp cùng chính quyền ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh./.

Minh Thắm, Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/di-cho-giup-dan-o-cac-khu-phong-toa-tai-tphcm-864564.vov