Lần bại trận của đạo diễn 'Avatar'

Mang đến một câu chuyện sống động đậm đặc yếu tố giải trí, bộ phim chuyển thể 'Alita' của đạo diễn danh tiếng vẫn phải ngậm ngùi nhận về thất bại phòng vé một cách đầy khó hiểu.

Không nghi ngờ gì khi kết luận, James Cameron là một phù thủy bậc thầy, một "cỗ máy in tiền" của kinh đô điện ảnh Hollywood. Vị đạo diễn tài hoa sở hữu gia tài phim ảnh đồ sộ đáng mơ ước với hàng loạt bom tấn thống trị màn ảnh thế giới như Aliens, Titanic, Avatar hay Terminator,... Gặt hái thành công vang dội với tổng doanh thu phòng vé 2 tỷ USD ở thị trường Bắc Mỹ và 6 tỷ USD toàn cầu, Cameron cũng từng gặp phải thất bại nặng nề trong một tác phẩm viễn tưởng hợp tác cùng đồng nghiệp Robert Rodriguez.

Bản chuyển thể làm hài lòng vị khán giả khó tính

Khi nói tới việc vạch ra kế hoạch tỉ mỉ để hiện thực hóa một ý tưởng phim, James là một ví dụ điển hình với tầm nhìn vượt trước cả thời đại. Ông được đánh giá thuộc tuýp đạo diễn kén chọn trong khẩu vị điện ảnh, luôn khắt khe và chắt lọc những tác phẩm mà mình sẽ tham gia.

Điều này chính là nguyên nhân dẫn tới các dự án của James đôi khi bị gác lại cho đến khi vị đạo diễn khó tính lựa chọn được loại hình công nghệ phù hợp để hiện thực hóa chúng. Đơn cử, Alita: Battle Angel, chuyển thể từ cuốn manga Gunnm nổi tiếng của Nhật Bản, phải mất tới tận 2 thập kỷ để có thể ra mắt trên màn ảnh.

Cụ thể, việc đưa Gunnm ra mắt khán giả hâm mộ được Cameron ấp ủ từ đầu thập niên 2000, với công tác biên kịch và đạo diễn do chính ông thực hiện. Tuy nhiên, dự án liên tục bị đình trệ do vị đạo diễn bị cuốn vào vòng xoáy bận rộn của việc thực hiện Avatar, cũng như các phần hậu truyện sau khi bom tấn đình đám này ra mắt hồi cuối năm 2009.

Tuy nhiên, Cameron đã nhờ đến người bạn tri kỷ Robert Rodriguez của mình để chỉ đạo dự án khổng lồ có kinh phí cao này, bao gồm 186 trang bản thảo và cả 600 trang ghi chú. Mặc dù bộ đôi sở hữu phong cách đạo diễn và thẩm mỹ điện ảnh hoàn toàn khác biệt, tác phẩm viễn tưởng Alita: Battle Angel cuối cùng vẫn trở thành hiện thực sau khi Rodriguez có thể chuyển thể kịch bản “khó nhằn” của James một cách thành công.

Không cố gắng để gây ấn tượng với các giám đốc điều hành hãng phim, mục tiêu duy nhất của Robert Rodriguez là làm cho đứa con tinh thần ấp ủ của người bạn thân trở nên sống động đa chiều với việc tạo ra một câu chuyện mang lại nhiều cảm xúc. Mặc dù số phận của bộ phim phụ thuộc nhiều vào phản ứng của khán giả với các tuyến nhân vật, Rodriguez lại ưu tiên tập trung vào việc giải quyết những khúc mắc của cốt truyện tuyến tính theo đúng ý đồ ban đầu giữa ông và Cameron.

"Chúng tôi đã khá lo lắng về việc làm thế nào để tất cả trở nên hòa hợp. Cả hai thống nhất giữ nguyên ý tưởng rằng Alita không hoàn toàn là con người. Bởi vì chỉ khoảng vài năm trước đây thôi, chúng tôi thậm chí còn chưa thể tạo hình cho cô ấy giống như hiện tại. Tôi không làm phim này cho hãng Fox mà là vì James. Chúng tôi là bạn chí cốt của nhau. Vì vậy nếu yêu thích điều gì, cả hai sẽ cùng nhau thực hiện điều đó. James như thể một Terminator (kẻ hủy diệt) đồng hành và bảo vệ tôi vậy”, Rodriguez chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với The Irish Times.

Có sự hậu thuẫn vững chắc từ người bạn dạn dày kinh nghiệm và một lý tưởng làm phim độc lập có phần “bảo thủ”, tác phẩm viễn tưởng chuyển thể được ra mắt đã thỏa mãn những “thượng đế của màn ảnh” với màn trình diễn hình ảnh, âm nhạc xuất sắc.

Alita: Battle Angel là sự tôn kính của Rodriguez đối với di sản của Cameron trong việc làm phim. Đó còn là một tác phẩm của tình yêu, sử dụng cảnh tượng ngoạn mục để kể một câu chuyện về thế giới phản địa đàng (dystopia) đầy cảm động”, tờ slashfilm nhận định.

Nghịch lý giải trí - nghệ thuật

Lấy bối cảnh thế giới tương lai trong kỷ nguyên hậu tận thế, bộ phim xoay quanh câu chuyện về Alita (Rosa Salazar thủ vai) bị bỏ rơi tại một bãi rác khổng lồ. May mắn thay, cô được tiến sĩ Ido (Christoph Waltz) phát hiện và đưa về chữa trị. Sau khi tỉnh lại, Alita bị mất toàn bộ ký ức và bắt đầu chuyến hành trình tìm lại quá khứ của bản thân mình.

 Phải sau 2 thập kỷ, khán giả mới được chứng kiến Alita trên màn ảnh rộng.

Phải sau 2 thập kỷ, khán giả mới được chứng kiến Alita trên màn ảnh rộng.

Không thể phủ nhận, kỹ xảo trong phim gây ấn tượng rất mạnh mẽ. Tạo hình nhân vật chính vẫn giữ được sự trung thành với bộ manga gốc cùng đôi mắt to tròn, long lanh trên khuôn mặt lém lỉnh. Alita là robot nhưng lại có biểu cảm đa dạng dưới nhiều cảnh quay cận cảnh (closeup shot) và đặc tả, minh họa chi tiết sự thay đổi dù chỉ là nhỏ nhất trên nét mặt cô nàng. Để làm được điều này mà không khiến cho hình ảnh đồ họa xa rời thực tế, đoàn làm phim đã phải sử dụng Performance Capture thay vì Motion Capture, kết hợp giữa công nghệ CGI phức tạp và diễn xuất thật của diễn viên để tái hiện toàn bộ cơ thể, chuyển động, biểu cảm của nhân vật.

Alita: Battle Angel gây phấn khích cho khán giả với các bộ đồ Cyborg của tương lai, vũ khí tuyệt vời như lưỡi kiếm Damascus hay các môn thể thao mạo hiểm như Motorball. Dưới bàn tay của Rodriguez, người chuyên trị những tác phẩm hành động đẫm máu như From Dusk Till Dawn (1996), Sin City (2005), Planet Terror (2007)..., không ngạc nhiên khi bộ phim đem lại nhiều phân cảnh hành động, chặt chém đặc sắc, mãn nhãn.

Tuy nhiên, Alita mới là trái tim của bộ phim, và mối quan hệ giữa cô với các nhân vật khác đã cung cấp cho câu chuyện cyberpunk tưởng chừng khô khan một góc cạnh khá cảm xúc. Rodriguez đã hiện thực hóa những gì mà Cameron nung nấu: sử dụng công nghệ để tạo ra những thế giới kỳ ảo nhưng không hề trống rỗng bởi sự góp mặt của hệ thống nhân vật là hạt nhân cốt truyện. Theo dõi Alita, khán giả chứng kiến sự tổng hòa của nhiều phân cảnh đáng nhớ trong các tác phẩm điện ảnh từ trước tới nay, từ Ready Player One, 2049, Wonder Woman cho tới Harry Potter, Tron Legacy hay Mortal Engines.

Mất đến hai thập kỷ phát triển với kinh phí sản xuất khủng lên đến 170 triệu USD, bộ phim là dự án chuyển thể từ truyện tranh Nhật Bản đắt đỏ và dài hơi bậc nhất. Dưới sự nhào nặn đầy tâm huyết của cặp đôi đạo diễn danh tiếng, khán giả đặt kỳ vọng đây sẽ là dự án bom tấn áp đảo tại phòng vé thế giới.

Tuy nhiên, thực tế chứng minh, lịch sử điện ảnh Hollywood không mấy mặn mà với các tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh hay hoạt hình Nhật Bản. Đa số các tác phẩm này đều thất bại trong ngậm ngùi như Guyver (1991), Requiem for a Dream (2000), Dragonball: Evolution (2009) hay Death Note (2017). Và Alita cũng không phải ngoại lệ.

Alita gặp phải thất bại phòng vé đầy tiếc nuối.

Bất chấp đồn đoán và kỳ vọng trở thành bom tấn giải trí bùng nổ dịp đầu năm, phim vỏn vẹn mang về 405 triệu USD doanh thu phòng vé, chỉ "vừa đủ" để NSX thu hồi vốn. Mang đậm giá trị giải trí, nhưng tác phẩm lại trở thành "bom xịt" nhà Fox vì không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía khán giả. Về mặt chuyên môn, giới phê bình cũng nổ ra tranh cãi với nhiều ý kiến cho rằng, Alita quá ôm đồm với các tuyến nhân vật hời hợt trên một cốt truyện thiếu sáng tạo. Thời lượng không dài nhưng khai thác chủ đề lớn cùng hệ thống sự kiện dày đặc, nội dung phim còn xuất hiện lỗ hổng logic và cái kết hụt hơi khi thiếu vắng "những giá trị nghệ thuật" đem tới cho khán giả.

“Cái tôi” có phải thứ biến bom tấn thành bom xịt

Thật lạ kỳ khi giữa một thị trường dày đặc những bom tấn và phim độc lập, truyền thông lại gieo kỳ vọng “giá trị nghệ thuật” ở một tác phẩm thuần giải trí. Dẫu biết đó là yếu tố nâng tầm và giúp các đạo diễn tránh khỏi cái bẫy làm phim sáo rỗng, sự khắt khe quá mức với một kịch bản tuân thủ nguyên tác truyện tranh là mồ chôn của những tác phẩm chuyển thể.

Nỗ lực của Rodriguez xứng đáng được ghi nhận vì đã hiện thực một dự án dang dở và hơn ai hết, ông hiểu rõ ý niệm của Cameron đối với Alita như một bộ phim hành động cyberpunk tâm huyết. Vì Cameron rất khắt khe trong việc tìm ra loại công nghệ phù hợp, Rodriguez đã cố gắng hết sức để tạo nên một tác phẩm hòa hợp khẩu vị điện ảnh tưởng chừng khác biệt giữa hai người.

Bộ phim in đậm phong cách làm phim cá nhân của James và Rodriguez.

Tất nhiên, ảnh hưởng “cái tôi” ngông cuồng của Cameron cũng tác động vào óc thẩm mỹ sáng tạo của người bạn, giúp đánh bóng tiền đề đầy tham vọng của bộ phim thành một dự án khả thi. Bỏ qua những lùm xùm thất bại khó hiểu tại phòng vé, Rodriguez vẫn coi Alita là đứa con tinh thần độc lập được kết tinh dựa trên quan điểm làm phim cá nhân của mình dưới ảnh hưởng phong cách của bộ óc vĩ đại James Cameron. Đó là lý do giải thích cho việc ông không làm theo "những mô hình phim điển hình của Hollywood", mà gần như bỏ qua việc lồng ghép yếu tố nghệ thuật để có những cảnh tượng ngoạn mục tuyệt đối.

"Jim (Cameron) xuất phát điểm cùng nơi tôi sống, cùng làm phim giống như tôi. Chỉ là anh ấy đã mở rộng khám phá và lấn sân sang những miền đất lạ. Anh ấy không làm những bộ phim dập khuôn điển hình của Hollywood. Hãy xem Titanic dành thời gian bao lâu cho các nhân vật trước khi bất kỳ ai đề cập đến một tảng băng trôi ... Vì vậy, đối với bộ phim này, tôi phải nghĩ như mình đang làm một bộ phim cho James Cameron, tôi không thể làm nó giống như một bộ phim của riêng Robert Rodriguez”, ông chia sẻ.

Dễ thấy, chính sự ngưỡng mộ và tôn sùng tuyệt đối James Cameron là động lực truyền lửa cho Rodriguez viết tiếp câu chuyện về cô nàng người máy nhân sinh này. Thất bại doanh thu phòng vé không đồng nghĩa với việc đây là một bộ phim kém chất lượng hay cẩu thả.

Khán giả yêu thích manga chắc hẳn sẽ nhận thấy sự nỗ lực của họ trong việc sáng tạo và truyền tải một khối lượng kịch bản đồ sộ tới như vậy. Có chăng, “cái tôi” cao ngút trời của bộ đôi đạo diễn khi không chịu thỏa hiệp với truyền thông và khán giả là yếu tố khiến cho bộ phim chưa được lòng phần lớn công chúng. Bởi một lý do hết sức khôi hài, vị khán giả mà Alita: Battle Angel muốn gây ấn tượng chỉ có một, không ai khác ngoài James Cameron!

Tống Khang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lan-bai-tran-cua-dao-dien-avatar-post1357137.html