Lần đầu công bố gần 100 văn bản 'bút tích vua phê' về Đà Nẵng

UBND huyện Hoàng Sa và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức Triển lãm 'Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới châu bản triều Nguyễn'

Triển lãm "Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới châu bản triều Nguyễn" giới thiệu gần 100 văn bản lưu hình dấu và bút tích vua phê.

Chiều 24/3, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I khai mạc triển lãm "Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới châu bản triều Nguyễn" tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Triển lãm được chia thành 3 phần, gồm Vịnh cảng vùng biển Đà Nẵng - Vị thế giao thương quan trọng thời Nguyễn; Hoạt động đảm bảo an ninh vùng biển Đà Nẵng – Quảng Nam thời Nguyễn; Thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa thời Nguyễn.

Triển lãm "Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới châu bản triều Nguyễn" diễn ra từ ngày 24/3 đến hết ngày 31/3 tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng).

Dưới triều Nguyễn, vùng biển Đà Nẵng có vai trò đặc biệt quan trọng vì “có vụng biển lớn, vừa rộng vừa sâu có thể chứa được hàng ngàn thuyền ghe, phía ngoài có núi che, không phải lo về sóng gió”. Do đó, các thuyền vận tải công, thuyền tuần tra, thuyền đánh cá và thuyền buôn các nước thường vào cửa biển này trú ẩn khi qua hải phận gặp phải gió lớn.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng có vị trí cách Kinh đô không xa nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển, liên lạc, quản lý và kiểm soát của triều đình Huế. Vì vậy, vua Minh Mạng lệnh cho “phàm thương thuyền các nước Tây dương đến buôn bán chỉ được đậu ở cửa biển Đà Nẵng”.

Đồng thời, cảng biển này cũng là nơi ngoại giao không chính thức đối với các nước phương Tây của nhà Nguyễn và thường là điểm cập bến của các thuyền ra nước ngoài công vụ trở về.

Nhìn nhận Đà Nẵng là nơi “hải cương trọng địa”, “địa đầu quan yếu” nên triều đình Nguyễn đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống phòng thủ ở vùng biển này. Ban đầu, triều đình cho xây dựng các thành đài Điện Hải, An Hải, Định Hải, Phòng Hải, sau lại xây đắp thêm các đồn bảo Trấn Dương và nhiều công trình phòng thủ khác.

Ở mỗi công trình đều được trang bị đầy đủ các hạng vũ khí, súng pháo, đại bác và nhanh chóng được tăng viện binh lính khi cần thiết. Bên cạnh đó, nhà Nguyễn cũng dành nhiều quan tâm và tổ chức thao diễn trên biển, luyện tập bắn pháo, đại bác ở vùng biển này.

Hệ thống phòng thủ và các hoạt động tuần tra, kiểm tra, thao diễn, cứu hộ trên vùng biển Đà Nẵng là chính sách kinh tế, quân sự, an ninh, quốc phòng rất thiết thực của nhà Nguyễn. Những nội dung này đều được phản ánh chân thực trong sử liệu châu bản triều Nguyễn.

Triển lãm công bố lần đầu gần 100 văn bản lưu hình dấu và bút tích vua phê là những sử liệu tín thực góp phần làm sáng tỏ vai trò, vị thế của vùng biển Đà Nẵng trong lịch sử và nhiều thông tin giá trị tới công chúng.

Bên cạnh những tư liệu về châu bản triều Nguyễn, triển lãm cũng giới thiệu những hình ảnh về một thành phố biển xinh đẹp, về hình ảnh những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm giữ vững biển trời. Cùng với đó là hình ảnh của những ngư dân vùng biển đang nối tiếp truyền thống vươn khơi bám biển với những chuyến dong thuyền, thả lưới, giăng câu nơi biển khơi.

Triển lãm diễn ra từ ngày 24/3 đến hết ngày 31/3 tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa, (đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lan-dau-cong-bo-gan-100-van-ban-but-tich-vua-phe-ve-da-nang-post631554.html