Lần đầu tiên công bố 'Nhật ký Nguyên Hồng'

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Nguyên Hồng (5/11/1918 - 5/11/2018), được sự đồng ý của gia đình nhà văn, NXB Trẻ chính thức xuất bản cuốn 'Nhật ký Nguyên Hồng'.

Cuốn sách dày hơn 600 trang khổ lớn. Bản thảo được chính con gái của ông là dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư và Nguyễn Thị Nhã Nam chọn lọc và hoàn thiện.

Lần đầu tiên, những trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Hồng được công bố. Những trang nhật ký của ông, từ 1941- 1982, hiển hiện cả một thời đại, sống động và chân thực. Đặc biệt, là đời sống văn nghệ của đất nước trong suốt hơn nửa đầu thế kỷ XX.

Đại diện NXB Trẻ cho biết, những trang nhật ký của ông, từ 1941 - 1982, hiển hiện cả một thời đại, sống động và chân thực. Đời sống văn nghệ của đất nước trong suốt hơn nửa đầu thế kỷ XX. Qua những trang nhật ký này, chúng ta có thể phần nào biết được các nhà văn thế hệ ấy, họ đã sống và viết như thế nào.

Con gái nhà văn Nguyên Hồng tiết lộ: “Nhật ký như là một phần cuộc sống của cha tôi. Ông viết hầu như là hàng ngày. Hay đúng hơn là hầu như mỗi sự kiện trong đời đều được ông ghi lại. Về gia đình, về các con, về người vợ thông minh nhưng gày yếu, về người mẹ hiền từ, về bạn bè văn chương, về công việc viết lách cũng như công tác đoàn thể, về những sự kiện lớn trong nước và quốc tế, về những nhân vật mà ông bỏ nhiều công sức tìm hiểu cũng như những con người mà ông gặp hàng ngày, về những ước mơ hay dự định”.

Nhà văn Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5/11/1918 tại Nam Định. Ông có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm của ông mang một tình cảm nhân đạo thống thiết. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn "Linh hồn", đến năm 1937, ông thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết "Bỉ vỏ". Tác phẩm là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những "con người nhỏ bé dưới đáy" như Tám Bính, Năm Sài Gòn...

Nhà văn Nguyên Hồng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng. Tháng 9 năm 1939, ông bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở căng Bắc Mê (Hà Giang) năm 1940. Năm 1943, ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

Năm 1947, ông đưa gia đình tản cư lên sinh sống tại xóm Cầu Đen, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và ông coi đây là quê hương thứ hai của mình. Ngày 2/5/1982, nhà văn đột ngột ra đi ở tuổi 64; cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là "Núi rừng Yên Thế". Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Trước đó, ngày 5/11 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp hợp với gia đình nhà văn Nguyên Hồng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyên Hồng (5/11/1918 -5/11/2018).

Cẩm Tú

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/lan-dau-tien-cong-bo-nhat-ky-nguyen-hong-d2058042.html