Lần đầu tiên cùng ghép giác mạc và lấy thủy tinh thể cứu bệnh nhân mù

Hai nữ bệnh nhân bị mù được cùng lúc ghép giác mạc (từ người hiến đã mất) và lấy thủy tinh thể để cứu họ thoát mù lòa thành công. Đây là một kỹ thuật khó, lần đầu tiên được Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện.

Sau 8 ngày ghép giác mạc từ người cho ngưng tim và lấy thay thủy tinh thể nhân tạo đến sáng nay ( 2.8) thị lực của bệnh nhân Bùi Thị H.(46 tuổi, ngụ Ninh Thuận) đã cải thiện được 1/10 và đang tiến triển rất tốt - Ảnh: PV

Ngày 2.8, bác sĩ Ngô Văn Hồng - Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hay bệnh viện vừa thực hiện thành công 2 ca phẫu thuật ghép giác mạc từ người cho ngưng tim và lấy thủy tinh thể để đặt thủy tinh thể nhân tạo cứu cả 2 bệnh nhân thoát mù.

Theo bác sĩ Hồng, nguồn giác mạc để ghép cho 2 bệnh nhân mù được lấy từ một bệnh nhân tim ngừng đập. Bệnh nhân này đã hiến 2 giác mạc của mình để để cứu 2 người mù lòa.

Ngay sau khi nhận được giác mạc hiến, các bác sĩ đã tiến hành chọn lọc bệnh nhân chờ ghép phù hợp và đã chọn được 2 nữ bệnh nhân bị mù là Bùi Thị H. (46 tuổi, ngụ Ninh Thuận, làm nghề buôn bán) và Trần Thị T. (63 tuổi, ngụ TP.HCM). Cả hai bệnh nhân này đều bị mù mắt trái do viêm loét giác mạc.

Bệnh nhân là Bùi Thị H. cách nay 15 năm bị viêm loét giác mạc mắt trái, đã điều trị, vết loét được sẹo hóa, thỉnh thoảng có những đợt viêm tái phát. Hiện tại mắt mờ chỉ thấy được bóng bàn tay. Bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị trong tình trạng sẹo giác mạc gần toàn bộ, đục thủy tinh thể.

Bệnh nhân Trần Thị T. bị sẹo giác mạc sau viêm loét giác mạc mắt bên trái đã hơn 10 năm. Năm 2015, bà được ghép giác mạc xuyên tại Bệnh Chợ Rẫy và mắt sáng, kéo dài gần 2 năm. Đến 10.2017, bà bị viêm loét giác mạc tái phát, đau nhức, mất thị lực và được điều trị tại Khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến tháng 7.2018, bà tiếp tục tìm đến bệnh viện vì mắt phải bị đục thủy tinh thể tiến triển, thị lực giảm; đồng thời mắt trái cũng bị sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể. Các kết quả chẩn đoán ghi nhận mắt trái của bệnh nhân bị sẹo trắng giác mạc gần toàn bộ.

Như vậy có thể thấy cả hai bệnh nhân được chọn ghép giác mạc từ người cho ngưng tim đều bị đục thủy tinh thể, buộc các bác sĩ phải lấy thủy tinh thể ra thay thủy tinh thể nhân tạo. Do đó, song song với việc ghép giác mạc, ê kíp phẫu thuật cùng lúc phải lấy thủy tinh thể để đặt thủy tinh thể nhân tạo mới giúp bệnh nhân thoát khỏi mù lòa.

“Ghép giác mạc xuyên cho những bệnh nhân bị giảm hoặc mất thị lực do sẹo giác mạc là phẫu thuật thường quy. Tuy nhiên, phẫu thuật lấy thủy tinh thể cùng lúc trong phẫu thuật ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân trên là một kỹ thuật khó; vì khi đó nhãn cầu là nhãn cầu hở, cần sự phối hợp tốt giữa bác sĩ gây mê và phẫu thuật viên. Phẫu thuật phối hợp vừa ghép giác mạc vừa lấy thủy tinh thể và đặt thủy tinh thể nhân tạo sẽ giúp cho bệnh nhân không trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và mang lại thị lực tốt nhất cho bệnh nhân”, bác sĩ Hồng chia sẻ và cho biết hiện bệnh nhân H. đã phẫu thuật được 8 ngày, thị lực của bệnh nhân này đã cải thiện được 1/10. Tình trạng sức khỏe bệnh nhân tốt, thị lực đang phục hồi ổn định. Riêng bệnh nhân T. đã phẫu thuật ghép giác mạc được 4 ngày, thị lực của bệnh nhân được cải thiện 1/10, sau 12 ngày thị lực cải thiện được 2/10, có thể nhìn thấy rõ khoảng cách trên 20m. Hiện thị lực đang dần cải thiện tốt.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/lan-dau-tien-cung-ghep-giac-mac-va-lay-thuy-tinh-the-cuu-benh-nhan-mu-93768.html