Lần đầu tiên ghép tim cho bệnh nhân cấy dụng cụ hỗ trợ

Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép tim cho người từng cấy tim nhân tạo.

Ca ghép tim này là một trong 4 ca ghép tạng được thực hiện vào ngày 14/5 tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Ca ghép tim này là một trong 4 ca ghép tạng được thực hiện vào ngày 14/5 tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Chỉ 3 tháng sau cuộc đại phẫu thuật diễn ra vào ngày 30 Tết, lấy - ghép 8 mô tạng và bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiến hành ca lấy - ghép đa tạng thứ hai trong năm 2024.

Người bệnh là nữ, 39 tuổi, quê Thanh Hóa. Đáng lưu ý, bệnh nhân này đã cấy tim nhân tạo bán phần cách đây 5 năm.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép tim cho người từng cấy tim nhân tạo. Ca ghép tim này là một trong 4 ca ghép tạng được thực hiện vào ngày 14/5 tại bệnh viện. Người hiến đã hiến 4 tạng gồm tim, gan và 2 thận để mang lại cuộc đời mới cho 4 người bệnh.

Trước đó, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn đa ngành xuyên đêm để xây dựng kế hoạch ghép tạng, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, thuốc cho các ca ghép sẽ được tiến hành tại bệnh viện.

Trong 4 ca ghép được tiến hành, ca ghép tim cho bệnh nhân đã cấy tim nhân tạo bán phần được đánh giá là phức tạp nhất.

Theo Thiếu tướng, BS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nguy cơ rủi ro của ca ghép tim cho nữ bệnh nhân từng cấy tim nhân tạo bán phần này là rất cao. Bệnh nhân được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối.

Là phẫu thuật viên chính của ca ghép tim, Đại tá, TS.BS Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực, cho biết: “Bệnh nhân sống hoàn toàn lệ thuộc vào máy. Nghĩa là nếu hệ thống ngừng hoạt động, bệnh nhân sẽ tử vong ngay”.

Chia sẻ về những khó khăn của ca phẫu thuật này, BS Ngô Vi Hải nói: “Khó khăn đầu tiên của ca ghép là bệnh nhân đã từng được mổ, cấy tim nhân tạo bán phần, do vậy tim sẽ rất dính. Khi mở ngực, nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ thủng, rách buồng tim gây chảy máu ồ ạt.

Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện tại Việt Nam. Do vậy, chưa đơn vị nào trong nước có kinh nghiệm. Chúng tôi đã rất thận trọng tính toán mọi tình huống và đưa ra giải pháp chiến thuật hợp lý để thực hiện ca mổ một cách an toàn”.

Theo Thượng tá, TS.BS Đặng Việt Đức, Phụ trách Phó Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, suy tim giai đoạn cuối là hậu quả cuối cùng của tất cả các bệnh lý tim mạch, 50% người bệnh sẽ tử vong sau 5 năm và phương pháp điều trị tối ưu nhất là ghép tim.

Tuy nhiên, thế giới cũng như Việt Nam, tim ghép vẫn luôn là bài toán khó do số lượng người hiến tim vô cùng ít. Vì đó rất nhiều người bệnh suy tim sẽ không có cơ hội chờ đợi may mắn đến với mình.

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lan-dau-tien-ghep-tim-cho-benh-nhan-cay-dung-cu-ho-tro-post684126.html