Lần đầu tiên 'Hán Sở diễn nghĩa' có bản dịch đầy đủ

Sáng 06/09, tại Nhà sách Cá Chép Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt bản dịch đầy đủ Hán Sở diễn nghĩa và giới thiệu bộ sách Hán Sở diễn nghĩa liên hoàn họa, với sự tham gia của dịch giả Châu Hải Đường, nhà báo Yên Ba và Võ Hoàng Giang.

Hán Sở diễn nghĩa vốn quen thuộc với độc giả Việt Nam qua bản dịch mang tên Hán Sở tranh hùng có tên gốc là Tây Hán diễn nghĩa hay còn gọi đầy đủ bằng tên Tây Hán thông tục diễn nghĩa, một trước tác của Chung Sơn cư sỹ Chân Vĩ. Được biết bản dịch đầu tiên của tác phẩm này đã ra mắt độc giả Việt Nam cách đây khoảng 100 năm và được nhiều thế hệ cũng như giới sưu tầm, nghiên cứu quan tâm tìm đọc.

Từ khi ra đời đến nay, tác phẩm đã được bạn đọc yêu thích dòng văn "diễn nghĩa" đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, tại Việt Nam, Hán Sở được chuyển ngữ nhiều lần bởi các dịch giả La Thần, Thanh Phong, Mộng Bình Sơn... Tuy nhiên, do quan niệm cũng như điều kiện dịch thuật, xuất bản của thời trước, nên đa số các bản dịch đều chưa hoàn toàn bám sát nguyên tác.

Những bản sách Hán Sở diễn nghĩa vởi bản dịch đầy đủ, minh họa hấp dẫn được ra mắt cùng lúc

Những bản sách Hán Sở diễn nghĩa vởi bản dịch đầy đủ, minh họa hấp dẫn được ra mắt cùng lúc

Với bản dịch Hán Sở diễn nghĩa của dịch giả Châu Hải Đường sẽ đưa độc giả trở về thời Tần mạt, chứng kiến cuộc tranh hùng trục lộc một mất một còn giữa Hạng Vũ và Lưu Bang, một bên "sức bạt núi, khí trùm đời", một bên dụng nhân như dụng mộc. Cùng với đó sẽ có đầy đủ 101 hồi trên tiêu chí tôn trọng nguyên tác với mong muốn giúp độc giả tiếp cận được "chân diện mạo" của tác phẩm; đồng thời ấn bản còn kèm lời tựa của chính Chân Vĩ, bản đồ Hán – Sở phân tranh và nhiều tranh minh họa sinh động mang đến một tâm thế mới mẻ khi thưởng sách: hiểu tác giả, tường địa thế....

Cũng trong dịp này, Đông A còn giới thiệu đến độc giả bộ sách Hán Sở diễn nghĩa liên hoàn họa gồm 6 tập, mua bản quyền từ NXB Mỹ thuật Nhân dân Thượng Hải. Bộ truyện này mang đến một cách tiếp cận khác giàu hình ảnh, giản lược, dễ hiểu; vừa có thể đọc riêng rẽ, vừa có thể xem như một phần minh họa tương hỗ cho Hán Sở diễn nghĩa. Qua những nét vẽ tỉ mỉ, lôi cuốn trong 875 bức tranh của các họa sỹ danh tiếng Trung Quốc, độc giả không chỉ "đọc truyện" mà còn được "xem truyện", "thưởng truyện", gặp gỡ nhân vật có dáng có hình, dự khán tình tiết mười phần sống động và có những trải nghiệm thú vị khi khám phá lịch sử qua ngôn ngữ hội họa.

Toàn cảnh buổi tọa đàm, ra mắt sách

Dịch giả Châu Hải Đường sinh năm 1974, là một dịch giả có vốn hiểu biết sâu sắc về Hán văn, cả cổ và hiện đại. Anh đã có nhiều dịch phẩm tạo tiếng vang trên văn đàn như: Đường Tống truyền kỳ, An Nam Truyện, Đông Chu liệt quốc liên hoàn họa, Phù sinh lục ký... cùng với các bản dịch tùy bút đương đại Trung Quốc. Đồng thời anh cũng là một người viết thư pháp Hán Nôm, đã tham gia nhiều triển lãm thư pháp trong và ngoài nước..

Tại buổi ra mắt sách, dịch giả Châu Hải Đường chia sẻ mình cũng là một người thích đọc văn học cổ của Việt Nam và Trung Quốc từ thời còn là học sinh, qua đó thấy được văn phong của thời đó như thế nào so với tác phẩm hiện đại, nhất là cách dùng từ, xưng hô, hành văn. Do đó, khi dịch văn cổ phải tạo được không khí của thời đại, ít nhất là thời xưa cũ để độc giả có thể hình dung, thấy được thời đó như thế nào, khác bây giờ ra sao.

Nói về những khó khăn khi dịch văn cổ, dịch giả này cho biết có nhiều chỗ rất khó và thách thức vì trong văn cổ lại có nhiều thư từ chiếu biểu mô phỏng thời Hán với lời văn cô đọng, nhiều điển tích cũ, phải vận dụng và có sự nghiên cứu nhất định, thậm chí có những chú thích ở dưới. Tuy nhiên ngay cả khi dịch thơ hay văn cổ, trước khi dịch tốt nhất không đọc bản dịch khác để không bị ảnh hưởng- dịch giả Châu Hải Đường cho biết.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/lan-dau-tien-han-so-dien-nghia-co-ban-dich-day-du-2019090615441714.htm