Lần đầu tiên Việt Nam cho phép công ty lữ hành lập hãng hàng không

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sau khi thẩm định dự án thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines của Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự án này đủ điều kiện để Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo Cục Hàng không, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, cơ quan này đã hoàn tất việc thẩm định Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam, theo đó dự án này không trái với quy hoạch, chính sách phát triển vận tải hàng không theo các quyết định của Thủ tướng.

Với gần 1 triệu lượt khách hàng mỗi năm, Vietravel được cho là đã có một lượng khách ổn định để đảm bảo cho các chuyến bay của mình, dự kiến được đưa vào khai thác vào quý II/2020. Vietravel Airlines sẽ chọn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Huế) làm sân bay căn cứ để không tạo áp lực lên các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Vietravel Airlines là hãng hàng không đầu tiên của một công ty lữ hành ở Việt Nam. Ảnh minh họa từ internet

Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho Vietravel Airlines, Vietravel cũng đã mua lại cổ phần Trường cao đẳng quốc tế KENT để tập trung đào tạo nhân lực chuyên ngành hàng không. Bên cạnh đó, Vietravel Airlines cũng đã làm việc với các tổ chức cung cấp nguồn nhân lực hàng không quốc tế để cung cấp nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không, đặc biệt là phi công, thợ bảo dưỡng tàu bay cho Vietravel Airlines.

Bên cạnh đó, Vietravel Airlines dự kiến sẽ tuyển dụng và gửi đi đào tạo các phi công cơ bản tại các cơ sở được Cục Hàng không Việt Nam công nhận hoặc chấp thuận. Nhân viên kỹ thuật, thợ bảo dưỡng tàu bay, tiếp viên, nhân viên mặt đất phục vụ chuyến bay, kế hoạch điều độ khai thác bay… sẽ tuyển dụng và đào tạo thông qua hệ thống đào tạo của trường Kent và các cơ sở đào tạo khác nhằm đảm bảo nguồn lực cho Vietravel Airlines khi đưa vào khai thác.

Dự kiến trong năm đầu tiên khai thác, Vietravel Airlines khai thác 3 máy bay Airbus 320/321 hoặc Boeing 737 hoặc tương đương, đến năm thứ 5 nâng tổng số máy bay khai thác lên 8 chiếc.

Tổng mức đầu tư ban đầu của Vietravel Airlines là 700 tỷ đồng được huy động 100% bằng vốn chủ sở hữu. Nếu huy động thành công thêm 700 tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu, tổng mức đầu tư của Vietravel Airlines sẽ tăng lên 1.400 tỷ đồng. Khi đó, Vietravel Airlines có thể đáp ứng quy định có vốn đăng ký từ 1.300 tỷ đồng, được phép khai thác trên 30 máy bay và có bay quốc tế.

Theo cơ quan quản lý hàng không, quy mô đội bay 3 chiếc vào năm 2020 và 8 chiếc vào năm 2024 của Vietravel Airlines nằm trong nhu cầu tăng trưởng đội máy bay của các hãng hàng không, phù hợp với quy hoạch.

Cục Hàng không đánh giá mô hình khai thác dự kiến của Vietravel Airlines cung cấp chuyến bay thuê chuyến (charter), phục vụ du lịch cần được khuyến khích vì hiện tại Việt Nam chưa có hãng nào cung cấp dịch vụ này.

Mô hình trên đang được khoáng 30 hãng hàng không và công ty du lịch trên thế giới áp dụng. Hiện có các công ty như Pegas (Thổ Nhỹ Kỳ), Nord Wind (Nga) khai thác theo mô hình này đến Việt Nam.

Dù vậy, cơ quan quản lý hàng không vẫn cho rằng mô hình này của Công ty Vietravel vẫn "tiềm ẩn khó khăn khi chọn mạng đường bay chủ yếu ở các sân bay thứ cấp" vì khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh.

Việc Vietravel lấn sân sang lĩnh vực hàng không gây xôn xao thị trường hàng không Việt Nam những ngày gần đây. Bởi, đây là đơn vị lữ hành đầu tiên xin thành lập hãng bay tại Việt Nam. Lâu nay, Vietravel là đơn vị thường xuyên cung cấp các tour đến các điểm đến độ, lạ, thu hút du khách bằng những chuyến bay thuê chuyến (charter) giúp du khách rút ngắn được thời gian di chuyển và tăng thêm thời gian trải nghiệm tại điểm đến. Chính vì vậy, nếu đơn vị này sở hữu trực tiếp một hãng bay sẽ tăng thêm nhiều cơ hội cho du khách yêu thích du lịch được đến những điểm đến hấp dẫn, thú vị trên thế giới.

Theo báo cáo tài chính quý II/2019, tại thời điểm 31/6/2019, tổng tài sản của Vietravel đạt 1.654 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả lên tới 1.435 tỷ đồng, gấp 6,5 lần vốn chủ sở hữu.

Nợ phải trả của Công ty phần lớn đến từ khoản mục phải trả người bán ngắn hạn và người mua trả tiền trước ngắn hạn là 1.052 tỷ đồng. Còn ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, phần lớn tài sản của Công ty là các khoản phải thu ngắn hạn với quy mô 957 tỷ đồng. Số dư tiền chỉ vào khoảng 240 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Vietravel chỉ đạt lần lượt là 1.368 tỷ và 235 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của công ty là các chi phí trả trước liên quan đến việc khai thác tour du lịch cùng các khoản phải thu khách hàng. Tương ứng ở phía bên nguồn vốn là các khoản phải trả người bán và người mua trả tiền trước.

Năm 2018, Vietravel đạt doanh thu hơn 7.300 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng chỉ có 54 tỷ đồng tức tỷ suất lợi nhuận chỉ hơn 0,7% dù đã cải thiện đáng kể so với các năm trước. Mức lợi nhuận của Vietravel thậm chí còn thua xa nhiều khách sạn 4-5 sao.

Trong năm 2017, Vietravel cán mốc doanh thu 6.189 tỉ đồng, trong đó 87% đến từ mảng dịch vụ du lịch lữ hành; 5% đóng góp từ vé máy bay, 6% từ dịch vụ khác và 2% từ hoạt động bán hàng hóa.

Lợi nhuận sau thuế của Vietravel trong năm 2017 là hơn 37 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước đó.

6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Công ty Vietravel đạt 3.606 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 26 tỷ đồng, chưa bằng một nửa của cả năm 2018.

Vietravel tiền thân là Trung tâm Tracodi Tour thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải (Tracodi). Công ty bắt đầu mang tên Vietravel từ năm 1995 và được cổ phần hóa vào năm 2014, chính thức không còn vốn nhà nước. Trụ sở chính được đặt tại 190 Pasteur, Phường 6, Quận 3, TP.HCM. Chủ tịch HĐQT của Công ty là ông Nguyễn Quốc Kỳ (sinh năm 1958).

Năm 1992, đơn vị này tách ra với 7 thành viên ban đầu cùng số vốn hơn 6 triệu đồng được quy đổi từ chiếc máy fax được tặng. Đứng đầu trung tâm khi đó là ông Nguyễn Quốc Kỳ trong cương vị Tổng giám đốc, Tracodi Tour khởi đầu với việc tổ chức cho du khách Nhật đến Việt Nam và thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh.

Cuối năm 1995, trung tâm Tracodi Tour chính thức phát triển thành doanh nghiệp độc lập, bắt đầu lấy tên Vietravel, trực thuộc Bộ GTVT.

Sau gần 20 năm phát triển, năm 2014 Vietravel chuyển sang mô hình công ty cổ phần, không còn vốn Nhà nước.

Năm 2015, Vietravel chính là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam thuê bao nguyên chuyến bay charter phục vụ khách du lịch.

Hiện tại, Vietravel hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh du lịch lữ hành nội địa, quốc tế; thuộc top đầu đưa khách du lịch trong nước và người Việt Nam ra nước ngoài. Công ty cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến du lịch bao gồm cả đưa đón và bán vé máy bay…

Lam Nguyên

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201908/lan-dau-tien-viet-nam-cho-phep-cong-ty-lu-hanh-lap-hang-hang-khong-638876/