Lần đầu tiên với La Maddalena

La Maddalena là tên gọi đầy nữ tính, mềm mại như một 'nàng thơ' của đất nước hình chiếc ủng tận miền Địa Trung Hải nắng gió. Từ Rome, mất gần 10 giờ vật vã vượt đường bộ lẫn đường biển, dung nhan của nàng hiện ra, nồng nàn, quyến rũ như mời gọi.

Nàng là một quần đảo đầy thơ mộng, cách đất liền một đêm đi tàu từ cảng Civitavecchia để đến Olbia, lắc lư thêm 1 giờ 3 phút nữa bằng xe buýt đến Palau của đảo Sardegna, cộng với 25 phút đi phà từ Palau, vậy là đặt chân đến La Maddalena trong sự ngỡ ngàng, ngơ ngác, và phấn khích.

Nhìn quanh, chỗ nào cũng long lanh đẹp, cứ như đang lạc vào một miền thiên đường cổ tích với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, trời trong. Và đặc biệt là nơi đây có vô số mỹ nhân, mỹ nam người bản địa trong trang phục đi biển mong manh, bé xíu, hừng hực nhựa sống, đẹp ngời ngời, lồng lộng trước nắng gió Địa Trung Hải.

Bến Cảng La Maddalena nhìn từ ngoài khơi

Tạm gác lại cơn đê mê sung sướng khi chạm vào vẻ đẹp của nàng trong lần gặp đầu tiên, việc cần làm ngay trước khi ánh hoàng hôn tắt hẳn, ấy là tìm cách liên hệ cho ra vị chủ nhà trọ homestay ở tuốt ngôi làng Puta Villa trong núi, cách phố cổ La Maddalena hơn nửa giờ xe chạy.

Đến đón tôi ngay bến cảng là ông chủ với cái tên không thể Ý hơn: Giuliano. Theo chiếc xe hơi không máy lạnh, không cửa kính, cổ lỗ sĩ như từ những năm 80, trông rất bụi đời, cà xịch cà tang lướt qua những con phố cổ nhỏ xinh, lát đá phiến, sầm uất nhà cửa như Terralugiana, nối tiếp đến Chiusedda, G. Murras rồi ngoặt vào đường đất gập ghềnh, lổm nhổm đất đá, hướng về phía núi.

Tâm trạng háo hức lúc vừa đặt chân xuống La Maddalena cao bao nhiêu, thì bây giờ lại tụt hứng thê thảm bấy nhiêu, lòng hơi ân hận bởi nghĩ rằng mình đã chọn sai địa chỉ cho lần ở homestay tại một trong những nơi long lanh nhất của ngành du lịch Ý.

Thêm một chi tiết cộng hưởng khiến cho hành trình về đến ngôi nhà ở trọ thêm xa xôi, ấy là Giuliano nửa chữ tiếng Anh cũng mù đặc, cả hành trình hơn nửa giờ ngồi trong con xe cổ, cố dùng ngôn ngữ hình thể giao tiếp, thật mệt mỏi, dù chưa lắm gian nan, nhưng đã bắt đầu nản.

Thật may, bỏ lại những bụi mù của con đường đất, xe cuối cùng cũng đến được cổng rào sắt có biển hiệu nhỏ xinh ghi tên của gia chủ làm từ gạch ốp vẽ men màu trông rất duyên. Vậy là đến nơi, căn phòng dành cho tôi hóa ra là của con gái Giuliano, hiện đang là sinh viên ngành thiết kế thời trang ở Rome. Căn nhà rộng thênh thang, cô bé đi học, cảm giác thiếu hơi người nên Giuliano nhận kinh doanh hình thức du lịch homestay cốt có khách ra vào cho vui cửa vui nhà. Và tôi bắt đầu vui dần lại khi qua công cụ dịch trên máy tính trong lúc giao tiếp cùng Giuliano, mới biết rằng lần đầu ông có một vị khách đến từ Việt Nam.

Bảng tên duyên dáng ngay trước cổng ngôi nhà trên núi của Guiliano

Ngôi nhà của Giuliano trên đỉnh đồi, bao quanh là mảng xanh của vườn Olive

Sau khi an vị phòng ốc, vợ chồng gia chủ Giuliano đưa tôi vào hành trình khám phá ngôi nhà mới. Định thần lại, ngôi nhà ở một vị trí thật độc đáo, lưng tựa vào lưng chừng núi, hướng ra mặt tiền biển phía xa, bao quanh nhà là vườn cây olive xanh mướt và một vườn rau đủ loại. Giuliano bảo tôi: “Cứ coi như đây là nhà nhé, muốn ăn gì, làm gì cứ tự nhiên, tối nay hai vợ chồng tôi sẽ đãi cậu bữa cơm kiểu Ý”. Lời đề nghị không thể dễ thương hơn khiến tôi hoan hỉ nhận lời, cũng phần bởi thấm mệt sau hành trình dài tìm đến nàng thơ La Maddalena, tôi cần một đêm thanh bình để lấy lại năng lượng.

Một góc vườn quê với cà chua, rau củ ngay sau nhà

Bữa tối được chế biến toàn từ rau củ vườn nhà, đã đời nhất mà tôi nếm trải hôm ấy là món salad khai vị gồm cà chua vừa chín tới, ít rau basil (giống với húng quế), trộn kèm dầu olive, dấm basamic, rắc chút muốt hạt và một cục phô mai burrata trắng muốt tròn to như nắm tay, đủ trông mòn con mắt.

Dù không phải là tín đồ của ẩm thực chay, nhưng khi thưởng thức món salad của nhà trồng được, vị giác phải nhấp nhổm bởi độ ngọt của cà chua, béo ngậy của burrata, đến thơm lựng mùi basil, mặn mòi của muối, chua thanh của giấm basamic… cộng với từng hớp đưa cay, nồng theo phong vị Ý là ly vang trắng từ giống nho danh tiếng của vùng Sardinia là Vermentino do gia chủ chế biến, chẳng thương hiệu, chẳng màu mè ngoại hình, nhưng hợp thành bữa tối ngon – tê – phê cùng cực.

Trò chuyện cùng vợ chồng Giuliano đầy vui nhộn, tôi có được cảm giác thực sự như ở nhà, dù rằng hễ muốn nói gì, ngoài ngôn ngữ múa may quay cuồng, vẫn cần thêm sự hỗ trợ của bàn phím máy tính để chuyển ngữ, vậy mà hiểu nhau, chỉ sau một buổi chiều và bữa cơm tối, cảm giác như đã là một gia đình thực sự.

Cửa tiệm bán đồ nữ trang thiết kế ở phố cổ trung tâm La Maddalena

Biển hiệu rất giản đơn của tiệm cắt tóc ở La Maddalena

Khu nhà của Giuliano tuy có không gian lý tưởng, nhưng quá xa trung tâm, xung quanh chỉ có rừng – núi, thiếu dịch vụ, thật bất tiện nhiều so với khu phố cổ La Maddalena tiện nghi ngay cảng biển ngày đêm nườm nượp khách bản địa.

Chẳng hiểu có phải do hiếm gặp người, mà ngay cả hai chú mèo và ba chú chó của Giuliano, chỉ nhoáng cái đã trở nên thân quen, tôi tự do đi lại trong khu vườn, loanh quanh là ba chú chó nhắng nhít, đem lại cho tôi cảm giác hiếm hoi rằng mình như đang được ở nhà, dù tận nơi trời Tây.

Vẻ đẹp quần đảo La Maddalena nhìn từ đỉnh đồi cao

Cổ nhân thường bảo: “Cù cù – lạc lạc” (khổ khổ - sướng sướng), quả thực đúng khi đến với La Maddalena. Chỉ mới nửa ngày nơi xứ đảo này, nhưng đã có ngay nhiều cung bậc cảm xúc đầy khác lạ, đối lập, cảm giác như một cuộc vờn nhau thú vị giữa lữ khách và La Maddalena, cùng những màn tán tỉnh lẫn nhau khi được đẩy lên cao trào vui sướng, khi bị hạ bệ xuống chạm nỗi chán chường. Thế nhưng, màn chạm mặt đầu tiên cùng La Maddalena chỉ mới là khúc dạo đầu, như cuộc thử lửa cho những hành trình thú vị hơn một khi đã chinh phục được nàng thơ La Maddalena.

THIÊN AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/lan-dau-tien-voi-la-maddalena-12769.html