Lần đầu tôi gặp Sài Gòn

LTS - CÓ MẶT TẠI SÀI GÒN NHỮNG NGÀY ĐẦU THÁNG 5 LỊCH SỬ, NHÀ BÁO LÃO THÀNH PHAN QUANG, NGUYÊN: PHÓNG VIÊN BÁO NHÂN DÂN, TỔNG GIÁM ĐỐC ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM, CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM, ĐÃ ĐƯỢC SỐNG TRONG NIỀM VUI THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC CỦA DÂN TỘC.NHÂN DÂN CUỐI TUẦN XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU CÙNG BẠN ĐỌC NHỮNG HỒI TƯỞNG CỦA ÔNG.

Trên nóc Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn (cũ), nơi máy bay trực thăng cất và hạ cánh, tháng 5-1975. Hàng đầu, từ trái sang: Thép Mới (người thứ hai mặc quần sáng), Lê Hưng (thứ tư), Phan Quang (ngoài cùng bên phải).

Ấy là một ngày đầu tháng 5 năm 1975, vào khoảng xế trưa.

Tôi còn giữ “Giấy công tác đặc biệt” do Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định cấp cho ông Phan Quang, đặc phái viên Báo Nhân Dân thời hạn ba tháng, từ ngày 1-5-1975 đến ngày 1-8-1975, đóng dấu son. Mặt sau Giấy công tác đã ghi cụ thể nhân thân: dân tộc, chiều cao, cân nặng, điểm riêng trên mặt (kèm Thẻ nhà báo) lại còn kèm thêm mục: Mang vũ khí loại…, số… ...

Chiều 30 tháng 4 năm 1975 và cả sáng hôm sau 1 tháng 5, giữa thành phố Đà Nẵng tưng bừng háo hức trước tin vui quân ta đại thắng, giải phóng Sài Gòn, tôi chạy đôn chạy đáo tìm xe đáp nhờ vào trong ấy. Đang buồn vì chưa gặp được ai quen thì đến bữa cơm tập thể tại Khách sạn Pacific vừa trở thành Nhà khách tạm của Thành ủy, chợt nhìn thấy một người bạn thân: anh Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Hôm ấy, anh thay mặt lãnh đạo Bộ dẫn đầu một đoàn cán bộ từ Hà Nội hỏa tốc vào quản lý cơ quan ngoại giao của chính quyền Sài Gòn nay đã “tùy nghi di tản” hết.

Anh Hoàng Bích Sơn xởi lởi: “Chúng tôi định cơm xong, nghỉ ngơi chốc lát là lên đường luôn, sáng sớm mai tới Sài Gòn. Anh Phan Quang có kịp chuẩn bị? Lên đường luôn, được không?”.

Tôi mừng như chộp được vàng. Có gì mà chuẩn bị! Nhà báo lúc nào chẳng sẵn sàng! Nhất là những ngày gần đây, tôi mấy lần đến Ngã ba Huế chỉ để ngắm nhìn những chiếc xe khách được trưng dụng tạm thời chở bộ đội ta, những chàng trai trẻ măng từ phía bắc vào, dừng nghỉ thành dãy dài trên quốc lộ 1 chờ tiếp xăng, hai bên thành xe chiếc nào cũng dán tờ giấy hồng điều kẻ vội hai dòng chữ bằng vôi trắng: Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Cảnh tượng ấy càng thôi thúc tôi sẵn sàng. Chiếc ba-lô gọn nhẹ vác vai, trong đựng bộ quân phục, cái bi đông nhôm đựng nước, chiếc võng bằng vải dù cùng mấy cuốn sổ tay và vài cây bút. Máy ảnh đeo tòn ten trước ngực. Cồng kềnh nhất là túi đựng những cuốn sách quý vừa mua được ở Huế và Đà Nẵng, trong đó có mấy cuốn chị hàng sách không quen ở sông Hàn biếu anh bộ đội, thì đã cho vào cái túi xách tay, nhỡ lúc quá vội lạc mất cũng không sao.

Chiếc xe mười lăm chỗ ngồi sơn mầu trắng đục, tuyệt nhiên không chút dáng dấp nhà binh, trên xe là các cán bộ đối ngoại hầu hết quê ở miền nam. Hai anh lái xe người Nam Bộ trước đây từng sống và làm việc ở Sài Gòn, thông thạo đường sá trong ấy. Cả hai anh đều luống tuổi, chín chắn chuyện đường xa, dù vậy vẫn không kiềm nổi nước “mã hồi” giữa những giờ phút đi tới đâu cũng gặp tưng bừng cờ quạt này.

Hai anh thay nhau cầm lái chạy suốt ngày, rời Hà Nội từ hai giờ sáng đến cuối buổi chiều mới tới Đà Nẵng. Những tưởng từ đây đi tiếp thì dễ hơn, vì đường khá tốt, xe không phải chồm chồm qua hàng nghìn hàng vạn ổ trâu, ổ bò như những nẻo đường bị đạn bom Mỹ cày xới ngoài bắc. Đâu có ngờ, vừa ra khỏi Đà Nẵng, suốt chặng đường dài từ bờ nam sông Hàn qua địa phận tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi, cứ đi một đoạn lại gặp các đoàn người đổ ra đường diễu hành mừng chiến thắng. Cờ quạt, biểu ngữ hãnh diện giương cao, rồi trong tiếng loa, tiếng trống, tiếng chiêng bà con cứ nghênh ngang giữa quốc lộ mà bước. Thấy ánh đèn pha, nghe tiếng còi ô-tô, bà con vui lòng xiết hàng ngũ, nhường nửa lòng đường phía trái cho những chiếc xe hỏa tốc, nhưng xe nào dám phóng nhanh khi qua mặt các đoàn diễu hành! Mãi đến khuya, khuya lắm, tôi đồ chừng lúc này đã vào tới địa phận tỉnh Bình Định, bởi dưới ánh trăng có thể thấy xa xa hình dáng những ngôi tháp Chàm. Lúc này xe có thể chạy thoải mái, nhưng hai anh lái qua bao dặm đường, chắc bắt đầu thấm mệt, trưởng đoàn cho tạm dừng, nghỉ mấy giờ đêm còn lại tại thị xã Phan Thiết.

Sáng tinh mơ, lại lên đường. Lại tưởng với đà này, chắc sớm tới Sài Gòn. Ai ngờ, đến mạn Rừng Lá gặp một cái cầu đổ sập xuống sông. Hai đoàn xe dài ùn tắc ở hai đầu. Chiến tranh kỳ cục thật! Những cây cầu hoành tráng như cầu Thạch Hãn “dưới sông còn đó bạn tôi nằm”, cầu Tràng Tiền “sáu vai mười hai nhịp” qua sông Hương, hay cầu sông Hàn mênh mông sóng nước thì nguyên vẹn nhờ được quân ta bảo vệ, trong khi mấy cây cầu thô sơ vắt qua những dòng sông không rộng hơn con hói ở làng quê, vào mùa khô nước cạn kiệt, thì làm tội mọi người mất bao thời gian chờ đợi. Mấy anh trong đoàn chia nhau đi thương thuyết, nói khó với các bạn công binh đang sửa cầu và tài xế các xe khác cũng đang ùn tắc như mình để mọi người bằng lòng cho xe mình được phép “ưu tiên”, bởi lúc này ai từ bắc vô nam, từ nam ra bắc mà chẳng có việc cần, việc vội, ai chẳng có quyền được ưu tiên?

Qua được con sông cạn nước, xe chúng tôi bon tiếp. Càng vào phía nam tốc độ càng cao. Tôi là người hoàn toàn lạ lẫm, ngỡ ngàng trước mọi thứ. Đang phóng nhanh chợt chiếc xe giảm tốc độ, thận trọng lăn bánh qua một chiếc cầu sắt cũ, mặt cầu hẹp và gập ghềnh. Nhìn thấy anh em cùng đi chộn rộn nhìn xuống dòng nước mênh mang phía dưới, tôi hỏi anh bạn ngồi kề: “Cầu gì đây?”- “Cầu Sài Gòn!”.

Sài Gòn? Sài Gòn? Cầu Sài Gòn, thành phố Sài Gòn đây rồi sao? Tôi choáng người không sao tin nổi, dù nóng lòng chờ đợi suốt cả hai hôm nay, Sài Gòn! Tôi căng mắt nhìn cảnh quan bốn phía. Xe đi vào những lối phố mỗi lúc mỗi đông người đi bộ hoặc phóng xe gắn máy mà vẫn không giảm tốc độ. Mọi người trên xe lúc này không ai chuyện trò, không còn ai ngủ gà ngủ gật. Hai anh lái càng kiệm lời khi cần trao đổi với nhau. Một người cầm lái, một người làm phụ xe, anh nào cũng căng, dù đúng là hai anh không mấy lạ các con đường này. Cảnh vật trải qua bao biến thiên chắc phải thay đổi quá nhiều rồi chứ! Tại sao? Phải chăng có một linh cảm nào đó dắt dẫn hai anh lái hôm nay trở về với tuổi thanh xuân? Vào gần trung tâm thành phố, càng nhìn thấy hai bên đường dày hơn những người dân nô nức đón chào, hoan hô các anh giải phóng. Những gương mặt với những nụ cười hồ hởi, những ánh mắt thân thiện của những người chưa từng gặp trên đời, sao mà mến thương đến vậy! Chỉ một lần, mỗi một lần duy nhất và cũng là lần cuối, chiếc xe chở đoàn chúng tôi đang bon nhanh chợt giảm tốc độ, khựng lại một chút trước một ngã tư. Anh lái thò đầu ra ngoài cửa xe hỏi trống không: “Dinh Độc Lập đi lối nào ? - Quẹo trái. Quẹo trái là tới luôn!”, nhiều người hồ hởi tranh nhau đáp.

Trời! Dinh Độc Lập. Và thế là chỉ vài phút sau, từ ngã tư đường Hồng Thập Tự quẹo sang trái hiện trên trước mắt tôi tòa dinh thự bề thế.

Xe đỗ lại bên vườn hoa ngay phía trước dinh, lúc này cổng chính đóng chặt và hai cổng phụ có bộ đội ta đứng canh.

Anh Hoàng Bích Sơn bảo tôi: “Anh chờ cho một lát. Tôi vào gặp trước anh Trần Văn Trà”. Tôi xuống xe, bàng hoàng. Những anh em cùng đi tản ra các nẻo. Về sau mới rõ các anh cuốc bộ sang con đường cận kề mang tên Alexandre de Rhodes, vào ngôi nhà hôm mới mấy hôm trước còn là trụ sở bộ ngoại giao Sài Gòn. Còn lại mình tôi giữa công viên với những rặng cây vươn cao dưới nắng. Thật không thể nào tin nổi: tôi đang đứng đây, giữa trung tâm thành phố Sài Gòn! Lúc này mới quá trưa, mà sao nắng Sài Gòn dịu thế, bầu trời thoáng đãng thế, người tôi khoan khoái vô cùng, hoàn toàn quên hết mệt mỏi. Phải chăng do làn gió chiều Nam Bộ lần đầu tiên tôi được hưởng trong đời? Hay là tại làn gió lâng lâng thổi trong chính người tôi? Tại có ánh mắt, nụ cười những người dân tôi gặp? Tôi đang đứng đây, tại một công viên ở trung tâm thành phố Sài Gòn, một công viên yên tĩnh không thể nào hiểu nổi sau cơn bão thông tin trên toàn thế giới về chiến sự, đạn bom, nhất là chiến dịch lu loa của những kẻ ác ý về cái “bể máu” sẽ diễn ra sau khi Sài Gòn thất thủ. Nhìn thấy xa xa, ở một góc đường có chiếc xe đẩy tay bày bán đồ giải khát. Tôi bước tới hỏi mua chai nước. Chị bán hàng rút chai nước ngọt từ ngăn có ướp đá lạnh ở phía dưới, bật sẵn nắp chai tươi cười trao cho. Chao ôi, những ngụm nước ngọt ngào và mát rượi thấm tận tâm can, làm cho người tôi càng thêm thư thái như đang đi dạo mát ven bờ Hồ Gươm chứ không phải vừa trải qua ngàn dặm đường xa. Vị ngọt ấy, hơi lạnh ấy của chai nước giải khát và nụ cười thân thiện của chị bán hàng cùng làn gió Sài Gòn sẽ ngọt mát suốt cuộc đời tôi.

Anh em đồng hành tản đi hết, riêng mình tôi ngong ngóng chờ vị trưởng đoàn. Sốt ruột quá. Anh Hoàng Bích Sơn vào dinh đã lâu lắm rồi, sao chưa trở lại? Nhìn thấy cạnh cái cổng phụ vào dinh có anh bộ đội trẻ đứng gác, tôi đến gần, cười chào làm quen rồi chìa cho anh xem tấm Thẻ nhà báo cầu may. Anh nhìn bộ quân phục tôi mặc trên người, liếc tấm thẻ nhà báo tôi cầm trên tay, và tự nhiên trở nên vô cùng cởi mở: “Báo Nhân Dân? Anh từ Báo Nhân Dân Hà Nội vừa vào? Sao không vô luôn, vô luôn đi! Chiều nay trong đó có cuộc họp, nghe nói ta cho cánh Dương Văn Minh được trở về nhà. Anh vô ngay, may ra còn kịp dự!” - anh chiến sĩ nhiệt tình.

Thảo nào ông Sơn cứ ở miết trong kia! Tôi bước vội, băng qua cái sân rộng. Tôi nhảy lên các bậc thềm. Tôi chạy vào hội trường chính. Chẳng có ai hỏi một tiếng, chắc nhờ bộ quân phục tôi mặc trên người. Thậm chí khi thấy tôi hơi chững lại, phân vân không biết nên theo hướng nào, anh em còn nhiệt tình chỉ lối cho. Toàn bộ nội các do tướng Dương Văn Minh dựng lên ba ngày trước còn đó, gần như nguyên vẹn, trước mặt tôi. Một người mặc quân phục của ta đang phát biểu, thú thật lúc này tôi không chú ý vị ấy là ai. Tôi hiếu kỳ tìm những nhân vật tiếng tăm của chế độ Sài Gòn. Tướng Dương Văn Minh dễ nhận ra trong bộ áo ký giả mầu sáng. Hầu hết những người khác mặc sơ-mi trắng, quần sẫm hoặc mầu ka-ki, trừ mỗi một vị vóc người mảnh khảnh nghiêm chỉnh đóng bộ com-lê đen, sơ-mi trắng dài tay, cà vạt ngay ngắn dưới cổ. Ai kia? Có phải Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, người từng làm Chủ tịch Thượng viện Sài Gòn, như báo chí thông tin? Tôi hỏi người bên cạnh. Anh còn bỡ ngỡ hơn tôi. Thì anh cũng vừa chân ướt chân ráo tới đây mà! “À, à..., chắc là phó tổng thống. Hay là ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu?”. Anh trả lời không chút tự tin, lại đặt ra câu hỏi.

Cuộc gặp tới hồi kết thúc. Lát sau tôi mới rõ người đang phát biểu chính là Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, Tướng Trần Văn Trà và mãi 30 năm sau, đọc hồi ký của Lý Quý Chung mới rõ chiều hôm ấy Tướng Trần Văn Trà tuyên bố: “Người Việt Nam chúng ta không có ai thắng ai bại, người thắng là dân tộc Việt Nam và kẻ bại là đế quốc Mỹ”(1).

Anh Hoàng Bích Sơn nhìn thấy tôi trong đám đông, len tới rỉ tai: “Ta chờ thêm một lát, để còn chào anh Trần Văn Trà”.

Lát sau, tướng Trần Văn Trà tiếp hai chúng tôi ở phòng khách lớn sang trọng trong Dinh Độc Lập. Ông nói ngắn gọn mấy nét tình hình. Anh Hoàng Bích Sơn cũng chỉ thông báo vài câu cho phải lễ. Thời gian lúc này đối với những người giữ trọng trách quý hơn vàng. Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố đang túi bụi việc quân việc dân, vậy mà từ tốn tiếp khách. Gần cuối buổi gặp - lúc này bên ngoài trời sắp tối - ông vẫy một cán bộ đến, dặn sắp xếp chỗ nghỉ cho hai vị khách, rồi mới đứng lên bước tới nhã nhặn bắt tay tạm biệt chúng tôi.

Một cán bộ mời anh Hoàng Bích Sơn đi theo anh. Một người khác nói nhỏ bên tai tôi: “Trong dinh hết chỗ. Chú vui lòng sang bên phủ Thủ tướng”. Tôi theo anh bước lên xe đỗ sẵn trong sân, hoàn toàn không ý thức mình đang đi đâu, về đâu trong thành phố rộng lớn vừa lạ vừa quen này...

Vào một tòa công thự - sáng hôm sau thức dậy mới biết đây là ngôi nhà mang số 7 đường Thống Nhất, thời Pháp gọi đường Norodom, nay mang tên Lê Duẩn - quen thuộc với người dân Sài Gòn hồi ấy. Hai chiến sĩ khệ nệ mang tới tấm đệm Mỹ dày và chắc là nặng, đặt xuống sàn: “Mời chú”. Đơn vị bảo vệ dinh chiếu cố khách, còn tất cả ngủ trên sàn. Mỗi một tấm đệm trần trụi, không vải bọc, không chăn, không gối. Nhưng được ngả lưng trên tấm đệm made in USA như thế này giữa lòng Sài Gòn giải phóng đã là vượt quá mọi ước mơ, còn hơn ở chốn thiên đường! Vâng đêm nay, đêm đầu tiên đặt chân tới Sài Gòn, tôi ngủ ngon lành, thoải mái trong căn phòng sáng dậy nhìn tấm biển gắn cạnh cửa ra vào mới biết là nơi làm việc của Chánh Văn phòng Thủ tướng, tôi ngủ rất ngon trên tấm đệm Mỹ dày, rộng và êm như nằm trong cái nôi lót mấy tấm áo cũ thuở mới lọt lòng, thiu thiu trong tiếng ru của mẹ. Thì ra thực tế cuộc sống trên đời đẹp quá mộng mơ, vượt xa những lời bốc phét tếu táo nhất, giá như câu chuyện này được ai đó ngẫu hứng phịa ra một vài tháng trước...

Hôm sau, nhà báo Thép Mới - anh vừa cùng Quân đoàn 2 từ Tây Nguyên vào thành phố(2) - đến gặp. Hai tháng trước, hai anh em hai đoàn lên đường từ Hà Nội vào Nam cùng một lúc, mỗi người một lối, nay ôm chặt nhau giữa Sài Gòn. Anh đưa tôi cùng về ở cùng anh tại ngôi biệt thự số 24 đường Tú Xương, nơi sẽ là cơ quan Văn phòng Đại diện Báo Nhân Dân tại miền nam.

(1) “Hồi ký không tên”, NXB Trẻ tr. 415. (2) Một đoàn gồm Thép Mới và nhà báo Nguyễn Khắc Thuyết theo đường Hồ Chí Minh vào thẳng Nam Bộ; một đoàn do Trần Kiên dẫn đầu, có Phan Quang, Hồng Khanh và Văn Bang nhiếp ảnh, theo quốc lộ 1.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/36238302-lan-dau-toi-gap-sai-gon.html