Lần đầu Việt Nam có 'Chỉ số kinh doanh liêm chính'

Liêm chính và minh bạch trong kinh doanh là nguyên tắc quan trọng giúp Việt Nam thu hút các khoản đầu tư có chất lượng, hạn chế tham nhũng và phát triển bền vững.

Chiều 21/9, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức một cuộc hội thảo giới thiệu Chỉ số kinh doanh liêm chính (VBII) tại Hà Nội.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia thăng hạng trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tăng 26 bậc trên toàn cầu (từ 113 năm 2017 lên 87 năm 2021). Theo Chỉ số Pháp quyền của Dự án Tư pháp Thế giới, Việt Nam là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN khi tăng thứ hạng lên vị trí thứ 88.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tham nhũng vẫn xảy ra ở một số lĩnh vực nhất định tại Việt Nam. Một báo cáo khảo sát doanh nghiệp do VCCI và UNDP công bố tháng 6/2022 cho thấy, ít nhất 1 trong số 3 doanh nghiệp tham gia mua sắm công ghi nhận các khoản thanh toán không chính thức nhằm giành được hợp đồng. Điều đáng lo ngại hơn nữa là văn hóa hoa hồng hoặc các khoản thanh toán không chính thức đã trở thành quen thuộc đến mức các doanh nghiệp sẵn sàng trả ngay cả khi không ai yêu cầu.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho biết, khi tiếp xúc hàng ngày với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chia sẻ: "Chúng tôi kinh doanh liêm chính, nhưng không biết bắt đầu từ đâu".

Do đó, "Năm 2015, Chủ tịch VCCI, cùng với Đại sứ Anh tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ, chúng tôi đã "Việt Nam hóa" bộ công cụ hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng chống tham nhũng đã được triển khai thành công ở các nước G20".

VBII là một công cụ đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã được xây dựng với sự hỗ trợ của dự án FairBiz, một sáng kiến cấp khu vực của UNDP nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng ở 6 quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).

“Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam, nếu được các doanh nghiệp sử dụng một cách trung thực và minh bạch, sẽ góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của đất nước, tạo dựng niềm tin dựa trên dữ liệu và thông tin, thu hút đầu tư, tạo ra của cải và cải thiện cuộc sống cho người dân”, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhận định.

Chỉ số được xây dựng dựa trên 7 yếu tố cần thiết để xây dựng và vận hành một doanh nghiệp dựa trên tính liêm chính, bao gồm Văn hóa (cam kết từ lãnh đạo, quản lý, nhân viên, đào tạo); Quy tắc ứng xử, Kiểm soát, Giao tiếp, Ứng xử (nhân viên và bình đẳng giới/bao trùm, cộng đồng, xã hội, môi trường và phát triển bền vững); Tuân thủ và Chứng nhận đạt chuẩn.

Liêm chính và minh bạch trong kinh doanh là một tiêu chuẩn được công nhận toàn cầu nhằm xây dựng niềm tin của nhà đầu tư, đối tác kinh doanh và nhân viên, đồng thời cũng là nguyên tắc quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư có chất lượng, hạn chế tham nhũng và phát triển bền vững.

“Chỉ số kinh doanh liêm chính do VCCI phối hợp với UNDP thực hiện và giới thiệu ngày hôm nay chính là một bước tiến mới để đưa doanh nghiệp Việt Nam tiệm cận gần hơn với tiêu chuẩn kinh doanh minh bạch, liêm chính của quốc tế; cũng như giúp doanh nghiệp không còn mơ hồ, lúng túng trong việc lồng ghép tính liêm chính vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông Nguyễn Quang Vinh.

VBII được khuyến nghị dành cho bất kỳ doanh nghiệp nào ở Việt Nam quan tâm đến kinh doanh liêm chính và coi tính liêm chính trong kinh doanh là nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Nguyễn Tuyết

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lan-dau-viet-nam-co-chi-so-kinh-doanh-liem-chinh-a570754.html