'Lăn đến bên em': Tình yêu có thể lấp đầy mọi khiếm khuyết

Gây tò mò ngay từ tựa đề, 'Lăn đến bên em' thổi một làn gió Pháp mới lạ đầy thú vị tới phòng vé những ngày này.

Thể loại: Tình cảm, hài hước

Đạo diễn: Franck Dubosc

Diễn viên chính: Franck Dubosc, Alexandra Lamy

Zing.vn đánh giá: 7/10

“Lăn” đến bên em (tựa gốc: Tout le monde debout) là câu chuyện lãng mạn giữa Joycelyn (Franck Dubosc) và Florence (Alexandra Lamy). “Chàng” là một doanh nhân thành đạt ở độ tuổi trung niên. Anh rất đào hoa, nhưng lại có tật thích nói dối. Chính sở thích oái ăm ấy là nguồn cơn khiến một mối tình nảy nở.

Mọi chuyện bắt đầu khi Jocelyn đến thăm ngôi nhà của mẹ mình, và gặp cô hàng xóm bốc lửa khi đang ngồi trên chiếc xe lăn của bậc sinh thành. Điều đó khiến cô gái vô tình hiểu lầm rằng Joycelyn là một người khuyết tật.

Nhưng “chàng” chẳng hề có ý định đính chính, mà thậm chí còn lợi dụng chiếc xe lăn để tiếp cận người đẹp. Song, điều không ngờ là cô hàng xóm lại muốn giới thiệu anh cho Florence - người chị gái bị liệt chân.

Bỏ qua tất cả, tiếng sét ái tình nảy sinh. “Chàng” và “nàng” bắt đầu cùng nhau trải qua những khoảnh khắc lãng mạn độc nhất vô nhị. Song, càng hạnh phúc, Joycelyn càng không dám thành thật với Florence về sự “bình thường” của bản thân. Anh sợ sẽ đánh mất tình yêu đích thực đầu tiên trong cuộc đời mình.

Ở thế đối ngược, Florence trước khi gặp “chàng” là một cô nàng không tin vào tình yêu sau một lần bị phản bội. Nhưng “nàng” xem ra đã kết rất sâu Joycelyn. Liệu cái kết nào đang chờ đợi hai người ở phía cuối con đường, bởi “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”?

Phân cảnh chơi tennis đầy ấn tượng của Florence

Phân cảnh chơi tennis đầy ấn tượng của Florence

Florence - Hào quang nghị lực

Điểm thu hút lớn nhất của “Lăn” đến bên em là nhân vật Florence do nữ diễn viên Alexandra Lamy thể hiện. Khuyết thiếu về mặt thể chất, nhưng cô gái sở hữu tâm hồn không thể trọn vẹn hơn. Florence có lẽ chính là lăng kính giúp khán giả màn ảnh rộng thấu hiểu hơn về cuộc sống của người tàn tật.

Hơn thế nữa, các tác phẩm điện ảnh của Pháp luôn đậm chất thơ, nhưng không bao giờ bỏ quên tính thực tế. Chỉ một vài chi tiết nhỏ trong lời thoại của Florence đã giúp tái hiện cuộc sống đầy khó khăn của người khuyết tật, hoặc tâm tư khao khát tình yêu luôn song hành với gánh nặng cho người xung quanh.

Câu chuyện ngôn tình giữa Joycelyn và Florence có lẽ làm không ít khán giả nhớ tới Me Before You (2013). Song, Florence khác với Will Traynor. Tâm hồn của chàng tỷ phú ngày một héo mòn trên chiếc xe lăn, và anh đã lựa chọn cái chết để giải thoát cho những người mà mình yêu thương. Cái kết buồn của Me before you từng bị lên án vì để lại thông điệp tiêu cực cho người tàn tật.

Trong cùng chủ đề này còn có Breath (2017). Bộ phim kể về một người đàn ông đang khỏe mạnh đầy hoài bão bỗng chốc trở thành người tàn tật vì nhiễm phải virus bại liệt. Chính sự yêu thương của người vợ đã là động lực để anh cố gắng sống đúng nghĩa từng ngày. Đây là một câu chuyện tình có tính nhân văn cao độ.

Không giống những bộ phim kia, “Lăn” tới bên em đem lại cho khán giả một cảm giác nhẹ nhàng và tươi sáng. Thông qua Florence, bộ phim muốn nói lên rằng người khuyết tật nhiều khi còn mạnh mẽ và “đủ đầy” hơn người bình thường. Nhân vật nữ chính là một phụ nữ can đảm, dám đương đầu với sự thật.

Cô vượt qua nỗi đau tai nạn bằng cách tích cực luyện tập tennis và trở thành nghệ sĩ vĩ cẩm. Thay vì tập trung vào những khó khăn khi cuộc sống bị thay đổi một cách bất đắc dĩ, bộ phim cho người xem thấy một hiện tại đầy sức sống và nỗ lực của Florence. Nụ cười luôn rạng rỡ trên môi cô dù con người ấy phải di chuyển bằng xe lăn.

Khán giả chắc chắn sẽ khó quên được phân cảnh trận bóng nỉ của Florence hay giây phút cô thực sự tỏa sáng trong bộ đầm xanh biển giữa dàn nhạc giao hưởng. Joycelyn thêm yêu cô từ những khoảnh khắc ấy, và cả những người ngồi trước màn ảnh cũng vậy.

Việc nhân vật Florence trở nên ấn tượng và thuyết phục có công không nhỏ đến từ Alexandra Lamy. Màn hóa thân của nữ diễn viên rất chân thực, không gượng gạo. Thành quả đến từ việc cô có quãng thời gian dài làm quen với chiếc xe lăn, coi nó như vật “bất ly thân”, trước khi bộ phim bấm máy.

Hoặc như với cảnh chơi tennis, Lamy muốn tự mình thực hiện thay vì sử dụng diễn viên đóng thế như gợi ý của đạo diễn Franck Dubosc. Sự hết mình cho vai diễn của minh tinh thực sự biến Florence thành linh hồn của bộ phim, giúp nhân vật truyền cảm hứng cho khán giả.

Ngay từ cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai nhân vật chính, đạo diễn Franck Dubosc đã chủ động tạo dựng những khung hình duy mỹ, mang đặc trưng của trời Âu. Bối cảnh lãng mạn trở nên không thể tuyệt vời hơn cho một câu chuyện tình lãng mạn như “Lăn” đến bên em.

Một trong những khoảnh khắc lãng mạn của Joycelyn và Florence.

Đẹp đẽ và đậm chất thơ

Phần lớn bối cảnh của “Lăn” tới bên em là nơi có thiên nhiên hoa cỏ xanh ngát. Đối với phân đoạn đối thoại mở đầu, hai nhân vật được sắp xếp để ngồi giữa vườn hoa, với một khung hình xanh và thơ mộng. 108 phút là thời lượng để đạo diễn Franck Dubosc vừa có thể kể một câu chuyện tình lãng mạn vừa mang vẻ đẹp đất Pháp vươn ra khỏi ống kính.

Bên cạnh đó, khán giả còn có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều địa danh quen thuộc của Paris xuất hiện thấp thoáng trong phim. Đó là khoảnh khắc khi Joycelyn chạy bộ thể dục dọc theo dòng sông Seine, hay ô cửa sổ có tầm nhìn tháp Eiffel ở văn phòng làm việc.

Điểm khác biệt của phim Âu nằm ngay ở sự tươi sáng và ấm áp trong màu sắc. Các tác phẩm thường được hậu kỳ với tông màu ám vàng, thay vì ám xanh như điện ảnh Mỹ. Đặc điểm này xuất phát từ chính cuộc sống thường ngày ở châu Âu, cụ thể là Pháp. "Lăn" tới bên em được đánh giá là thành công trong việc tạo nên một không gian Pháp trong phim.

Cụ thể, người Pháp thích sự trau chuốt trong cách ăn mặc nên phục trang trong “Lăn” đến bên em không quá cầu kỳ, nhưng chẳng hề xuề xòa. Mỗi nhân vật mang những phong cách thời trang riêng biệt, giúp thể hiện tính cách của họ.

Joycelyn là người đàn ông thành đạt, chủ yếu xuất hiện bóng bẩy trong những bộ vest lịch thiệp. Đối với cô thư ký là những chân váy dài qua gối kín đáo mà duyên dáng. Để làm nổi bật sự nóng bỏng của em gái Florence, nhà sản xuất chủ động lựa chọn những bộ váy ngắn và ôm theo dáng người.

Nhược điểm lớn nhất của “Lăn” tới bên em nằm ở đoạn kết có phần hụt hẫng. Tập trung mô tả diễn biến tâm lý và hành động của Jocelyn, Florence đôi lúc bị “bỏ quên” ở những thời khắc quan trọng. Nếu mô tả kỹ tâm lý của cô gái ở đoạn kết, câu chuyện lãng mạn giữa hai người chắc chắn sẽ trở nên trọn vẹn hơn.

Có thể nói “Lăn” đến bên em là một bộ phim lãng mạn rất đẹp, đậm chất thơ. Bất chấp việc chọn chủ đề và nhân vật chính có phần nặng nề, tác phẩm vẫn mang bầu không khí tươi sáng và sẽ truyền cảm hứng cho số đông khán giả.

Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Hương Đỗ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lan-den-ben-em-tinh-yeu-co-the-lap-day-moi-khiem-khuyet-post843636.html