'Làn gió mới' từ các HTX nông nghiệp giúp nông dân Cần Giuộc vươn lên

Mức độ lan tỏa ứng dụng công nghệ cao trong các HTX nông nghiệp đã và đang mang lại sức sống mới và 'làn gió mới' giúp cho các nông dân huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) thay đổi tư duy sản xuất, vươn lên có được thu nhập tốt hơn, không còn phải lo cảnh nghèo khó.

Ở huyện Cần Giuộc hiện có khoảng 1.750ha rau màu, trong đó có khoảng 1.135ha ứng dụng công nghệ cao. Để duy trì và mở rộng diện tích sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện đến năm 2025, Cần Giuộc đã chọn HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Phước Tiến (ở ấp Ngoài, xã Phước Hậu) làm mô hình điểm.

Lan tỏa ứng dụng công nghệ cao

HTX Phước Tiến hiện có tổng diện tích gần 10ha chuyên trồng luân canh các loại rau ngắn ngày: Cải, quế, hành lá,... Ông Trần Văn Mến, Giám đốc HTX cho biết, với sự hỗ trợ để làm mô hình điểm, HTX xác định sẽ đầu tư xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động và sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trồng rau công nghệ cao ở các HTX nông nghiệp đã và đang mang lại “làn gió mới” cho phát triển kinh tế huyện Cần Giuộc.

“Các thành viên của HTX đều có kinh nghiệm và hiểu rõ lợi ích của việc trồng rau an toàn, do đó, HTX tin rằng việc sản xuất rau theo hướng an toàn sẽ mang lại hiệu quả cao và có được sức lan tỏa rộng lớn”, ông Mến chia sẻ.

Đến nay, HTX Phước Tiến có 70% diện tích ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm; 100% thành viên đều ghi nhật ký đồng ruộng; 100% thành viên được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, góp phần thay đổi nhận thức từ trồng rau theo phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao.

Là một thành viên của HTX Phước Tiến, anh Nguyễn Minh Tâm cho biết, nếu trước đây, với 1.000m2 trồng rau, anh phải mất hàng giờ để tưới nước, bón phân thì nay chỉ cần một thao tác là bật cầu dao, vườn rau sẽ được tưới nước tự động từ hệ thống tưới tiết kiệm do ngành nông nghiệp hỗ trợ. Điều này giúp anh giảm được công chăm sóc, tiết kiệm chi phí sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài HTX Phước Tiến, huyện Cần Giuộc cũng đang nhân rộng diện tích sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, củng cố, nâng cao hoạt động của các tổ hợp tác, HTX và đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Cần Giuộc cũng được đánh giá là địa phương có diện tích rau hữu cơ lớn nhất tỉnh Long An. Trong đó phải kể đến HTX Rau an toàn Phước Hiệp (ở ấp Trong, xã Phước Hậu) với 5 sản phẩm rau đạt chứng nhận OCOP là hành lá, cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách xoong, rau ngót.

Theo ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rau an toàn Phước Hiệp, hiện nay, nhu cầu sử dụng rau hữu cơ của người tiêu dùng khá lớn, nhiều khách hàng từ Tp.HCM đã tìm đến HTX để ký kết hợp đồng thu mua.

Mang lại “luồng gió mới”

Anh Nguyễn Văn Thành, thành viên HTX Rau an toàn Phước Hiệp cho biết, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật canh tác nên anh giảm 50% chi phí sản xuất và được HTX đến tận vườn thu mua cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg rau. Trung bình mỗi vụ, anh Thành thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Nhờ các HTX trồng rau ứng dụng công nghệ cao đã giúp nông dân Cần Giuộc thay đổi tư duy sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Theo anh Thành, trước đây, anh có trồng một số loại cây nhưng hiệu quả kinh tế không cao, nên anh chuyển sang trồng rau. Thời gian đầu, anh cũng như nhiều nông dân địa phương chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống, chạy theo sản lượng, sử dụng nhiều phân bón, thuốc hóa học.

“Khi nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng buộc nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, cho nên tôi quyết định chuyển sang trồng rau theo hướng hữu cơ”, anh Thành nói.

Tính đến nay, toàn huyện Cần Giuộc có 33 HTX, 102 tổ hợp tác, 8 trang trại chăn nuôi gia cầm và nuôi tôm. Trong đó, có 10 HTX và 1 tổ hợp tác rau được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 1 tổ hợp tác đạt chứng nhận hữu cơ, 5 HTX đạt chuỗi giá trị an toàn thực phẩm.

Từ hoạt động hiệu quả và tham gia vào các mô hình sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao của các HTX, tổ hợp tác đã và đang mang lại “làn gió mới” giúp đời sống nông dân địa phương ngày càng nâng lên rõ rệt.

Ông Ngô Bảo Quốc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc cho biết, hàng năm, huyện đều có kế hoạch hỗ trợ người dân xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có hỗ trợ vốn và thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp.

Đến nay, diện tích nhà lưới, nhà màng trồng rau trên địa bàn toàn huyện đạt 111,85ha; diện tích áp dụng hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm hiện đạt 268,5ha.

Ngoài ra, toàn huyện còn có gần 800 hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với 448 ha. Trong đó, HTX thủy sản Phước Vĩnh Tây ở xã Phước Vĩnh Tây là một điển hình. HTX được thành lập vào năm 2018, là HTX nuôi tôm đầu tiên của huyện Cần Giuộc với 26 thành viên, tổng diện tích canh tác là 19,5 ha, vốn điều lệ ban đầu 1,2 tỷ đồng. Hiện, hầu hết diện tích nuôi tôm nước lợ của HTX đều sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Thay đổi tư duy sản xuất, thoát nghèo bền vững

Ông Nguyễn Văn Sành, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX thủy sản Phước Vĩnh Tây cho biết, nhận thấy nuôi tôm theo kiểu truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro do khó kiểm soát dịch bệnh, sản lượng không theo kịp chi phí sản xuất và tốn nhiều nhân công, ngay từ lúc thành lập, HTX đã định hướng cho các thành viên nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Ở Cần Giuộc hiện có 5 HTX, 42 tổ hợp tác nuôi tôm nước lợ có ứng dụng công nghệ cao.

Ở Cần Giuộc hiện có 5 HTX, 42 tổ hợp tác nuôi tôm nước lợ có ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, kích cỡ tôm thu được từ nuôi công nghệ cao sẽ tăng lên, trung bình từ 20-25 con/kg, trong khi nuôi truyền thống là từ 45-50 con/kg. Giá thành của tôm có kích cỡ lớn sẽ cao hơn tôm nhỏ từ 60.000-80.000 đồng/kg. Do vậy, nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao không chỉ mang lại hiệu quả về sản lượng, mà còn hiệu quả về giá bán.

Hiện nay, Cần Giuộc có 5 HTX, 42 tổ hợp tác nuôi tôm nước lợ có ứng dụng công nghệ cao. Để nuôi tôm theo mô hình này, vốn đầu tư ban đầu khoảng 200-300 triệu đồng/1.000m2 nhưng người nuôi giảm được chi phí lao động, giảm tỷ lệ hao hụt con giống, ít rủi ro, tôm đạt chất lượng, bán được giá. Sau 3 tháng thả nuôi, người dân thu hoạch khoảng 3 tấn/1.000m2, trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng/vụ, cao gấp 2 lần so với cách nuôi truyền thống.

Theo ông Ngô Bảo Quốc, các HTX đang dần thay đổi tư duy sản xuất của người dân huyện Cần Giuộc, các mô hình sản xuất an toàn ngày càng được mở rộng, nông dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng phân bón hữu cơ, xây dựng hệ thống tưới tự động, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng nhà màng, nhà lưới, sản phẩm làm ra có chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đồng thời đảm bảo tính ưu việt về môi trường sinh thái…”, ông Quốc nhấn mạnh.

Nhờ vào “sức sống mới" từ các HTX, tổ hợp tác đã góp phần nâng cao ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân, từ đó huyện Cần Giuộc giảm dần số hộ nghèo qua từng năm. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện ở mức 3,45% vào năm 2015 thì đến năm 2019 đã giảm còn 1,37%. Và đến năm 2022, hộ nghèo giảm còn 0,98% (577 hộ), hộ cận nghèo còn 1,85% (1.085 hộ).

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/apos-lan-gio-moi-apos-tu-cac-htx-nong-nghiep-giup-nong-dan-can-giuoc-vuon-len-1093397.html