Lan man con kiến

Mới vừa rồi, đọc đâu đó bài viết của cô gái nọ từ phương Tây đến sống và làm việc tại Hà Nội, tên là Blossom. Sau một thời gian 'nhất lân la, nhì trà trộn' với bà con bản xứ, cô đã đúc kết 6 điều kỳ lạ tại Việt Nam.

Thật ra không chỉ có 6, còn có nhiều, rất nhiều điều kì cục khác mà cô chưa nhận ra, tỷ như sự méo mó tiếng Việt. Chẳng hạn, sự ra đời của từ “thu giá” nhằm thay thế cho “thu phí” - vừa mới ló mặt ra đã bị thiên hạ ầm ầm phản ứng. Cuối cùng “mèo lại hoàn mèo”.

Chẳng rõ, tự bao giờ, xuất hiện từ mèo/ mèo mỡ được sử dụng nhằm chỉ tình nhân của người đàn ông: “Anh có thương em thì mần giấy giao kèo/ Ngày sau mới chắc em là mèo của anh”. Cô gái này, khôn ngoan, tỉnh táo, chín chắn cũng tựa như “Thương anh đâu quản hiểm nghèo/ Ngặt vì một nỗi anh có mèo theo sau”.

Sao lại con mèo, chứ không phải con gì khác? Một khi có câu “sư tử Hà Đông” trông dáng vẻ bề ngoài hầm hố, dữ tợn thì “đối trọng” lại phải là con vật hiền lành, nhỏ nhắn? Vì thế, thiên hạ chọn con mèo, do liên tưởng đến hình dáng tựa như con hổ thu nhỏ chăng? Quái thật, cùng lông đen nhưng phải gọi mèo mun, gà ô, chó mực…

Trở lại với ý kiến của Blossom, khi cô đã quan sát, nhận thấy tỏ tường: “Thực phẩm kỳ lạ: Người Việt nổi tiếng với những món ăn lạ lùng, thường gây tranh cãi như thịt chó, thịt mèo, trứng vịt lộn, rùa, chuột, thậm chí, tôi xin được nói, là cả nhím nữa. Rồi bạn sẽ thấy mọi thứ, từ những con sâu vẫn còn ngọ nguậy tới đầu chó treo lủng lẳng tới những loại côn trùng trườn bò trông sởn da gà; những con rắn còn sống bị rạch bụng giữa phố để lấy máu, trái tim hẵn còn đập bị người ta thả vào cốc bia rồi nốc cạn một hơi, tới những loài côn trùng, như dế được chiên lên làm đồ nhắm với bia, cùng với sâu hoặc nhộng. Ấu trùng dừa (đuông dừa) được ăn khi sống và nó cứ quằn quại trong miệng”.

Thật ra trong nghệ thuật ẩm thực của năm châu bốn biển, khó có thể nói đâu là kỳ cục và không kỳ cục. Thời trẻ còn trong quân ngũ, lúc sang Campuchia, ban đầu anh em bộ đội nhà mình chê ỏng chê eo mắm bò-hóc (prohôk) của xứ Chùa Tháp nhưng sau khi đã quen mùi lại mê tít thò lò.

Đọc Món lạ miền Nam của Vũ Bằng, y khoái được dịp thưởng thức món thịt bò có tên gọi “bò kiến”. Nếu tra từ điển thì bí rị bà rì, đơn giản, “bò kiến” ở đây là cách nói tắt của sự kết hợp giữa con bò và con kiến.

Đại khái, “Ấy là vì cái bí quyết làm thịt bò kiến này không được chạm đến lửa: lửa nó làm khô mất huyết, nhưng phải dùng một thứ khác để làm cho thịt tái đi. Đó là giống kiến vàng. Thịt lựa chỗ nào ngon, nhất là cái thăn hay bắp vế, đem treo lên chỗ mát rồi giăng dây cho kiến vàng bu lại như thể ong quân vây lấy ong chúa không để cho tổ hở một chỗ nào.

Để như thế độ vài tiếng đồng hồ - muốn để từ sáng đến trưa càng tốt - miếng thịt vẫn cứ tươi như thường, không teo, trái lại vẫn cứ mịn màng thêm lên, đậm đà hơn lên và ngọt hơn lên”. Miếng thịt mềm đi, nói một cách nôm na là nhờ… nước đái kiến!”. Nghe ra ngộ nghĩnh lắm. Nào đã mấy ai thấy được nước đái kiến?

Thành ngữ có câu: “Dai như bò đái” tức nó “xả” tưởng chừng liên tu bất tận, con kiến sức mấy “có cửa”. Vì lẽ đó, nhân vật trong tạp bút trên bèn hỏi một câu thành thật: “Nước đái nó ra sao?”.

Câu trả lời rằng: “Nước đái kiến vào mắt mình, nó “the thé” kỳ lắm, không tả được. Thoạt đầu, tôi tưởng đến mù, nhưng chỉ độ mươi phút thì hết, nhưng kiến nó đã vớ được mình thì “bám riết” không chịu rời ra. Tôi đành phải nhảy từ trên cây xuống dưới sông để họa may kiến có buông tha chăng: vô ích.

Sau mãi có người bảo mới biết là giống kiến vàng sợ nhất tro, muốn đuổi chúng đi chỗ khác, cứ lấy tro mà rắc lên đường chúng đi, chỉ một lát là biến hết - có phần còn tốt hơn cả thuốc xịt côn trùng Fly Tox, My Tox nữa! Phải rồi!

Đuổi chúng đi chớ đừng có giết kiến làm gì, tội nghiệp! Là vì cái giống kiến vàng này quý lắm, có nhiều khi phải đi mua từng giỏ để đem về nuôi trên các cây có trái”.

Câu cuối ở đoạn văn của Vũ Bằng, có ai ngập ngừng, dừng lại không?

Với y, ắt có. Không sinh sống nhiều năm ở nông thôn, nhất là tại miền Nam nên không thể biết thêm lợi ích của “giống kiến vàng này quý lắm, có nhiều khi phải đi mua từng giỏ để đem về”. Rồi tại sao lại đi mua “đem về nuôi trên các cây có trái”?

Trả lời chi tiết này, cách dễ chịu nhất vẫn tìm hỏi các ông kỹ sư canh nông. Nhưng thôi, trước mắt, ta hãy khảo sát từ… văn chương cho nó hợp với mạch chuyện đang ngon trớn. Chẳng hạn, thử đọc lại truyện ngắn Trộm của lạ của nhà văn Bình Nguyên Lộc.

Trước hết, phải dài dòng một chút, rằng, trước đây, ở miền Nam có Tạp chí Hương quê dành tặng cho bà con nông dân, không bán. Hai nhà văn Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam thay phiên nhau viết các truyện ngắn theo chủ đề “hương đồng gió nội”.

Lúc NXB Trẻ mua bản quyền toàn bộ sáng tác của Sơn Nam, chính y đã tìm từ Hương quê các truyện ngắn của ông đã in để có được sự nối dài của Hương rừng Cà Mau.

Và nay, tới phiên Bình Nguyên Lộc với tập truyện ngắn cùng tên Hương quê (NXB Trẻ, 2018) cũng chọn từ tạp chí trên. Người cung cấp nguồn tài liệu lần này là Tiến sĩ Nguyễn Văn Đông - giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Truyện ngắn Trộm của lạ, viết về cách trị loại kiến hôi đã khiến “cả cam lẫn quýt đều chua, nếu không èo, không chai cứng, không khô rom”. Trị bằng cách nào? Hãy nghe nhân viên Sở Canh nông trả lời: “Nếu vậy thì rất dễ cứu vãn cây trái của quý ông. Đây là một phát minh của người Việt Nam ta của cụ Trương Vĩnh Ký”.

Chi tiết này, không rõ Bình Nguyên Lộc đọc từ đâu, khó kiểm chứng, nhưng trong thực tế: “Thả kiến vàng lên những cây có ổ kiến hôi. Hai loài kiến này thù nhau “bất cộng đái thiên” và chúng sẽ giết nhau, và rốt cuộc kiến vàng thắng. Chúng nó thắng rồi chiếm luôn những cây đó, kiến hôi sẽ không bao giờ dám trở lại nữa hết. Ông không tin, cứ làm thử thì biết”. Quả nhiên mọi việc diễn ra trúng chóc, đúng y chang.

Mà này, trong món bò kiến, con kiến vàng này đã đi vào ca dao huê tình, lúc chàng ỡm ờ: “Ước gì anh hóa được con kiến vàng/ Bò ngang quai nón hun nàng cái chơi”. Nàng lúng liếng: “Ước gì em hóa được con kiến hôi/ Bò ngang quai nón đái trôi kiến vàng”.

Căn cứ vào cách trị kiến vừa nêu trên, trong trường hợp éo le này, cô nàng thua là cái chắc. Thích nhất vẫn là bài vè về các loại kiến, đọc nghe du dương, vui tai, ngộ nghĩnh: “Kiến lửa tập đoàn/ kiến vàng ở ổ/ Cao đầu lớn cổ/ Thiệt là kiến hùm/ Cắn chúng la um:/ Kiến kim, kiến nhọt/ Nhỏ như con mọt/ Thiệt là kiến hôi/ Động trời nó sôi:/ Kiến cánh, kiến lửa/ Bò ngang, bò ngửa:/ Kiến riện đơn chai/ Bò dông, bò dài/ Bò qua, bò lại/ Kiến đực nói phải/ Kiến cái làm khôn/ Rủ nhau lên cồn/ Xoi hang lạch cạch/ Thuở xưa, trong sách/ Bàn Cổ sở phân/ Sanh ra chúng dân/ Đỏ đen như kiến…”.

Có ai ăn kiến không? Chắc không. Nhưng chăn kiến thì có. Bằng chứng là NXB Trẻ đã ấn hành tập truyện ngắn Người chăn kiến của Bùi Ngọc Tấn. Tìm đọc lại, phải mua lấy sách. Chi bằng đọc từ trang web của Hội Nhà văn TP HCM đã post, trong đó, có đoạn: “Hôm ấy đi làm vệ sinh về, tay B trưởng bắt ra 4 con kiến đỏ bé xíu đựng trong cái vỏ bao thuốc lá. Hắn cầm mẩu gạch non khoanh 4 vòng tròn xuống nền xi măng. 12 anh tù được hắn chỉ định chia thành 3 ca chăn 4 con kiến nhỏ. Ông M không ngờ mình lại mê chăn kiến đến như thế. Công việc kì dị ngày càng hấp dẫn ông. Nó làm ông khao khát đến bồn chồn. Cho dù đó là khổ ải. Phải giữ kiến luôn ở trong vòng tròn. Trong ấy có bánh bích qui, có đường, có thịt, kiến ăn nhưng không chịu ngủ, kiến vẫn bò tìm tổ. Phải luôn tay chặn kiến lại và không được làm sứt một cái chân của kiến. Chính những điều ấy khiến ông thèm khát. Nó sẽ giúp ông quên thời gian, quên những thiên thu tại ngoại”.

Người chăn kiến còn là tiếng lóng nhằm chỉ kẻ gỡ lịch/ nằm nhà pha/ nằm nhà đá/ nằm hộp/ xộ khám…

Viết đến đây lại nhớ mẩu chuyện nhỏ, bấy giờ nhà thơ Nguyễn Thái Dương đang làm Thư ký tòa soạn của Báo Mực Tím. Ngày kia, đọc các bản thảo để chọn in, bắt gặp bài thơ có câu: “Ngồi buồn bắt giết kiến chơi”, anh rùng mình.

Và từ đó, anh không còn dám quan hệ với tác giả câu thơ đó, dù trước đây đã là bè bạn. Chắc chắn y cũng vậy thôi. Hành động đó là biểu hiện của cái ác. Vậy mà bây giờ lại phổ biến “Game giết kiến - Trò chơi giết kiến online miễn phí cho Andorid, Iphone”.

Thử hỏi, có phải đó là mầm mống tạo ra cái ác? Còn nhớ, thuở bé thường mê mẩn đọc Tạp chí Phổ thông do nhà thơ Nguyễn Vỹ chủ biên, có lần đọc bài viết bàn về thơ Haiku.

Đọc lâu quá rồi, chỉ nhớ đại ý, có nhà thơ cóc keng nọ làm bài thơ: “Con chuồn chuồn/ Ngắt hai cánh/ Trái ớt”. Anh ta thích lắm, đọc oang oang đầu làng cuối xóm, thiên hạ khen rùm trời, duy chỉ có vị thiền sư nghiêm mặt bảo: “Đó là cái ác”; và sửa lại: “Trái ớt/ Chắp hai cánh/ Con chuồn chuồn”. Ôi chao, tâm thế nào thì thơ thế ấy.

Cái tâm của y ra làm sao? Không rõ. Chỉ có điều y không còn ăn thịt chó nữa. Chỉ ăn thời đi bộ đội ở rừng, xa tít bên quê hương Chùa Tháp.

Tuy không còn ăn nhưng vẫn chép lại bài vè này, ít ra cũng cho thấy cách chế biến trong Nam khác hẳn ngoài Bắc. “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè thịt chó/ Thằng nào chịu khó/ Bắt nước cạo lông/ Thằng nào ở không/ Rang mè rang đậu/ Anh nào chịu khó/ Thì đi mua tương/ Cái việc tầm thường/ Ai ai cũng biết/ Muốn cho tươm tất/ Đậu phụng, đậu nành/ Củ sả, củ hành/ Mua ba tiền bún/ Một tiền rau húng/ Một trái dừa khô/ Bỏ tiền hùn vô/ Mua ba chai rượu/ Anh nào háo tửu/ Thì hùn thêm tiền/ Xách rổ đi liền/ Đi mau tới chợ/ Đừng có sớ rớ/ Gấp gấp mà về”.

Rõ ràng, không hề có mắm tôm, lá mơ, củ riềng… Chỉ mấy câu vần vè, nhưng ta cũng thấy được cái “không khí” rất ồn ào, tấp nập, nhộn nhịp khi chuẩn bị… nhậu.

Nhưng trót lỡ uống say mèm với thức nhắm ấy, phải làm sao giải rượu cấp kỳ cho kẻ đó? Dễ ợt, cứ việc kề tai hắn ta, nói khẽ: “Này, hiện nay, trong tiếng Việt đã xuất hiện từ “thu giá” - nhằm thay thế cho “thu phí”, nhớ chửa?”.

Ngay lập tức, hắn ta sẽ bật người dậy, tỉnh táo, tỉnh queo như chưa hề uống giọt nào rồi kinh ngạc thốt lên một cách bình tĩnh bằng ngữ điệu cực kỳ nghiêm trọng: “Thế à? Thế à?”.

Thì đúng là thế.

Lê Minh Quốc

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/20githang__-lan-man-con-kien-507316/