Làn sóng đáng lo ngại: Các nước liên tục bắt giữ công dân của nhau vì mục đích chính trị

Thế giới đang chứng kiến một làn sóng chưa từng có về việc các nước bắt giữ công dân của nhau vì mục đích chính trị.

Mở màn cho làn sóng này có lẽ là việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính công ty Trung Quốc Huawei ở Vancouver theo yêu cầu của Mỹ hồi cuối tháng 12/2018. Từ đó đến nay, nước này thi nhau bắt giữ công dân của nước kia và ngược lại.

Để để phòng, hiện các nước đều ra khuyến cáo cho các công dân nước mình hạn chế đi tới nước kia. Ngày 15/1, Trung Quốc yêu cầu một số công ty nhà nước tránh các chuyến công vụ tới Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ cũng như bảo vệ cẩn thận các thiết bị của họ nếu họ phải đến những nơi đó.

Lời khuyên du hành của Trung Quốc bao gồm cảnh báo về việc du hành tới các nước khác trong khối chia sẻ thông tin tình báo Fire Eyes – gồm Anh, Canada, Úc và New Zealand, theo Bloomberg.

Công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg trong phiên xử ở tòa án Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 14/1

Trước đó ngày 14/1, Bộ Ngoại giao Canada cũng đưa ra cảnh báo cho công dân của mình khi du hành tới Trung Quốc về “nguy cơ của việc các luật lệ địa phương được thực thi tùy tiện”. Thông báo của Canada được đưa ra sau khi một tòa án ở Trung Quốc tuyên án tử hình với Robert Lloyd Schellenberg, công dân Canada, về tội buôn ma túy.

Trên website tối 14/1, Bộ Ngoại giao Canada nâng cấp rủi ro khi du hành đến Trung Quốc lên cấp 2, trên nấc thang 4 bậc.

Kể từ khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Canada cho đến nay, có tất cả 13 công dân Canada bị bắt tại Trung Quốc, trong số này có 8 người đã được thả, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Canada.

Không chỉ riêng với Canada, hồi đầu tháng 1/2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ một lần nữa nhắc nhở những công dân Mỹ có chuyện sang Trung Quốc phải hết sức cảnh giác, vì họ có thể bị bắt tùy tiện như một số công dân Canada hiện nay. Lời khuyến cáo được cập nhật thường xuyên. Nội dung lời khuyến cáo không kêu gọi dân Mỹ tránh sang Trung Quốc nhưng nhấn mạnh đến hai rủi ro lớn nhất: vô cớ bị bắt hoặc bị cấm rời Trung Quốc.

Theo giới quan sát, các vụ bắt giữ công dân của nhau giữa các nước trong thời gian tới sẽ còn diễn ra với cường độ cao, nhất là sau khi Ba Lan, đồng minh của Mỹ, thông báo bắt giữ một nhân viên của công ty Huawei vì cáo buộc gián điệp. Sau vụ việc này, báo chí nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Ba Lan về các biện pháp đáp trả tương ứng.

Thời gian gần đây, Nga cũng tham gia vào những vụ như trên. Ngày 31/12/2018, Cơ quan An ninh LB Nga (FSB) cho hay công dân Mỹ tên là Paul Whelan đã bị bắt ở Moscow vì bị buộc tội gián điệp. Đầu tháng 12/2018, Maria Butina, một người Nga và cũng là một nhà hoạt động vì quyền được mang súng, đã bị bắt giữ ở Mỹ và đã nhận tội tham gia một âm mưu. Các công tố viên Mỹ cho biết bà Butina đã nhận tội ở Mỹ 13/12/2018 là hoạt động như điệp viên có sứ mạng tác động lên các tổ chức bảo thủ của Mỹ theo hướng có lợi cho Nga. Chính quyền Moscow nói bà Butina bị ép buộc nhận tội về việc làm điệp viên cho Nga, và điều đó sai sự thực.

Th.Long

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lan-song-dang-lo-ngai-cac-nuoc-lien-tuc-bat-giu-cong-dan-cua-nhau-vi-muc-dich-chinh-tri-526212.html