Làn sóng hoảng sợ tháo chạy, Donald Trump đối mặt tình huống khẩn cấp

Nước Mỹ rơi vào tình cảnh khó khăn khi số lượng người nhiễm virus corona tăng nhanh và tâm lý lo ngại trên các thị trường tài chính tăng mạnh. Chứng khoán sụt giảm và chính thức rơi vào một thị trường giảm giá.

Dịch Covid-19 và cuộc chiến dầu khí gây áp lực lớn lên vị thế của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Áp lực bán tháo tiếp tục gia tăng mạnh trên thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu (pandemic), trong khi Mỹ có thể sẽ công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

TTCK Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) chứng kiến cảnh bán tháo trong hoảng loạn. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 1.500 điểm (5,9%) xuống 23.553 điểm và rơi vào vùng thị trường gấu sau khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch.

Chỉ số Dow Jones đã giảm tổng cộng hơn 20% so với đỉnh lịch sử vừa thiết lập tháng trước.

Chứng khoán Mỹ đã giảm hơn 20% so với đỉnh trong tháng trước và rơi vào một thị trường đi xuống (bear market).

Chứng khoán Mỹ đã giảm hơn 20% so với đỉnh trong tháng trước và rơi vào một thị trường đi xuống (bear market).

Tình trạng bán tháo gia tăng trong bối cảnh giới đầu tư mất kiên nhẫn khi chờ các quyết đinh chính sách tài khóa của chính phủ Mỹ.

Chỉ số tầm rộng S&P 500 kết phiên giảm 4,9%, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 4,7% và tụt khoảng 19% so với đỉnh.

Đêm qua, WTO đã tuyên bố Covid-19 là một đại dịch toàn cầu với số người nhiễm vượt 120 ngàn người và số ca tử vong là gần 4,4 ngàn người. Tại Mỹ, số ca nhiễm vượt 1,1 ngàn trường hợp với 29 ca tử vong.

Trước đó, quốc hội Mỹ đã phê duyệt gói 8,3 tỷ USD để chính quyền ông tổng thống Donald Trump hỗ trợ đất nước trước dịch Covid-19. Ông Trump cũng đã có những đề xuất về chính sách tài khóa, bên cạnh việc nới lỏng chính sách tiền tệ đến từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Ông Trump đề xuất giảm thuế bảng lương về 0% trong những tháng còn lại của năm 2020 nhằm giúp người lao động có thêm thu nhập khả dụng để chi tiêu, qua đó phần nào kích cầu nền kinh tế. Dù vậy, thời điểm và kế hoạch áp dụng cụ thể gói kích thích này chưa được công bố.

Đây là điều khiến giới đầu tư trên TTCK thất vọng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có tuyên bố về dịch Covid-19 vào 9h sáng nay (giờ Việt Nam).

Trong một động thái mới nhất, ông Trump cho biết sẽ có tuyên bố quốc gia vào 9h sáng nay (giờ Việt Nam) để ứng phó với dịch Covid-19 chỉ vài giờ sau khi WTO tuyên bố đại dịch.

Trước đó, Fed đã giảm lãi suất 50 điểm phần trăm và nhiều khả năng sẽ giảm 50-75 điểm nữa trong cuộc họp 18/3 tới.

Hàng loạt NHTW các nước khác cũng đã có hành đồng về chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoE) chiều 11/3 (giờ Việt Nam) đã lần đầu tiên kể từ năm 2016 đưa ra một quyết định cắt giảm lãi suất. Theo đó, BoE đã cắt 50 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản từ mức 0,75% xuống 0,25%/năm nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành tại nhiều nước và lan rộng ngay tại nước này.

Thái Lan cũng vừa thông qua gói kích thích 400 tỷ baht (hơn 12,7 tỷ USD) cho nền kinh tế nhằm giảm nhẹ tác động của dịch bệnh này. Đây cũng chỉ là biện pháp trong giai đoạn 1 và Thái Lan có thể sẽ có hành động cho giai đoạn hai nếu tác động của dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng cũng giảm lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Chính phủ Đức cũng đã sẵn sàng khởi động gói kích thích tài khóa của nước này nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật cũng sẽ có “những biện pháp cần thiết” để bình ổn thị trường tài chính.

M. Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/my-soc-manh-roi-vao-xu-huong-tieu-cuc-623499.html