Làn sóng 'tẩy chay thế chấp' khuynh đảo ngành bất động sản Trung Quốc

Trung Quốc phải đối mặt với những rủi ro tài chính mới từ làn sóng tẩy chay thế chấp đang lan rộng khắp cả nước.

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn từ năm ngoái sau các quy định siết chặt của chính phủ. Ảnh: Bloomberg

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), người mua nhà tại hơn 230 dự án ở 86 thành phố trên khắp Trung Quốc đã đồng loạt từ chối đóng tiếp tiền nhà cho những dự án bán trước chưa hoàn thiện nếu như những công trình này không nối lại hoạt động xây dựng.

Cuộc khủng hoảng càng làm gia tăng những lo ngại về sự ổn định tài chính và xã hội của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau cuộc khủng hoảng tiền mặt tại các ngân hàng ở hai tỉnh An Huy và Hà Nam. Chuyên gia kinh tế Hong Hao cho rằng khủng hoảng trong ngành bất động sản Trung Quốc đang phản ánh những điểm yếu tài chính của nền kinh tế nước này.

“Các ngân hàng phải giảm các khoản vay, tác động đến khả năng cho vay và an toàn vốn vào đúng thời điểm đối với các ngân hàng, hoạt động cho vay là cần thiết để duy trì tăng trưởng”, chuyên gia Hong phân tích.

Tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, đã đè nặng lên cả người mua nhà và các nhà phát triển bất động sản. Kể từ năm ngoái, các nhà phát triển ở Trung Quốc đã gặp khó khăn sau khi chính phủ siết chặt các quy định như một phần trong nỗ lực kiềm chế giá bất động sản tăng cao.

“Nếu xu hướng này tiếp tục lan rộng, nó có thể tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Nó sẽ gây bất lợi cho hoạt động buôn bán bất động sản và sự ổn định của hệ thống tài chính. Việc cho phép các dự án dở dang hoạt động trở lại và được bàn giao đúng thời hạn đem đến sự ổn định cho hàng nghìn gia đình”, tờ Thời báo Chứng khoán viết trong một bài xã luận đăng ngày 13/7.

Ngày 14/7, các ngân hàng đã ứng phó với nguy cơ khủng hoảng bằng cách đưa ra các tuyên bố chính thức để trấn an người dân.

Các ngân hàng lớn, bao gồm Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Công nghiệp, cho biết các khoản thế chấp liên quan đến những dự án chưa hoàn thiện từ các chủ đầu tư thiếu tiền chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng các khoản cho vay và rủi ro tổng thể có thể kiểm soát được.

David Yin, Phó Chủ tịch kiêm chuyên viên tín dụng cấp cao của dịch vụ đầu tư Moody’s, đánh giá bất kỳ vụ vỡ nợ tiềm ẩn nào cũng có thể gây ra tác động tiêu cực lớn đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung.

“Những vụ vỡ nợ này có thể làm suy yếu thêm lòng tin của người mua nhà và làm giảm sự thèm muốn rủi ro của các ngân hàng đối với các khoản vay thế chấp, làm giảm sâu doanh số bán bất động sản hơn nữa”, chuyên gia Yin nói.

Trong tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một số yếu tố bất ngờ trong quý II, song nó đã phục hồi và ổn định trong tháng 6. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 15/7 vừa thông báo tăng trưởng kinh tế quý II của nước này ở mức 0,4%, thấp hơn dự báo 1,2% của các nhà kinh tế và là mức yếu nhất kể từ năm 2020.

Theo Zhang Zhiwei – chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, mặc dù căng thẳng tài chính có khả năng tiếp tục gia tăng trong các lĩnh vực doanh nghiệp và gia đình, một cuộc khủng hoảng thế chấp như khủng hoảng xảy ra ở Mỹ vào năm 2008-2009 được coi là khó xảy ra vì các ngân hàng ở Trung Quốc hầu hết thuộc sở hữu của chính phủ.

“Giải pháp cuối cùng là chính phủ thúc đẩy hoàn thành việc xây dựng và bàn giao các dự án đó. Có thể họ sẽ để các nhà phát triển nhà nước tiếp quản. Đối với các chi phí bổ sung, chính phủ và các ngân hàng có thể cần phải thương lượng, và cả hai có thể cùng chịu tổn thất”, ông Zhang đưa ra giải pháp.

Trong khi đó, nhà kinh tế cấp cao Ding Shuang tại Standard Chartered cho biết những rủi ro đối với hệ thống tài chính có thể tạo cơ hội thúc đẩy một giải pháp nhanh chóng. “Hành động từ phía người mua nhà đã tạo thêm sức ép và tạo cảm giác cấp bách buộc chính phủ hành động, bởi vì không ai muốn xu hướng này trở thành một rủi ro tài chính”.

“Nạn nhân trong những dự án căn hộ bán trước chưa hoàn thiện chủ yếu thuộc tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp ở các thành phố vừa và nhỏ, chiếm phần lớn dân số ở Trung Quốc. Hầu hết họ tiết kiệm tiền trong nhiều năm chỉ để trả trước một căn hộ duy nhất”, chuyên gia Wu lí giải. Các nhà phân tích chỉ ra bất động sản là chiếm đến 70% tài sản trong các gia đình Trung Quốc.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lan-song-tay-chay-the-chap-khuynh-dao-nganh-bat-dong-san-trung-quoc-20220715162726829.htm