Làn sóng từ chối rác nhập khẩu ở Đông Nam Á

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã gia nhập cuộc chiến nói không với rác nhập khẩu sau các động thái tương tự của Philippines và Malaysia. Ngày 17-6, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia thông báo nước này sẽ trả lại 5 container chứa rác thải độc hại về Mỹ.

Theo thông báo, các container này đã được chuyển lên tàu và sẽ sớm cập cảng của Mỹ, mặc dù ban đầu số container này xuất phát từ Canada. Trước đó, tổng cộng 65 container chứa rác thải được coi là "thân thiện với môi trường" (giấy, gỗ, hàng dệt may và giày dép) đã được chuyển đến Indonesia. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, Indonesia phát hiện có ít nhất 5 container chứa rác thải độc hại.

Trước đó, Malaysia cũng tuyên bố, trong thời gian tới, Malaysia sẽ trả lại 60 container chứa 3.000 tấn rác thải cho 14 nước, bao gồm cả Australia, Canada và Mỹ. Malaysia đã nổi lên thành điểm đến chính của rác thải nhựa toàn cầu sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác. Hàng chục nhà máy tái chế rác nhựa đã mọc lên ở Malaysia, trong đó nhiều cơ sở hoạt động không có giấy phép. Người dân địa phương đã lên tiếng phàn nàn về vấn đề môi trường mà các nhà máy này gây ra. Theo bà Yeo Bee Yin, Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Khoa học Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia: 60 container rác nhập khẩu trái phép vào nước này sẽ được trả lại quốc gia xuất phát. “Những container này được đưa vào Malaysia với kê khai không trung thực và vi phạm luật môi trường của chúng tôi", bà Yeo Bee Yin nói với báo giới sau một chuyến thị sát các lô hàng rác thải trên tại cảng Klang ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur. Bà Yeo Bee Yin nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi các nước phát triển xem lại cách thức quản lý rác thải của mình và dừng việc vận chuyển rác sang các nước đang phát triển. Nếu các bạn đưa rác tới Malaysia, chúng tôi sẽ trả lại không khoan nhượng".

 Tàu chở hàng M/V Bavaria đến cảng Subic ở tỉnh Zambales, tây bắc Philippines nhận các container rác để chở về Canada hôm 30-5.

Tàu chở hàng M/V Bavaria đến cảng Subic ở tỉnh Zambales, tây bắc Philippines nhận các container rác để chở về Canada hôm 30-5.

Bà Yeo Bee Yin cũng tuyên bố các cá nhân Malaysia nhập khẩu rác thải nhựa bị cấm sẽ bị coi là phạm tội phản quốc và bị xử lý nghiêm khắc. Bộ trưởng Yeo Bee Yin cho rằng, không thể chỉ đổ lỗi cho các nhà xuất khẩu rác thải. Rác thải có mặt tại Malaysia vì có sự cộng tác, tiếp tay của các cá nhân người Malaysia với vai trò nhà nhập khẩu. Hiện lực lượng đặc trách chống nhập khẩu rác thải nhựa đang tiến hành công tác thanh-kiểm tra tại cảng Klang và các cảng khác trên cả nước nhằm bảo đảm rằng Malaysia không trở thành bãi rác thải của thế giới.

Trước đó, Philippines cũng đã đưa 69 container chứa rác thải trở lại Canada. Trong hai năm 2013 và 2014, một công ty của Canada đã chuyển tới Philippines 103 container rác điện tử và rác sinh hoạt. Những container rác này được nhập khẩu vào Philippines dưới “nhãn” nhựa để tái chế, đã mục nát tại một cảng gần Manila trong gần 6 năm qua.

Động thái trả lại rác của các nước này được đưa ra trong bối cảnh khoảng 180 nước đã nhất trí sửa đổi Công ước Basel 1989-công ước Liên hợp quốc về buôn bán và xử lý chất thải nhựa. Theo Công ước Basel sửa đổi, các loại nhựa thải không phù hợp để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách rác thải cần quản lý và cần phải có sự đồng ý của những nước nhập khẩu trước khi xuất sang các nước này. Trong một thông cáo báo chí, Ban Thư ký Công ước Basel cho biết sửa đổi trên sẽ “khiến hoạt động buôn bán rác thải nhựa trên toàn cầu trở nên minh bạch hơn và được quản lý tốt hơn, trong khi bảo đảm rằng việc xử lý chúng sẽ an toàn với sức khỏe con người và môi trường”. “Sửa đổi Công ước Basel là bước đi đầu tiên để giải quyết tình trạng vận chuyển rác thải nhựa một cách không công bằng từ các nước phát triển sang những nước đang phát triển", Bộ trưởng Yeo Bee Yin nhận định.

Theo ước tính của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm. Rác thải nhựa đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và trở thành một vấn nạn môi trường của thế giới. Rác thải nhựa không thể tái chế thường được xử lý bằng cách đốt, và cách này đẩy một lượng lớn hóa chất độc hại ra bầu khí quyển của Trái Đất. Nếu được chôn lấp, rác thải nhựa có thể gây nhiễm độc cho đất và nguồn nước.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/lan-song-tu-choi-rac-nhap-khau-o-dong-nam-a-576867