Làn sóng vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc?

Trung tuần tháng 12 đã trở thành một dấu mốc đáng ngại đối với các nhà đầu tư trái phiếu Trung Quốc, khi một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có tên trong danh sách Fortune 500 chính thức vỡ nợ trên thị trường trái phiếu USD, mở đầu một xu thế đáng ngại.

Công ty 38 tỷ USD vỡ nợ

Ngày 11-12, Tewoo Group Corp thuộc sở hữu của chính quyền tỉnh Thiên Tân, đã công bố kết quả tái cơ cấu nợ chưa từng có, trong đó phần lớn các nhà đầu tư phải chấp nhận thua lỗ nặng, còn các cơ quan xếp hạng cho biết đủ điều kiện để xếp vào một vụ vỡ nợ. Điều này dự báo sẽ thay đổi nhận thức của các nhà đầu tư về trái phiếu DNNN Trung Quốc, vốn được cho là an toàn trong nhiều năm qua do có chính phủ “đỡ đầu”. Vụ vỡ nợ này đã vẽ ra một lộ trình để giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ tương tự trong tương lai.

Từng có tên trong Fortune Global 500, công ty đến từ thành phố cảng phía Bắc Thiên Tân cho biết các nhà đầu tư trái phiếu bằng USD, chiếm 57% trong tổng số 1,25 tỷ USD, đã chấp nhận được trả nợ chỉ còn 37%. Các trái chủ đại diện cho 22,6% số trái phiếu này đã bỏ phiếu để đổi nợ thành trái phiếu mới, với mức giảm giá thấp hơn được phát hành bởi đơn vị quản lý nợ nước ngoài của Tewoo, cũng thuộc chính quyền Thiên Tân.

Thất bại của Tewoo trên thị trường trái phiếu đồng USD là vụ vỡ nợ lớn nhất đối với một DNNN Trung Quốc, kể từ sau sự sụp đổ của Tập đoàn Tín dụng và Đầu tư quốc tế Quảng Đông năm 1998. Giới chuyên môn cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất 3 thập niên làm hạn chế khả năng bảo lãnh cho các DNNN yếu kém của chính quyền Bắc Kinh. Do đó, các nhà chức trách dường như ngày càng sẵn sàng sử dụng một cách tiếp cận có tính thị trường hơn để dọn dẹp mớ hỗn độn.

"Do không có nhiều trường hợp vỡ nợ trái phiếu nước ngoài của các thực thể thuộc sở hữu chính quyền địa phương Trung Quốc trong những năm gần đây, nên thị trường sẽ lấy trường hợp của Tewoo để đánh giá mức độ giảm giá tiềm năng mà thị trường có thể mong đợi trong tình trạng khó khăn như vậy” - Judy Kwok-Cheung, Giám đốc nghiên cứu thu nhập cố định tại Ngân hàng Singapore, cho biết.

Tewoo hoạt động trong một số ngành công nghiệp bao gồm cơ sở hạ tầng, hậu cần, khai thác, ô tô và cảng. Nó có dấu chân ở các quốc gia bao gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản và Singapore. Tập đoàn xếp hạng 132 trong danh sách Fortune Global 500 năm 2018, cao hơn nhiều tập đoàn khác bao gồm nhà cung cấp dịch vụ China Securities Corp và công ty tài chính titan Citic Group Corp. Tập đoàn có doanh thu hàng năm 66,6 tỷ USD, lợi nhuận khoảng 122 triệu USD, tài sản trị giá 38,3 tỷ USD và hơn 17.000 nhân viên tính đến năm 2017.

Mới là phần nổi tảng băng chìm

Kể từ khi DNNN vỡ nợ lần đầu tiên ở thị trường nội địa Trung Quốc 4 năm trước, 22 công ty như vậy đã không thể trả được 48,4 tỷ NDT (6,9 tỷ USD) trái phiếu tính đến cuối tháng 10 - theo Guosheng Securities. Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại định kỳ như trả nợ muộn, các DNNN Trung Quốc vẫn chưa chịu bất kỳ cuộc vỡ nợ quy mô nào trên thị trường trái phiếu đồng USD kể từ sau sự sụp đổ của Công ty Tín dụng và Đầu tư quốc tế Quảng Đông năm 1998. Năm 2019 đã chứng kiến hơn 20 tỷ USD vỡ nợ trái phiếu DNNN, gần gấp ba tổng số 2018 và cao nhất trong hồ sơ.

Vụ vỡ nợ cũng làm dấy lên mối lo ngại về tỉnh Thiên Tân, nơi Tewoo đặt trụ sở. Thành phố này có một loạt DNNN bị hạ cấp xếp hạng và đối mặt với những khó khăn tài chính. Nhưng Thiên Tân không phải là một ngoại lệ, S&P cảnh báo các chính quyền địa phương khác với các điều kiện tài chính xấu đi sẽ không còn đủ sức để hỗ trợ cho các DNNN ít cạnh tranh. Chẳng hạn đô thị gần Bắc Kinh cũng có tỷ lệ tài trợ trái phiếu trên GDP cao nhất trong số các chính quyền địa phương ở Trung Quốc.

Tất cả bắt đầu với sự phá sản của Tập đoàn Bohai Steel năm 2018, gây ra rủi ro hệ thống trong thị trường tài chính Thiên Tân. Vụ việc liên quan đến một số lượng lớn các công ty địa phương và các tổ chức tài chính, đã ghi nhận số lượng nợ xấu khổng lồ. Các tổ chức tài chính trở nên bảo thủ hơn trong các tiêu chuẩn cho vay, dẫn đến vấn đề thanh khoản cho một số doanh nghiệp ở Thiên Tân. Đồng thời, cải cách giảm thiểu đòn bẩy vốn của Bắc Kinh đã gây khó khăn cho một công ty có truyền thống sử dụng đòn bẩy cao như Tewoo để tăng tài chính. Vụ vỡ nợ vào tháng 5-2018 của Hsin Chong Group Holdings Limited, một công ty do Tewoo kiểm soát, đã cho thấy nhiều dấu hiệu của vấn đề tài chính tại Tewoo Group.

Các vấn đề nợ của Tewoo nổi lên từ cuộc khủng hoảng hiện tại có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi tăng trưởng kinh tế của Thiên Tân đã chậm lại kể từ đầu năm 2016. Tăng trưởng GDP giảm xuống 1,9% trong quý I-2018. Dù hồi phục sau đó, triển vọng vẫn bi quan với mức tăng trưởng GDP cả năm 2018 chưa đến 4%, thấp nhất cả nước - theo iFast.

Theo một báo cáo năm 2016 do cơ quan xếp hạng Moody’s công bố, các DNNN ở Thiên Tân đã ghi nhận tỷ lệ doanh thu nợ trên tài chính tổng hợp hơn 600%, cao nhất trong cả nước. Đồng thời, theo dữ liệu của chính quyền thành phố Thiên Tân, doanh thu tài chính của thành phố đã giảm đáng kể kể từ năm 2017. Doanh thu tài chính giảm gần 40 tỷ NDT năm 2017, trong khi các khoản vay của chính phủ tăng nhanh. Vào cuối năm 2018, khoản nợ của chính quyền Thiên Tân đã tăng gần gấp đôi doanh thu tài chính.

Năm 2020 sẽ có kỷ lục mới?

Vụ phá sản của Bohai Steel, một DNNN Thiên Tân vào năm 2018, cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Thiên Tân đã mất kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ địa phương. Bởi đã có một số DNNN ở Thiên Tân đang đấu tranh để ngăn chặn tình trạng mất khả năng thanh toán, chẳng hạn như Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Thiên Tân, nợ 200 tỷ NDT. Theo giới quan sát, công ty có khả năng sẽ tiến hành tái tổ chức phá sản theo cách tương tự như Bohai Steel. Nhưng đối với các trái chủ, việc thu hồi các khoản đầu tư của họ có thể khó khăn và tiềm năng lỗ nặng.

“Việc Thiên Tân thất bại trong tái cơ cấu nợ của Tewoo, cho thấy Bắc Kinh sẽ không còn cứu trợ ngay cả các DNNN. Sự mong đợi của các nhà đầu tư về sự hỗ trợ của nhà nước đối với các công ty liên kết nhà nước như vậy sẽ sụp đổ. Nó chắc chắn sẽ tác động “lạnh” đến nhu cầu đối với các nhà phát hành trái phiếu Trung Quốc, vì các nhà đầu tư thực sự sẽ phải thực hiện thẩm định để tìm ra thứ họ muốn mua” - Judy Kwok-Cheung, Giám đốc nghiên cứu thu nhập cố định tại Bank of Singapore, cho biết.

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu vụ vỡ nợ của Tewoo lây lan sang các loại nợ do chính quyền tỉnh hỗ trợ, một tình huống xấu có thể nhanh chóng trở thành thảm họa vì Thiên Tân có gánh nặng nợ cao nhất trong số các thành phố lớn và các tỉnh ở Trung Quốc - theo S&P. Đầu năm nay, Fitch đã giảm xếp hạng đối với một số đơn vị liên quan đến chính phủ ở thành phố này, nơi phụ thuộc vào ngành công nghiệp nặng và giao dịch hàng hóa.

Do có khoản nợ cao nhất, Thiên Tân cũng tăng trưởng chậm nhất - nền kinh tế địa phương Thiên Tân chỉ tăng 3,6% trong năm ngoái, chậm nhất ở Trung Quốc. Vào cuối năm ngoái, chính quyền Thiên Tân có số dư nợ trị giá 407,9 tỷ NDT, tương đương 22% quy mô nền kinh tế - theo đánh giá rủi ro tín dụng Trung Quốc.

Moody’s cho biết, dự kiến số vụ vỡ nợ của Trung Quốc sẽ tăng vọt trong năm 2020 khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và chính phủ giảm bớt hỗ trợ cho các công ty mắc nợ. Cụ thể, sẽ có 40-50 vụ vỡ nợ mới vào năm 2020, tăng từ 35 trong năm nay, khiến năm tới sẽ đạt một mức cao mọi thời đại mới.

Vụ vỡ nợ của Tewoo đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử, bởi những người đã mua trái phiếu với giả định rằng Bắc Kinh sẽ luôn bảo lãnh cho họ. Một loạt đợt bán tháo mạnh mẽ có thể chỉ là chất xúc tác phá vỡ thị trường nếu nó xuất hiện trong những ngày cuối.

Văn Cường

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/lan-song-vo-no-trai-phieu-trung-quoc-75379.html