Lan tỏa hiệu ứng vì nền giáo dục đại học chất lượng

Hiệu quả từ Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) được cho là điểm lan tỏa hiệu ứng, góp phần đưa chất lượng giáo dục đại học Việt Nam lên tầm cao mới.

Điểm sáng trong phát triển tự chủ đại học

Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, nghiên cứu, quản trị đại học và quản lý dự án (của ba cơ sở đại học tham gia: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân và Học viện Nông nghiệp Việt Nam), đồng thời tăng cường hệ thống quản trị giáo dục đại học của Việt Nam.

Tại Hội nghị tổng kết Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học ngày 15.12, các nhà quản lý, chuyên gia đều chung nhận định, sau thời gian thực hiện (2017 - 2023), Dự án vừa là động lực, vừa là điểm nhấn trong giai đoạn phát triển tự chủ đại học tại các trường tham gia, tạo hiệu ứng lan tỏa trong giáo dục đại học nước nhà.

Phòng thực hành thực tập với thiết bị hiện đại được đầu tư từ Dự án SAHEP góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: HVNN

Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia Dự án từ năm 2018, tập trung đầu tư xây dựng các phòng làm việc và nghiên cứu phục vụ đào tạo thuộc các lĩnh vực mũi nhọn, nâng cao chất lượng quản trị đại học. Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS. Trần Ngọc Khiêm cho biết, Dự án có tính tác động lớn, tạo thêm nguồn lực để thúc đẩy những cải tiến quan trọng trong công tác bảo đảm chất lượng. Trong khuôn khổ Dự án, Đại học Bách Khoa đã hoàn thành xây dựng tòa nhà C7 (gần 35.000m2 mặt sàn), đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu; xây dựng, cập nhật và cải tiến 54/67 chương trình đào tạo. Dự án cũng đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức và nâng cao năng lực quản trị đại học, đặc biệt là có bước chuyển mình quan trọng khi trở thành mô hình tổ chức đại học.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, SAHEP giúp cải thiện cả 3 trụ cột: năng lực nghiên cứu, đào tạo và quản trị đại học. Trong 5 năm chuẩn bị và thực hiện, dù gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh, thay đổi chính sách, pháp luật và tình hình thế giới biến động, Dự án đã đạt được kết quả đột phá trong các mục tiêu tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học, giúp Học viện khẳng định và cam kết với xã hội và người học về chất lượng giáo dục, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Đơn cử, nhờ có Dự án, Học viện được tăng cường cơ sở vật chất hiện đại phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học; năng lực nghiên cứu của Học viện được nâng cao, gắn với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn. Tỉ lệ giảng viên và nghiên cứu viên tham gia các nhóm nghiên cứu đạt 72% giai đoạn 2019 - 2022, tăng 20% so với giai đoạn 2015 - 2018; số lượng dự án, đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ tăng 26%; số lượng sản phẩm khoa học, đăng ký sở hữu trí tuệ tăng 115%; tổng số bài báo quốc tế giai đoạn 2020 - 2022 tăng 40% so với giai đoạn 2017 - 2019.

Tạo ra hình mẫu thành công

Việc thực hiện Dự án “Xây dựng Thư viện điện tử dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam” của SAHEP tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã tạo ra Thư viện điện tử kết nối dữ liệu nội sinh và ngoại sinh cho gần 50 trường đại học với 2,7 triệu lượt tải xuống. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Dự án, hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS) cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển, đưa vào sử dụng, bao gồm tất cả trường đại học cung cấp dữ liệu cho hệ thống. Có 622.743 sinh viên được hưởng lợi từ các biện pháp nhằm nâng cao khả năng học tập…

Từ kết quả thực tiễn đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, SAHEP đã mang tới những chuyển biến và góp phần nâng cao chất lượng từ bên trong, bao gồm nâng cao năng lực đào tạo, năng lực nghiên cứu, bảo đảm và nâng cao chất lượng cho giáo dục đại học tại cơ sở tham gia Dự án. Quan trọng hơn, Dự án đã tạo ra hình mẫu thành công để các trường đại học khác tham khảo, học hỏi.

Nhìn riêng trường hợp của Đại học Bách khoa Hà Nội, Dự án cho thấy nhu cầu và nguồn lực đầu tư giúp nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay là vô cùng quan trọng và cần thiết, đặc biệt với các trường đại học tự chủ. Hiện tại, các phòng thí nghiệm nghiên cứu được xây dựng trong khuôn khổ Dự án không chỉ phục vụ cán bộ khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn mở cửa đón cán bộ khoa học ở các trường đại học khác.

Điều này thúc đẩy giá trị chung cho nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Điều đó cũng cho thấy một khi có được nguồn lực, điều kiện về cơ sở vật chất, hiệu quả sẽ không chỉ bó hẹp trong một không gian trường đại học, mà phát triển, thúc đẩy toàn hệ thống.

Để bảo đảm tính bền vững và phát huy các kết quả đạt được, các cơ sở giáo dục đại học thụ hưởng tiếp tục sử dụng tối đa công năng của cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị cũng như những giá trị nền tảng mà Dự án mang lại. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, điều này không chỉ gắn với tầm nhìn chiến lược của từng đơn vị mà còn có tác động mang tính tổng thể, lâu dài đối với phát triển giáo dục đại học nói chung.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/lan-toa-hieu-ung-vi-nen-giao-duc-dai-hoc-chat-luong-i354381/