Lan tỏa hình ảnh bộ đội hậu cần thời kỳ mới

Sau hơn một năm tổ chức, Cuộc thi viết 'Bộ đội hậu cần (BĐHC) làm theo lời Bác Hồ dạy' đã về đích. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Hậu cần (TCHC), sự hưởng ứng tích cực của ngành hậu cần toàn quân cùng các cơ quan báo chí trong và ngoài quân đội.

Cuộc thi thực sự là chất xúc tác để các nhà báo, các cây bút không chuyên lan tỏa những chiến công, thành tích của BĐHC trên các mặt công tác, thúc đẩy công tác bảo đảm hậu cần tiến thêm những bước dài trong thời kỳ mới.

Đưa công tác tuyên truyền lên tầm cao

Nói đến công tác tuyên truyền về ngành hậu cần quân đội (HCQĐ), Thiếu tướng Lê Tất Cường, Chủ nhiệm Chính trị TCHC-đồng Trưởng ban tổ chức cuộc thi thông tin: Những năm qua, TCHC đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong và ngoài quân đội, nhất là với Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và TCHC về công tác HCQĐ. Công tác tuyên truyền đã bám sát và truyền tải đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ làm công tác bảo đảm hậu cần ở các cấp. Công tác tuyên truyền cũng làm rõ vị trí, ý nghĩa, nhiệm vụ của công tác hậu cần, phát huy tính chủ động, sáng tạo, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng toàn quân trong thực hiện các nhiệm vụ của công tác HCQĐ. Trong tuyên truyền kịp thời phát hiện, tôn vinh gương người tốt-việc tốt, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác hậu cần, việc thực hiện các mục tiêu, nội dung theo Nghị quyết số 623 của Quân ủy Trung ương “Về công tác HCQĐ đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ công tác HCQĐ trong thời kỳ mới, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống TCHC và ngành HCQĐ (11-7-1950 / 11-7-2020), TCHC đã phối hợp với Báo QĐND phát động Cuộc thi viết “BĐHC làm theo lời Bác Hồ dạy” nhằm tuyên truyền sâu rộng các hoạt động công tác HCQĐ trên Báo QĐND và các báo, tạp chí trong và ngoài quân đội, góp phần thúc đẩy, đưa Phong trào thi đua "Ngành HCQĐ làm theo lời Bác Hồ dạy" lên một bước mới, phát triển sâu rộng, ngày càng vững chắc, tạo động lực xây dựng ngành HCQĐ vững mạnh toàn diện, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

 Bộ đội Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: HUY NGUYỄN

Bộ đội Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: HUY NGUYỄN

Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp, tạo ra "sân chơi" cho các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên tìm hiểu viết bài dự thi, lan tỏa những chiến công, thành tích của BĐHC trên các mặt công tác.

Trong hơn một năm, từ khi phát động đến lúc kết thúc, đã có hơn 230 bài viết gửi về Báo QĐND và tạp chí HCQĐ tham dự cuộc thi. Báo QĐND đã chọn lựa và đăng tải hơn 120 bài viết có chất lượng trên các ấn phẩm của báo. Tạp chí HCQĐ và các báo quân khu, báo địa phương, tạp chí trong và ngoài quân đội cũng đăng tải hàng trăm bài viết có chất lượng về BĐHC. Đây chính là “cú huých” để cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân nói chung, ngành HCQĐ nói riêng phấn đấu vươn lên trong công tác, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Khắc họa đậm nét hình ảnh chiến sĩ hậu cần

Theo đánh giá của Ban tổ chức, sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí chứng tỏ hoạt động của BĐHC có sức lan tỏa lớn, được các nhà báo quan tâm, công chúng ghi nhận. Các bài dự thi đã đề cập toàn diện các lĩnh vực hoạt động của BĐHC, nêu bật được các gương sáng, các điển hình tiên tiến trong công tác, góp phần quan trọng tôn vinh BĐHC, đồng thời thúc đẩy công tác đổi mới, hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần thời kỳ mới. Các bài viết cũng góp phần động viên, khích lệ tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần toàn quân trong việc phát huy nội lực, xây dựng ý thức cần, kiệm, liêm, chính, tự lực, tự cường trong công tác.

Để có được thành công ấy, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong bảo đảm mọi thuận lợi để các nhà báo, các cộng tác viên tiếp cận các hoạt động của BĐHC, phải nói đến nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo của các cây bút chuyên và không chuyên. Để những tác phẩm báo chí “chạm” đến trái tim bạn đọc, nhiều tác giả đã không quản ngại vất vả, gian khó, thâm nhập các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo để tác nghiệp, thu thập thông tin, chụp ảnh, viết bài về BĐHC, công tác hậu cần.

Nhà báo Lê Đông Hà, công tác tại Báo Nhân Dân và Trung tá Nguyễn Việt Hà, Báo QĐND là những phóng viên như thế. Loạt 2 bài “Sức sống trên đỉnh Phu Xai Lai Leng” (đoạt giải 3) nói về Phong trào thi đua “Ngành HCQĐ làm theo lời Bác Hồ dạy” của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 (Quân khu 4) do các anh thể hiện đã khắc họa đậm nét chân dung những cán bộ, chiến sĩ hậu cần không chỉ “bắt đá nảy mầm” mà còn góp phần quan trọng giúp nhân dân xây dựng vùng biên trở thành các bản làng no ấm.

Đặc biệt, trong suốt thời gian kể từ khi xảy ra dịch Covid-19, các phóng viên, biên tập viên đã bám sát hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp, hướng dẫn, chỉ đạo của TCHC và ngành quân y đối với các cơ quan, đơn vị toàn quân về các biện pháp phòng, chống dịch (PCD). Mọi công tác chuẩn bị về nhân lực, vật lực phục vụ PCD; việc xây dựng các quy trình chuẩn trong PCD; thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi người nghi ngờ nhiễm Covid-19, xây dựng phác đồ điều trị... của cán bộ, chiến sĩ nói chung và ngành hậu cần nói riêng, đều được Báo QĐND và các báo, tạp chí trong và ngoài quân đội phản ánh kịp thời, sinh động. Thông điệp từ các bài báo đã lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng niềm tin cho nhân dân về công tác ứng phó, PCD của Đảng, Nhà nước và quân đội. Từ nhiệm vụ PCD của quân đội và BĐHC, đã có nhiều tác phẩm xuất sắc được hình thành và đăng tải trên các ấn phẩm báo chí toàn quốc. Việc đánh giá của Hội đồng giám khảo đề nghị Ban tổ chức tặng giải Nhất cho vệt 3 bài “Chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chống Covid-19” của tác giả Tiến Đạt (Báo QĐND) và giải Ba cho tác phẩm “Hết dịch anh sẽ về” của nhà báo Phùng Minh (Báo QĐND) chính là sự đánh giá, nhìn nhận chính xác về hình ảnh người chiến sĩ hậu cần “chống giặc trong thời bình”.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Bộ đội Hậu cần

Theo Thiếu tướng Lê Tất Cường, Cuộc thi viết "BĐHC làm theo lời Bác Hồ dạy” đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra, thực sự tạo được dấu ấn trong công tác tuyên truyền về ngành HCQĐ. Cuộc thi đã làm sáng rõ thêm hình ảnh, hoạt động của BĐHC trong thời bình, đồng thời nêu bật các điển hình tiên tiến của BĐHC, góp phần tô thắm thêm truyền thống của ngành HCQĐ và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Cuộc thi cũng tạo dữ liệu cơ sở để TCHC lựa chọn các tác phẩm có chất lượng in ấn thành sách, phổ biến rộng rãi, lâu dài trong toàn quân.

Trên cương vị lãnh đạo cơ quan báo chí, đồng Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi, Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phụ trách Tổng biên tập Báo QĐND cho rằng, việc tuyên truyền về ngành HCQĐ là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Báo QĐND và các cơ quan báo chí trong quân đội. Vì vậy trong thời gian tới, nhiệm vụ này cần tiếp tục được duy trì có nền nếp với nhiều hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo, hiệu quả hơn nữa. Mục đích là để tiếp tục lan tỏa hình ảnh BĐHC trong thời bình, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Từ những nhận định đánh giá của lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan báo chí, lãnh đạo, chỉ huy TCHC và ngành HCQĐ, Ban tổ chức cuộc thi xác định, sau tổng kết, trao giải sẽ rút ra các bài học kinh nghiệm, có những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo TCHC, lãnh đạo Báo QĐND, bảo đảm cho các hoạt động tương tự sau này được toàn diện, chất lượng hơn, đưa công tác tuyên truyền BĐHC lên một tầm cao mới.

Các tác phẩm, tác giả đoạt giải Cuộc thi viết “Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy”

Giải nhất thuộc về tác giả Nguyễn Tiến Đạt (Báo Quân đội nhân dân-QĐND) với vệt 3 bài: Chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chống Covid-19. Hai giải nhì gồm: Nhóm tác giả Trần Hoàng Tiến, Lại Nguyên Thắng, Đặng Thị Bích Trang, Nguyễn Hồng Quang, Lương Đình Thảo (Báo QĐND và Tạp chí Hậu cần Quân đội) với vệt 3 bài: Đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần: Từ chủ trương lớn đến thực tiễn sinh động; các tác giả: Trần Văn Ngọc, Phạm Anh Dũng (Báo Quân khu 3) với vệt 3 bài: Phát huy nội lực, bảo đảm tốt hậu cần nơi đầu sóng. Ba giải ba gồm: nhóm tác giả Lê Đông Hà, Nguyễn Việt Hà (Báo Nhân Dân và Báo QĐND) với vệt 2 bài: Sức sống trên đỉnh Phu Xai Lai Leng; Phùng Văn Minh (Báo QĐND) với tác phẩm: Hết dịch anh sẽ về; Trần Lê Nam (Tạp chí Công nghiệp, Quốc phòng và Kinh tế) và Hà Huyền Trang (Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội) với tác phẩm “Búp phê” của những người lính thợ. 19 giải khuyến khích gồm các tác giả: Lưu Quang Đức, Hồ Kiên Giang, Phan Hữu Tài (Báo Quân khu 9) với tác phẩm: Tình quân dân trong gian khó; Nguyễn Thế Hiển (Báo Quân khu 9) với tác phẩm: Giúp người bệnh hòa nhập đời thường; Hà Thanh Minh (Báo QĐND) với tác phẩm: Lái xe không kể ngày đêm; Nguyễn Văn Chiển (Báo QĐND) với vệt 2 bài: Tô thắm tình anh em nơi biên giới Việt-Lào; Lê Quang Hồi (Báo QĐND) với tác phẩm: Hiệu quả từ những “nhà máy hậu cần” trên đất Tây Nguyên; Nguyễn Văn Thanh (Báo Quân khu 3) với vệt 2 bài: Xây dựng ngành xăng dầu Quân khu 3 “chính quy, an toàn, tiết kiệm”; Vũ Lệ Huyền (Báo QĐND) với vệt 2 bài: "Sức sống” của những kỷ vật ngành hậu cần quân đội; Nguyễn Thị Liên (Cục Gìn giữ hòa bình, Bộ Tổng Tham mưu) với tác phẩm: Hạt giống “niềm tin”; Hoàng Kim Nhượng (Báo Biên phòng) với tác phẩm: Tấm lòng người thầy thuốc quân y nơi vùng biên Ia Puch; Trần Thị Thúy An (Báo QĐND) với tác phẩm: Phòng khám Đa khoa Quân dân y Dinh Bà: Cầu nối gắn kết tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia; Đào Duy Hiệp (Sư đoàn 395, Quân khu 3) với tác phẩm: Hiệu quả trong áp dụng mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen; Nguyễn Văn Cự (số 10, đường Nghĩa Lộ, tổ 5, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) với tác phẩm: Nhớ khóa học lái xe năm ấy; Lê Anh Tần (Báo QĐND) với tác phẩm: Xà phòng thủy thủ “Made in Vietnam”; Vũ Viết Dương (Báo Quân khu 2) với vệt 3 bài: Nghĩa tình quân dân nơi tuyến đầu phòng dịch; Ngô Tiến Mạnh (Báo Phòng không-Không quân) với tác phẩm: Chuyện tăng gia rau xanh ở Trường Sa; Lê Thị Thảo (Báo Vĩnh Phúc) với tác phẩm: Những suất ăn đặc biệt phục vụ người cách ly tập trung phòng dịch; Lê Thành Công (Học viện Hậu cần) với tác phẩm: Tiết kiệm trong công tác hậu cần theo tư tưởng Hồ Chí Minh; Vũ Gia Tuyển (Lữ đoàn Không quân 918, Quân chủng Phòng không-Không quân) với tác phẩm: Trên dưới cùng lo cho cảnh quan doanh trại xanh, sạch, đẹp; Đặng Thị Đào (Báo Sơn La) với tác phẩm: Ấm lòng người dân nơi cách ly y tế tập trung.

HUY PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lan-toa-hinh-anh-bo-doi-hau-can-thoi-ky-moi-624325