Lan tỏa hơi ấm tình thương

Trong những lần tác nghiệp ở vùng cao, điều trăn trở nhất của chúng tôi bao giờ cũng dành cho trẻ em. Bởi lẽ không biết 'Mùa đông này chúng đi học như thế nào?', 'Liệu có áo ấm không?', 'Có nghỉ học không?'… Muôn vàn câu hỏi, bởi càng đi, chúng tôi càng hiểu những khó khăn mà các em đang phải trải qua. Từ đó, càng dành nhiều tình cảm yêu thương cho những mầm non đang mỗi ngày vươn lên mạnh mẽ, mong các em sớm tô điểm và làm chủ mảnh đất này.

Thầy giáo Loan Thanh Tào (điểm trường Sông Moóc B, Trường Tiểu học Đồng Văn, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) cõng học sinh đi qua đoạn đường khó.

Mùa đông trên dẻo cao

Năm học 2018-2019, tôi có dịp đến thăm điểm trường Sông Moóc B, thuộc Trường Tiểu học Đồng Văn (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu). Ba ngày sinh sống, trải nghiệm đã cho tôi nhiều ấn tượng sâu đậm và đáng nhớ. Khi ấy, trời vừa bước sang thu nhưng sương giá đã lạnh buốt.

Mặc những cây hoa dong riềng mọc đỏ rực cả con đường tụi nhỏ đến trường, cũng chẳng thể mang đến hơi ấm giữa bản làng vùng cao này. Ký ức về những cô bé, cậu bé học sinh ở đó vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ tôi. Trong đó, có hình ảnh của những em nhỏ đi chân đất đến trường, có những chai cháo trắng tiếp sức giữa buổi học... Mọi thứ dù mới lạ với tôi nhưng đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của học sinh nơi đây.

Ở đây, hầu như em nào đi học cũng được gia đình chuẩn bị một chai cháo trắng. Thứ cháo nấu bằng gạo tẻ chỉ thấy toàn nước, được các bà, các mẹ cẩn thận rót vào chai nhựa gần nửa lít để bọn trẻ ăn khi đói. Nhìn những chai cháo sóng sánh theo bước chân lon ton đi học, tôi ước có thể thay chúng bằng những chai sữa bổ dưỡng… May mắn, các điểm trường được đầu tư khá tươm tất. Ngôi trường bằng gạch chắc chắn, bàn học ngay ngắn. Các thầy cô đều hết lòng vì học sinh.

Cô giáo Hoàng Thị Tuyết chia sẻ: Mùa đông trên bản cao buốt giá hơn ở dưới xuôi. Có năm, rét đậm, rét hại kéo dài, thậm chí có cả băng giá, sương tuyết, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của bà con. Vì vậy, ngay từ giữa mùa thu, chúng tôi đã nhắc nhở phụ huynh mặc quần áo ấm cho các em và chuẩn bị sẵn quần áo dự phòng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ, san sẻ để các bé có một mùa đông ấm áp hơn.

Học sinh điểm trường Sông Moóc B, Trường Tiểu học Đồng Văn (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) uống nước cháo "chống đói" vào giờ ra chơi.

Thực tế, mùa đông luôn là giai đoạn khó khăn của nhiều trường học ở vùng cao, nhất là các trường mầm non, tiểu học. Bởi lẽ, các em vẫn còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên dễ bị bệnh, không thể đến trường. Thêm vào đó, điều kiện kinh tế của hộ dân ở đây thấp, đông con nên sự đầu tư cho giáo dục chưa cao. Nhiều khi phụ huynh bận đi làm, không có thời gian đưa con đến trường. Các thầy cô thường phải đến tận nơi vận động nhiều lần, hỗ trợ thêm quần áo, dụng cụ học tập cho học sinh.

Ở Ba Chẽ, điều khiến các thầy cô trăn trở nhất chính là việc đảm bảo phòng học ấm áp cho học sinh bán trú. Như điểm trường Làng Cổng, điểm trường Nà Làng, thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Đồn Đạc 2; Trường Tiểu học Nam Sơn... còn thiếu chăn bông, đệm cho học sinh bán trú.

Cô Nguyễn Thị Xoan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Sơn (xã Nam Sơn) cho biết: Năm học này, các điểm trường dồn về đây, số lượng học sinh bán trú lên đến hơn 100 em. Tuy nhiên, trường vẫn còn thiếu chăn bông ấm và đệm cho các em. Chúng tôi cũng cố gắng kêu gọi các nguồn xã hội hóa để giúp các em có một mùa đông ấm áp khi đến trường.

Bữa trưa của học sinh Trường PTDT nội trú Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) được đảm bảo chất dinh dưỡng, nóng hổi.

Không chỉ ở cấp mầm non, tiểu học, khối trường nội trú cũng tích cực chuẩn bị công tác chống rét cho học sinh. Nhiều trường học đã chuẩn bị thêm chăn bông, đệm cho các phòng bán trú. Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt việc nấu ăn bán trú đảm bảo thức ăn ấm nóng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng.

"Mùa đông không lạnh"

Được biết, ngày 15/10/2019 UBND tỉnh đã có văn bản số 237/KH-UBND ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2019-2020. Theo đó, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu, bàn ghế cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định.

Đồng thời, đặc biệt hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú học sinh cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Tổng vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020 là trên 22 tỷ đồng. Được biết, đến nay, mức kinh phí thực hiện chương trình là trên 14 tỷ đồng.

Không chỉ có sự vào cuộc của chính quyền, các khối đoàn thể, doanh nghiệp, đơn vị cũng tích cực thực hiện nhiều chương trình từ thiện, tặng quần áo, chăn ấm, đồ dùng… lan tỏa hơi ấm của tình yêu thương đến với những bản vùng cao. Một người có thể không sưởi ấm được mùa đông, nhưng nhiều tấm lòng hảo tâm có thể mang đến hơi ấm và truyền động lực cho nhiều thế hệ trẻ - những mầm non tương lai của đất nước.

Cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) tặng áo ấm cho học sinh Trường Mầm non Khe Tao (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên), cuối tháng 12/2019.

May mắn được đồng hành cùng chương trình “Áo ấm cho em” tại xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên của Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) phối hợp với nhóm tình nguyện Hạ Long Kids tổ chức, tôi càng cảm nhận rõ sự sẻ chia của cộng đồng dành cho trẻ em vùng cao. Với 57 suất quà, gồm: 1 bộ áo khoác ấm, găng tay, tất… cũng đủ sưởi ấm mùa đông cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của 2 điểm trường Mầm non Khe Tao và Bắc Buông (thôn Khe Chanh).

Nhìn những đứa trẻ lấm lem, quần áo ngắn cũn theo bố mẹ đến trường nhận quà, chúng tôi không khỏi xúc động. Nhiều bộ quần áo trẻ em ở đây mặc được quyên góp từ các đoàn từ thiện. Có những bộ mặc quá lâu đến sờn rách. Nhiều em chỉ đi dép lê dù trời đã vào đông lạnh buốt.

Bí thư Chi đoàn Phòng An ninh chính trị nội bộ Lê Mạnh Hùng chia sẻ: Tuy giá trị vật chất mỗi phần quà không lớn, nhưng là tình cảm và niềm tin của các cán bộ, chiến sĩ và những tấm lòng hảo tâm dành cho mầm non của đất nước. Tôi tin rằng, dù mùa đông có khắc nghiệt đến mấy, nhưng với sự đồng hành và sẻ chia của cộng đồng, xã hội, các em học sinh sẽ có thể mạnh mẽ vượt qua, tiếp tục học tập để làm chủ cuộc sống của mình.

Đoàn thiện nguyện Trường Mầm non Nắng Mai đến thăm, trao quà cho học sinh điểm trường mầm non thôn Nà Cáng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, cuối tháng 12/2019.

Đúng như những chia sẻ của anh Hùng, dịp cuối năm là khoảng thời gian cả xã hội chung tay sưởi ấm vùng cao, mang mùa xuân đến sớm hơn với trẻ em và người dân khó khăn. Đó là chương trình "Tình nguyện mùa đông" của Thành Đoàn Hạ Long và nhiều nhà hảo tâm trên địa bàn TP Hạ Long đã tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí, trao tặng 70 suất quà gồm nhiều áo ấm, vật dụng trị giá 65 triệu đồng cho trên 120 người dân tại thôn Phủ Liễn, xã Đồng Sơn.

Hay như Đoàn thiện nguyện Trường Mầm non Nắng Mai đã có chuyến thăm, tặng 220 chiếc áo ấm, gần 400 suất sữa cho học sinh tại 5 điểm trường thuộc Trường Mầm non Quảng An huyện Đầm Hà. Ngoài ra còn có Tổng Công ty Hóa dầu PLC trao tặng 70 triệu đồng, 140 áo ấm, 1 tủ cơm hấp và 30 phần quà cho học sinh Trường THCS Bắc Sơn, TP Móng Cái….

Rất nhiều chương trình tình nguyện, những chuyến quà chở theo quần áo ấm, chăn ấm, lương thực thực phẩm… Để vùng khó của Quảng Ninh không còn mùa đông giá lạnh, không nơi đâu là “Bắc Cực”, giống như câu nói nổi tiếng của nhà văn người Nga M.Go-rơ-ki “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi thiếu vắng tình thương”...

Hoàng Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201912/lan-toa-hoi-am-tinh-thuong-2465943/