Lan tỏa hợp tác phát triển Việt Nam-Nhật Bản

Nếu 500 năm trước, phố cổ Hội An từng là thương cảng nhộn nhịp của các thương gia Nhật Bản, thì nay Vĩnh Phúc và nhiều tỉnh, thành phố khác hoàn toàn có thể trở thành những trung tâm quan trọng trong mạng lưới cung ứng và sản xuất khu vực và toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư. (Ảnh: Tuấn Anh)

UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu tại “Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam-Nhật Bản” năm 2022 tại TP. Vĩnh Yên (ngày 23/6), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tin tưởng, ngay sau sự kiện sẽ có nhiều ý tưởng, chương trình và dự án hợp tác mới, thiết thực và khả thi giữa Vĩnh Phúc và các đối tác Nhật Bản được trao đổi, ký kết và đi vào triển khai trong thời gian tới.

Đối tác chiến lược bước vào giai đoạn mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khái quát về mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản hiện nay là “Chân thành, tình cảm, tin cậy, thực chất, hiệu quả”, tinh thần Đối tác chiến lược sâu rộng và tin cậy lẫn nhau đang lan tỏa trong hợp tác hữu nghị không chỉ trên các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan trung ương, mà cả các địa phương…

Vĩnh Phúc đang là một kênh kết nối như thế, góp phần nhân lên các kết quả hợp tác hiệu quả trong quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng và tin cậy lẫn nhau.

Đánh giá về sự phát triển vượt bậc của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, các nhà lãnh đạo hai nước đã đạt nhận thức chung rộng rãi về phương hướng lớn và các biện pháp nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực, mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng.

Đến nay, các địa phương Việt Nam và Nhật Bản đã ký hơn 70 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác về thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giáo dục - đào tạo, lao động… Kể cả trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn và trở ngại do dịch Covid-19, hợp tác giữa các địa phương hai nước vẫn duy trì đà phát triển.

Trong đó, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những mắt xích quan trọng gắn kết, bổ sung cho nhau. Như ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội nhận xét “Nhật Bản và Việt Nam đều có những điểm mạnh và điểm yếu bổ sung cho nhau và cần nhau”.

Minh chứng là, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào cuối năm 2021 các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã ký và trao đổi hơn 50 văn kiện, thỏa thuận hợp tác.

Chưa đầy sáu tháng sau, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida Fumio, thêm 23 văn kiện hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã được ký kết, bao trùm nhiều lĩnh vực quan trọng, như kinh tế - thương mại, khoa học công nghệ, giao thông vận tải, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Thực hiện chủ trương “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, nhiều năm qua, ngoại giao kinh tế đã là một trụ cột của ngành Ngoại giao, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Trên thực tế, trong triển khai công tác đối ngoại, Bộ Ngoại giao cũng luôn nhận được nhiều “đơn đặt hàng” của các tỉnh, thành phố của Việt Nam về hỗ trợ kết nối với các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản.

Nói về tiềm năng của tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, nhiều năm nay, Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản. Vĩnh Phúc chính là nơi khởi nguồn phương thức “khoán hộ” gia đình, đặt những viên gạch đầu tiên cho đột phá tư duy quản lý kinh tế và mở đường cho công cuộc Đổi mới ở Việt Nam.

“Chúng tôi đã và đang chủ động, tích cực thúc đẩy kết nối các địa phương và doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, đối tác quốc tế thông qua tổ chức nhiều hoạt động thực chất và hiệu quả. Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam – Nhật Bản năm 2022 là minh chứng cho những nỗ lực đó của Bộ Ngoại giao”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và địa phương dự Hội nghị "Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản" năm 2022. (Ảnh: Tuấn Anh )

Nhân lên sức mạnh hợp tác

Dựa trên thực tế, khi nói về các đối tác Nhật Bản hiện diện tại Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, trong tiến trình phát triển, Vĩnh Phúc luôn xem các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, trụ cột trong chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh. Vĩnh Phúc đã thiết lập và có lịch sử 27 năm, mối quan hệ hợp tác với các địa phương ở Nhật Bản từ năm 1995 và tiếp tục có quan hệ hợp tác hữu nghị chính thức với tỉnh Akita từ năm 2015 và tỉnh Tochigi Nhật Bản từ tháng 12/2021.

Khi Tập đoàn Toyota và Tập đoàn Honda Nhật Bản đầu tư vào Vĩnh Phúc đã góp phần tạo nền móng vững chắc và phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Vĩnh Phúc và Nhật Bản. Từ hợp tác về kinh tế cho đến nay, phạm vi hợp tác đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực và ngày càng phát triển tốt đẹp. Tỉnh Vĩnh Phúc luôn tin tưởng và đánh giá rất cao về chất lượng và hiệu quả từ các dự án của Nhật Bản.

Các dự án đầu tư trực tiếp và các dự án hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc trong những năm qua đã đóng góp tích cực và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, là nền tảng xây dựng quan hệ bền chặt giữa Vĩnh Phúc và Nhật Bản. Đến hết tháng 5/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 435 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 7,3 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản có 58 dự án với tổng vốn là 1,62 tỷ USD.

“Nhật Bản luôn đứng đầu về tỷ lệ và số vốn thực hiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như những đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Quan điểm của Vĩnh Phúc là các nhà đầu tư tại Vĩnh Phúc và công dân của tỉnh, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh, do vậy, tỉnh sẽ luôn luôn đặc biệt quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất về các chính sách hỗ trợ, thu hút cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng được thành công khi đầu tư tại Vĩnh Phúc”, bà Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định.

Từ Bản ghi nhớ tới liên kết hiệu quả

Từ những kết quả đã “đơm hoa kết trái”, nhằm đẩy mạnh hơn những hợp tác bền vững trong tương lai, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành và Trưởng đại diện JETRO Hà Nội vừa ký kết Bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Vĩnh Phúc trong các lĩnh vực như công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, kỹ thuật nông nghiệp và các ngành phát triển dựa trên nền tảng Công nghiệp 4.0; hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc kết nối để tham gia vào chuỗi cung ứng hiện có của doanh nghiệp Nhật Bản; sau khi xác định rõ mục tiêu thu hút đầu tư bằng cách tận dụng thế mạnh của tỉnh Vĩnh Phúc, hai bên sẽ hợp tác để kết nối và tổ chức các sự kiện cho mục tiêu này.

Chia sẻ về kỳ vọng hợp tác “không có giới hạn giữa Việt Nam - Nhật Bản” như Thủ tướng Kishida Fumio nhận định, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, “chúng tôi không dừng lại ở hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mà còn mong muốn thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc để mở rộng giao dịch và thu mua linh kiện sau đó”.

Ngoài ra, “kỹ thuật nông nghiệp cũng là một lĩnh vực hợp tác có triển vọng. Chúng tôi muốn gắn kết cơ khí nông nghiệp và kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến của Nhật Bản với tài nguyên nông nghiệp phong phú của tỉnh Vĩnh Phúc”, ông Nakajima chia sẻ.

Từ thực tế, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cũng đặt niềm tin vào triển vọng phát triển các mối quan hệ địa phương Nhật Bản với Vĩnh Phúc trong thời gian tới, khi hai bên cùng có nhiều điểm tương đồng và có nhiều tiềm năng có thể hợp tác. Chẳng hạn, cả hai tỉnh Tochigi và Akita đang hợp tác với Vĩnh Phúc đều có thế mạnh trong nông nghiệp, công nghiệp chế tạo và logistic, cũng như tiềm năng phát triển du lịch đẳng cấp cao.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lan-toa-hop-tac-phat-trien-viet-nam-nhat-ban-189195.html