Lan tỏa kiến thức pháp luật đến người dân

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, trong 3 tháng đầu năm 2022, 25 Sở Tư pháp các tỉnh, thành phía Nam đã tích cực và chủ động trên các mặt công tác, nổi bật là công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) và phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lê Quang Vinh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phạm nhân tại Nhà tạm giữ Công an TP.Biên Hòa vào ngày 23-4. Ảnh: CTV

* Nhiều hoạt động hướng về người dân

Theo Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp, trong quý I-2022, 25 tỉnh, thành phía Nam đã triển khai TGPL cho nhiều người, đặc biệt là những đối tượng yếu thế như: người nghèo, người khuyết tật, trẻ em... Bằng cách tăng cường đổi mới phương thức truyền thông về TGPL và nâng cao chất lượng vụ việc TGPL, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để kịp thời tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp. Trong quý I-2022, 21/25 Trung tâm TGPL các tỉnh, thành phía Nam đã tiến hành trợ giúp gần 3 ngàn vụ việc, trong đó tham gia tố tụng với hơn 1,3 ngàn vụ.

Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Sở Tư pháp các địa phương đã có kế hoạch PBGDPL bằng nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phối hợp với cơ quan báo chí đăng tải các tin, bài tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, giúp người dân có nhiều góc tiếp cận kiến thức pháp luật trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là các lĩnh vực “nóng”, được nhiều người quan tâm như: xây dựng, đất đai, môi trường, giao thông…”.

Riêng tại Đồng Nai, lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết, trong quý I-2022, đã thực hiện TGPL 83 vụ việc, trong đó tham gia tố tụng cả 83 vụ việc. Đồng thời, thực hiện tiếp và tư vấn cho 195 người dân không thuộc đối tượng được hưởng chính sách TGPL miễn phí nhưng có nhu cầu giải đáp vướng mắc về các vấn đề liên quan đến pháp luật hình sự, dân sự, đất đai... Ngoài ra, thực hiện biên soạn 6 chuyên mục phát thanh và TGPL trên sóng phát thanh, truyền hình trên toàn tỉnh.

Riêng lĩnh vực PBGDPL, Sở Tư pháp đã xây dựng kế hoạch công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Đặc biệt là các kế hoạch như: PBGDPL về phòng, chống tham nhũng; tổ chức cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật năm 2022; thực hiện mô hình Cấp tỉnh bố trí kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện và cấp xã tiếp nhận kết quả PBGDPL… Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo, đài trong tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phổ biến các quy định pháp luật mới, các quy định được nhiều người quan tâm.

* Sẽ đa dạng hình thức tuyên truyền

Bên cạnh các kết quả đạt được, Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp cũng chỉ ra các hạn chế chung của 25 tỉnh, thành trong 2 lĩnh vực TGPL và PBGDPL là hình thức, chất lượng các buổi PBGDPL đôi lúc chưa cao, còn đơn điệu, nội dung tuyên truyền còn rập khuôn, thiếu đa dạng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đã được thực hiện nhưng chủ yếu tập trung ở vùng đô thị. Không chỉ vậy, vẫn còn đối tượng được TGPL miễn phí, có nhu cầu nhưng chưa tiếp cận được chính sách này. Một số địa phương ở cơ sở chưa hiểu rõ về chức năng, ý nghĩa của công tác TGPL, dẫn đến có trường hợp thuộc diện được TGPL nhưng chưa tiếp cận chính sách.

Trước thực tế trên, tại hội nghị trực tuyến giao ban các Sở Tư pháp khu vực phía Nam 3 tháng đầu năm 2022, lãnh đạo các Sở Tư pháp 25 địa phương đã kiến nghị một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác TGPLvà PBGDPL.

Theo đó, lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh đề nghị cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện TGPL. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, tọa đàm để chia sẻ những kinh nghiệm tốt của các địa phương trong quá trình tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL.

Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông cho rằng, nên đa dạng hóa hình thức PBGDPL phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội. Đưa nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân tộc, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính vào các buổi sinh hoạt trong nhà trường, đặc biệt là các trường THCS, THPT ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Riêng tại Đồng Nai, thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ đa dạng các hình thức tuyên truyền, PBGDPL đến nhiều đối tượng hơn. Bằng cách tiếp tục tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh triển khai cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật năm 2022 sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; tổ chức hội nghị tập huấn báo cáo viên pháp luật; phát hành Bản tin tư pháp; biên soạn Tài liệu tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật cung cấp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Đặc biệt, Sở sẽ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh kế hoạch tổ chức cuộc thi Xây dựng video tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2022.

Tại hội nghị trực tuyến giao ban các Sở Tư pháp khu vực phía Nam 3 tháng đầu năm 2022 ngày 21-4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đề nghị các cơ quan tư pháp khu vực phía Nam tiếp tục chủ động tham gia với chính quyền các cấp trong việc nâng cao chất lượng công tác TGPL và PBGDPL; đồng thời, tiếp tục số hóa sổ bộ hộ tịch; xúc tiến để đưa 3 dịch vụ công lĩnh vực tư pháp: đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Minh Thành

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202205/lan-toa-kien-thuc-phap-luat-den-nguoi-dan-3114454/