Lan tỏa lối sống xanh: Cần sự chung sức của cả cộng đồng

Hà Nội đã và đang nỗ lực hướng tới xây dựng hình ảnh Thủ đô không rác thải nhựa. Bên cạnh sự tự ý thức của người dân đang có những chuyển biến rất tích cực, để thiết thực hơn nữa việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa cần có sự chung sức của cả cộng đồng và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành.

Những tín hiệu tích cực

Thời gian gần đây, việc chung tay hạn chế rác thải nhựa ở Thủ đô Hà Nội trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Hàng loạt các phong trào thi đua, chương trình bảo vệ môi trường được thực hiện góp phần thay đổi nhận thức của người dân và bước đầu được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm và nhận được đồng thuận cao.

Túi vải được thay thế cho túi nilon có thể tái sử dụng nhiều lần

Túi vải được thay thế cho túi nilon có thể tái sử dụng nhiều lần

Đi tiên phong trong phong trào chống rác thải nhựa là phong trào “Chống rác thải nhựa” do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức. Từ phong trào này, nhiều phong trào bám sát với thực tiễn cuộc sống đã được diễn ra nhằm hạn chế sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt và giảm rác thải nhựa ra môi trường.

Đơn cử có thể kể đến phong trào “Chống rác thải nhựa” còn được Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hoàn Kiếm lồng ghép với các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng nhân rộng mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn”. Hay như quận Hai Bà Trưng tổ chức “Ngày không túi ni lông”, quận Tây Hồ mở lớp tập huấn “Đan làn nhựa đi chợ”.

Nhiều nơi đã sử dụng lá chuối để gói nông sản

Các cấp hội phụ nữ cũng tổ chức phát miễn phí làn nhựa, túi thân thiện với môi trường cho hội viên đi chợ,… Bằng nhiều việc làm cụ thể, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã dần nâng cao nhận thức về việc sử dụng các sản phẩm dễ tiêu hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường cho chị em phụ nữ, những bà nội trợ trong gia đình.

Cảm nhận lối sống được đổi thay theo hướng tích cực, bà Nguyễn Thị Sang (Trung Văn, Nam Từ Liêm) hào hứng: “Gia đình tôi trước đây vẫn dùng túi nilon để đựng đồ ăn hay gói ghém đồ đạc. Thế nhưng từ khi hoạt động với hội phụ nữ, được tìm hiểu về tác hại của rác thải nhựa tôi đã chủ động hạn chế tối đa sử dụng các vật dụng này trong sinh hoạt. Hiệu quả nhất là tôi từ chối đựng thức ăn trong túi nilon khi đi chợ, mang bát từ nhà khi mua đồ ăn sẵn,…

Có thể những tác động to lớn thấy ngay thì chưa thấy nhiều, nhưng trước mắt tôi cũng yên tâm cho sức khỏe của gia đình và hạn chế được rác sinh hoạt vứt ra. Do đó tôi cũng cố gắng động viên những người xung quanh và gia đình điều chỉnh càng sớm càng tốt, các bạn trẻ là những người hưởng ứng nhiều nhất”.

Không chỉ trong các hộ gia đình, những hiệu ứng tích cực có thể nhìn rõ nhất ở những nơi cung cấp dịch vụ ăn uống như quán ăn, quán cafe. Đây cũng được xem là nơi sử dụng và thải ra số lượng lớnphế phẩm làm từ nhựa khó tiêu hủy.

Dạo quanh phố phường Thủ đô từ vùng ngoại thành cho đến nội thành, dễ dàng thấy hàng loạt quán xá ở Hà Nội đã hưởng ứng phong trào sống xanh từ việc thay đổi thói quen dùng ống hút nhựa, túi nilon. Nhiều quán cà phê ở Hà Nội đang chuyển qua sử dụng ống hút thân thiện môi trường thay cho ống hút nhựa, đựng đồ mang về bằng cốc giấy, túi giấy thay vì cốc nhựa, túi nilon... Những hành động tuy nhỏ nhưng thiết thực chung tay giảm thiểu rác thải nhựa đang là vấn nạn ở nhiều nơi.

Là người tiên phong tại xã Thụy Lôi (huyện Đông Anh), anh Ngô Văn Sửu (chủ một quán cafe) vui vẻ: “Quán tôi đã kinh doanh loại hình giải khát được hơn 10 năm nay, trung bình mỗi năm sử dụng hết hàng chục ngàn ống hút nhựa và vô vàn vật dụng làm từ nhựa khác. Nhận thức được tác hại của chúng nên trong khoảng 3 tháng trởi lại đây quán chúng tôi đã thay thế ống hút nhựa sang sử dụng ống hút gạo, tiến tới sử dụng ống hút inox để có thể tái sử dụng nhiều lần.

Cùng với việc thay đổi ống hút nhựa, quán còn hướng tới dùng túi giấy gói đồ uống mang về. Việc giảm thiểu rác thải nhựa được áp dụng triệt để nhất ở mọi khâu, mọi quá trình. Bước đầu nhận được sự quan tâm và yêu thích của khách hàng và bản thân tôi cũng nhận thấy đây là việc làm có tác dụng”.

Bên cạnh việc thay đổi ống hút, nhiều cách làm hay đã được các cửa hàng áp dụng như khuyến khích khách hàng mang bình, ly riêng của mình để hạn chế số lượng cốc nhựa được sử dụng. Điều đặc biệt hơn nữa khi khách hàng mang cốc, bình của mình sẽ được miễn phí tăng kích cỡ hoàn toàn với mọi loại đồ uống.

Trực tiếp trải nghiệm hình thức khuyến khích trên, bạn Thu Hà (sinh viên đại học Sư phạm Hà Nội) thích thú: “ Tôi rất ấn tượng mỗi lần tới quán cafe nào sử dụng các loại ống hút thân thiện với môi trường. Nếu tất cả các quán cafe ở Hà Nội đều như vậy sẽ giảm được một lượng lớn rác thải có hại cho môi trường. Quan trọng hơn, người tiêu dùng cũng dần tạo thói quen tốt và có trách nhiệm với chính mình”.

Cần sự chung sức đồng lòng từ nhiều phía

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội hiện vẫn ở mức rất cao. Do đó, Hà Nội đã và đang triển khai các phong trào không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, huy động cộng đồng tham gia thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý…

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng “Quy tắc ứng xử giảm chất thải nhựa”. Trước hết, quy tắc này sẽ được thực hiện tại Sở từ tháng 6/2019, sau đó hướng dẫn các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cùng thực hiện để góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải nhựa, tạo nên sự thay đổi về nhận thức, ý thức và thói quen của cả cộng đồng cần có quyết tâm cao hơn, tổ chức nhiều hơn các hoạt động cụ thể, thiết thực, có tính lan tỏa sâu rộng, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Với mục tiêu hướng tới môi trường không rác thải nhựa, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ thói quen sử dụng nhựa và túi nilon của người dân.

Có thể thấy, phong trào phát triển mạnh mẽ cũng như sự tự ý thức của người dân Thủ đô đang có những chuyển biến rất tích cực. Song không thể phủ nhận, sự thay đổi nhận thức của người dân vẫn chưa thực sự rộng rãi. Dạo quanh một vòng tại các chợ truyền thống ở Hà Nội, người dân chủ yếu vẫn sử dụng túi nilon là chủ yếu. Dù mua thịt, mớ rau hay bất kể một thứ gì, người bán và người mua đều tiện tay cho vào túi nilon để đựng đồ.

Đặc biệt dù biết đến tác hại của túi nilon nhưng chẳng ai “cưỡng nổi” sự tiện dụng của nó. Cùng với đó, hiện nay đã xuất hiện một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm túi, găng tay tự phân hủy từ tinh bột hoặc túi làm từ giấy tái chế, ống hút làm từ cây lúa mạch, từ tre… tuy nhiên số lượng đó chưa thực sự nhiều và giá thành tương đối cao so với sản phẩm từ nhựa khiến người dân băn khoăn, e ngại dẫn đến những thói quen xấu vẫn chưa được xóa bỏ triệt để.

Bên cạnh đó, những chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa hiện nay chưa tương xứng với mức độ tác động, hệ lụy của nó đến môi trường, đến sức khỏe con người và sự kỳ vọng của xã hội về vấn đề này. Do đó, để việc giảm thiểu rác thải nhựa có hiệu quả thực chất, cần sự chung sức đồng lòng từ nhiều phía và sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành.

Phải sớm có các chính sách, quy định pháp luật cụ thể về vấn đề này, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với rác thải nhựa. Quan trọng nhất là về lâu dài, cần tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc sử dụng các loại vật liệu khác thay thế đồ nhựa dùng một lần.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lan-toa-loi-song-xanh-can-su-chung-suc-cua-ca-cong-dong-92675.html