Lan tỏa lối sống xanh

Sống xanh là một trào lưu ngày càng được nhiều người hưởng ứng để góp phần bảo vệ hành tinh. Tại các nước châu Âu, từ chính phủ cho đến người dân đều nỗ lực áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường tự nhiên, trong bối cảnh mức độ thiệt hại từ biến đổi khí hậu gia tăng ở mức báo động.

Việc đi lại bằng xe đạp ngày càng phổ biến ở Bỉ.

Việc đi lại bằng xe đạp ngày càng phổ biến ở Bỉ.

Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức thông qua luật cấm bán ô-tô mới chạy bằng xăng và dầu diesel trong Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2035, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện. Đây được coi là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Lục địa già, hướng tới lối sống xanh. Theo luật này, đến năm 2035, các nhà sản xuất xe hơi phải đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí CO2 ở mức 100%, đồng nghĩa với việc các hãng này không thể bán xe mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ở 27 quốc gia thành viên EU.

Trên thực tế, việc chuyển đổi sang sản xuất, sử dụng xe điện vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là không phải mọi hãng xe đều đáp ứng đủ các điều kiện về tài chính, năng lực công nghệ, hạ tầng… để sản xuất sản phẩm điện hóa. Chưa kể, việc chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh xe điện cũng kéo theo sự thay đổi về cơ cấu việc làm, gia tăng nhu cầu về lao động trình độ cao. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và giao thông Italia Matteo Salvini (M.Xan-vi-ni) cảnh báo, các quy định về cắt giảm khí thải với ô-tô sẽ khiến ngành công nghiệp ô-tô ở châu Âu trở nên kém cạnh tranh hơn trên thế giới.

Tuy vậy, những lợi ích từ ô-tô điện là không thể phủ nhận, giúp các quốc gia giảm phát thải khí CO2 ở đô thị, cũng như giảm phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch. Doanh số bán ô-tô điện tại các nước EU đã tăng kỷ lục trong năm 2022, cho thấy một bước tiến đáng mừng về bảo vệ môi trường. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô châu Âu (ACEA), doanh số bán ô-tô điện chạy bằng pin năm 2022 chiếm 12,1% doanh số bán ô-tô mới, tăng so với mức 9,1% được ghi nhận trong năm 2021 và 1,9% năm 2019.

Mới đây, Hamburg là thành phố đầu tiên của Đức quyết định không cấp phép mới cho các xe taxi chạy bằng động cơ đốt trong. Đây là một phần nỗ lực của quốc gia châu Âu này để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025, các xe taxi động cơ đốt trong sẽ không còn được cấp phép mới. Việc dừng cấp phép mới cho taxi động cơ đốt trong để chuyển sang loại taxi chạy bằng điện và hydro được kỳ vọng sẽ giúp giảm 2.000 tấn CO2 mỗi năm. Giới chức địa phương tin tưởng rằng, động thái này sẽ phát đi một thông điệp tích cực cho cả nước Đức và toàn bộ châu Âu về bảo vệ khí hậu.

Đồng hành cùng chính quyền trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, ngày càng nhiều người dân chuyển sang đi xe đạp. Theo kết quả khảo sát được thực hiện với các doanh nghiệp có ít nhất 100 công nhân tại Bỉ, xe đạp đang trở thành phương tiện giao thông được ưa chuộng thứ hai ở nước này sau ô-tô. Điều này cho thấy sự thay đổi lớn trong thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân. Kết quả này cũng phản ánh thực tế rằng người dân đã quen với việc tránh các phương tiện giao thông công cộng vì dễ lây nhiễm bệnh trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, song lại chọn phương tiện giao thông cá nhân thân thiện với môi trường.

Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho biết, biến đổi khí hậu gây ra thiệt hại kinh tế hơn 145 tỷ euro cho EU trong thập kỷ qua. Biến đổi khí hậu cũng khiến cuộc sống của gần 1 tỷ trẻ em trên thế giới bị đe dọa nghiêm trọng. Tình trạng môi trường sống bị tàn phá nặng nề buộc mỗi người phải thay đổi từ trong nhận thức, lối sống, sinh hoạt; có hành vi ứng xử với môi trường một cách văn minh và có trách nhiệm hơn.

LÊ KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lan-toa-loi-song-xanh-post740470.html