Lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội các tác phẩm về Bác Hồ

Khởi nguồn hơn 10 năm trước, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, trở thành một đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa lớn của đất nước.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ trao giải A cho các tác giả. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội

Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mà còn để lại cho các thế hệ mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh.

Có thể nói, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng cao đẹp của các văn nghệ sĩ, nhà báo. Mỗi tác phẩm đều khẳng định giá trị to lớn, trường tồn về tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh; phát hiện, biểu dương, cổ vũ những tấm gương cá nhân, tập thể học tập và làm theo Bác, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.

Phim tài liệu “Như hạt phù sa” của đạo diễn Vũ Minh Phương (Điện ảnh Quân đội nhân dân) là một trong minh chứng cụ thể. Bộ phim kể về một con người mà cả cuộc đời mang trên mình bộ quân phục Bộ đội Cụ Hồ, đó là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hoàng (Ba Hoàng).

Trở về đời thường, ông luôn tâm niệm phải sống sao cho trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội. Khi làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, ông đã vận động đồng đội, các tổ chức hỗ trợ kinh phí xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa và là người khởi xướng, vận động cựu chiến binh rước ảnh Bác Hồ về thờ tại gia đình.

Suốt đời học tập, noi theo tấm gương của Bác, cựu chiến binh Ba Hoàng đã sống hết mình, gieo những mạch nguồn nhân ái trên mảnh đất quê hương, để mầm thiện đâm chồi, lan tỏa... Với nội dung sâu sắc, hình ảnh cảm động, chân thực, bộ phim đã giành được giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đợt I (2016 - 2018).

10 tác phẩm trong tập truyện ký “Đường mới mùa xuân” (Giải B) của Nhà văn Vũ Quốc Khánh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ) là một bức tranh tổng hòa về cuộc sống của các tầng lớp nhân dân miền núi Phú Thọ ngày một đổi thay, nhờ học tập và làm theo Bác.

Không những được xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhiều người còn trở thành doanh nhân thành đạt; nhiều bản làng đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tư tưởng của Bác đã ngấm vào tiềm thức và tâm thức của người dân nơi đây. Truyện ký “Đường mới mùa xuân” cho thấy, nhân dân các dân tộc miền núi tỉnh Phú Thọ đã làm tốt việc bảo vệ, trồng và chăm sóc hàng nghìn héc-ta rừng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.

Với vở diễn "Vòng xoáy nghiệt ngã" (Giải B), tác giả Bích Ngân, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, đi sâu phân tích về vòng xoáy dữ dội giữa lợi và danh; về danh dự, niềm tin vào những gì mà cả dân tộc gìn giữ, chiến đấu và bảo vệ. "Rất cần những người như ông Ba Tài - nhân vật chính trong vở diễn - những người tiếp tục phẩm chất của người cộng sản, bảo vệ lợi ích của nhân dân", tác giả Bích Ngân chia sẻ.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Họa sĩ Trần Khánh Trương cho biết: Mỹ thuật trong giai đoạn này có rất nhiều tác phẩm thiên về đề tài xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua các tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau như điêu khắc, hội họa… nội dung của các tác phẩm được các chuyên gia đánh giá là có sức chuyển tải sâu rộng đến đông đảo quần chúng nhân dân.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trao giải B cho các tác giả. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trong đợt sáng tác lần này, Hội Mỹ thuật Việt Nam là một trong những đầu mối được giao nhận các tác phẩm, trong số hơn 100 tác phẩm Hội nhận được đã lựa chọn 11 tác phẩm để trao 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 5 giải khuyến khích. Ông Trương hy vọng các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ tuyên truyền sâu rộng về nội dung của các tác phẩm văn học, nghệ thuật tham gia Giải thưởng, đưa nội dung các tác phẩm đến gần hơn với công chúng, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.

Nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Theo Ban Chỉ đạo Giải thưởng, trong những năm qua, cấp ủy các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến việc chỉ đạo, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ, nhà báo sáng tác, tổ chức quảng bá các tác phẩm về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về tình hình, kết quả học tập, thực hiện và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Công tác chỉ đạo đã bám sát thực tiễn của từng địa phương, cơ sở, đặc thù của từng loại hình văn học nghệ thuật, trao đổi về chủ đề sáng tác, giao lưu giới thiệu tác phẩm mới… tạo điều kiện cho hoạt động sáng tác, quảng bá có sức lan tỏa.

Ban Chỉ đạo Giải thưởng đã quyết định trao 8 giải A, 34 giải B, 67 giải C và 55 giải khuyến khích cho các tác phẩm, công trình, tập thể, cá nhân thuộc 13 chuyên ngành sáng tác; tặng thưởng đồng hạng về quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí cho 19 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Trong số các tác giả, tập thể, cá nhân đạt giải, có nhiều người thuộc các dân tộc khác nhau: Kinh, Thái, Tày, Nùng, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ê Đê…; có những người tuổi đã cao như các nhà văn, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu: Sơn Tùng, Giang Nam, Hoàng Quảng Uyên, Hoàng Chí Bảo, Trần Minh Ngọc, Trần Long Ẩn, Phạm Việt Tùng, Ma Trường Nguyên, Hoàng Choóng, Lưu Văn Quỳ..; có rất nhiều tác giả trẻ ở nhiều lĩnh vực; có cả người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài như Nguyễn Huy Hoàng, Lê Thị Mạnh, Dàn hợp ca Quê hương ở Cộng hòa Pháp.

Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Giải thưởng Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: Bằng tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bằng tâm huyết, sự sáng tạo và cống hiến không mệt mỏi, các văn nghệ sĩ, nhà báo đã làm nên thành công của Giải thưởng; góp phần thực hiện một cách thiết thực, sinh động Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về vị trí, vai trò của tư tưởng, văn hóa, đạo đức đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội, đồng thời chỉ rõ cần thường xuyên trau dồi, vun đắp để gốc vững, cành tươi, đơm hoa, kết trái trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải thưởng, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đông đảo các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ sẽ đúc rút bài học, khẳng định ưu điểm, kết quả; khắc phục những mặt hạn chế, bất cập; tiếp tục đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong thời gian từ nay đến năm 2020 với trách nhiệm, tâm huyết và tài năng cao nhất; sáng tạo thêm nhiều tác phẩm có giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật đặc sắc nhất; mới mẻ, hấp dẫn, có sức lan tỏa sâu rộng hơn nữa.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/lan-toa-manh-me-trong-doi-song-xa-hoi-cac-tac-pham-ve-bac-ho-20180514164347078.htm