Lan tỏa nghệ thuật múa

Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam vừa khởi động Tuần lễ Múa Việt Nam, với kỳ vọng mang đến làn gió mới cho nghệ thuật múa cũng như lan tỏa rộng rãi hơn trong cộng đồng. Dịp này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, cũng là người khởi xướng và xây dựng nội dung Tuần lễ Múa Việt Nam.

Biên đạo múa Tuyết Minh.

PV: Thưa bà, Tuần lễ Múa Việt Nam sẽ mang đến cho công chúng điều khác biệt gì?

Biên đạo múa Tuyết Minh: Trước đây, chúng ta quá tập trung vào các cuộc thi và coi các cuộc thi gần như là tiêu chí để phân định, đánh giá cao thấp về trình độ, chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội nói chung cùng những thể loại nhảy múa mới đã và đang tác động rất lớn đến diện mạo của nghệ thuật múa. Và không phải thứ gì cũng có thể mang ra thi. Nên để phù hợp xu thế hội nhập quốc tế, tính chất xã hội hóa và hướng đến nền công nghiệp văn hóa, trong đó có nghệ thuật múa, cần có sự phân định rõ tiêu chí giữa các cuộc thi và liên hoan. Đó là lý do Tuần lễ Múa Việt Nam đưa vào hai nội dung chính là: Cuộc thi tác phẩm múa dân gian dân tộc Việt Nam dành cho các nhà biên đạo múa chuyên nghiệp trên toàn quốc, và Liên hoan Múa Việt Nam - quốc tế dự kiến có sự tham gia của 11 quốc gia trên thế giới.

Liên hoan bao gồm 9 hạng mục dành cho tài năng biểu diễn ở các thể loại: nhảy, múa và chuyển động. Bên cạnh các hạng mục biểu diễn chuyên nghiệp: ballet và neo classic; múa dân gian dân tộc; múa đương đại thì các loại hình nhảy hiện đại như: hiphop, jazz, popdance đã chính thức được nhìn nhận và đưa vào liên hoan. Tuần lễ Múa năm nay còn tạo sân chơi cho các câu lạc bộ, studio, trung tâm văn hóa. Đây là môi trường đang phát triển rất sôi động, góp phần bồi dưỡng tài năng múa và tạo nguồn khán giả cho nghệ thuật múa. Tuần lễ Múa Việt Nam cũng tạo môi trường gắn kết, so tài cho những nghệ sĩ sáng tạo, thực hành nghệ thuật ở những loại hình liên quan như: video art, phim, trailer về múa, nhiếp ảnh, công trình lý luận, nghiên cứu về múa… Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam mong muốn sự kiện này sẽ mang đến cơ hội để công chúng tiếp cận toàn cảnh nghệ thuật múa Việt Nam, đồng thời tiếp thêm động lực cho nghệ thuật múa Việt Nam phát triển.

Tuần lễ Múa Việt Nam thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ chuyên và không chuyên Ảnh: Minh Họa.

Với sự đa dạng trong các hạng mục tranh tài và đối tượng tham gia, đâu là tiêu chí để đảm bảo tính chuyên nghiệp cho Tuần lễ Múa Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức?

- Có một thực tế là nước ta có rất nhiều nghệ sĩ múa tài năng đã từng đoạt giải cao, đoạt Huy chương Vàng tại những cuộc thi, hội diễn chuyên nghiệp nhưng lại không được công chúng rộng rãi biết đến. Một phần nguyên nhân là do cách nghĩ, cách làm nghệ thuật của họ chưa bắt kịp xu thế, còn hạn chế trong ứng dụng những thành tựu công nghệ để hỗ trợ cho việc xây dựng, lan tỏa thương hiệu cá nhân gắn với nghề nghiệp của mình.

Đó là lý do ngay từ vòng sơ khảo của Tuần lễ Múa Việt Nam với Thử thách video 24 giây theo hình thức trực tuyến, Ban tổ chức yêu cầu người tham gia phải thể hiện được mình là ai? Mình ở đâu? Tiêu chí “mình là ai” thể hiện qua cách lựa chọn thể loại, ngôn ngữ múa. Còn tiêu chí “mình ở đâu” đòi hỏi phần thể hiện của người tham gia phải gắn kết được với địa danh văn hóa để khi sản phẩm lan tỏa trên các nền tảng số sẽ giới thiệu được vẻ đẹp mang tính bản sắc của các vùng miền Việt Nam. Đây cũng là cách lan tỏa vẻ đẹp văn hóa, du lịch, hình ảnh con người Việt Nam qua nghệ thuật múa. Như vậy, tính chuyên nghiệp của Tuần lễ Múa được xây dựng dựa trên những hoạt động cụ thể, vừa hướng tới yếu tố chất lượng, vừa hướng tới hiệu quả về truyền thông, quảng bá.

Bên cạnh yếu tố chuyên môn, Ban tổ chức kỳ vọng gì để sự kiện có thể lan tỏa rộng rãi hơn đến cộng đồng?

- Với thông điệp “Hội tụ và tỏa sáng tương lai”, thông qua các hoạt động, Tuần lễ Múa Việt Nam mong muốn tôn vinh vẻ đẹp của múa dân tộc Việt Nam với thế giới và hội nhập tinh hoa của nghệ thuật múa thế giới. Qua đó, gắn kết những nghệ sĩ múa, người yêu múa, yêu nghệ thuật chuyển động trong nước và quốc tế đến với Việt Nam; phát triển những tài năng múa ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là những tài năng nhí, truyền tải vẻ đẹp của múa đến với khán giả; chia sẻ khó khăn cũng như mong mỏi, khát khao của nghệ sĩ múa trong điều kiện hoạt động nghệ thuật ở các vùng miền, từ đó tạo ra mô hình hoạt động hiệu quả hơn cho những chi hội múa trên toàn quốc, góp phần tạo sự phát triển bền vững của múa. Tuần lễ Múa Việt Nam đồng thời cũng tạo sự gắn kết giữa nghệ sĩ múa với nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác nhau để mở ra những khả năng hợp tác mới trong nước và quốc tế. Bằng những bước đi nhỏ nhưng được định hướng rõ ràng qua từng năm, Tuần lễ Múa mong muốn có thể góp phần xây dựng thị trường chuyên nghiệp cho múa Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn bà!

Đây là năm đầu tiên tổ chức, nhưng chúng tôi đặt mục tiêu Tuần lễ Múa Việt Nam thành hoạt động thường niên, góp phần tạo thương hiệu cho nghệ thuật múa Việt Nam để cứ đến tháng 10 hàng năm, các nghệ sĩ múa trong nước và quốc tế cũng như những người yêu nghệ thuật nhảy múa có một nơi để đến giao lưu, học hỏi, gắn kết, cùng nhau thể hiện vẻ đẹp của múa. Thông qua nghệ thuật múa, thứ ngôn ngữ không biên giới, Ban tổ chức cũng mong muốn có thể thắt chặt quan hệ ngoại giao với nhiều nước trên thế giới để thêm gắn kết, hiểu biết lẫn nhau.

Hoàng Minh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lan-toa-nghe-thuat-mua-5727625.html